Theo Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi), có 7 hành vi vi phạm trong lĩnh vực đấu thầu sẽ bị xem xét để xử lý hình sự nếu gây ra mức độ hậu quả nghiêm trọng |
Thông thầu sẽ bị truy tố
Mức hình phạt cao nhất lên đến 20 năm tù giam nếu như hành vi vi phạm gây thiệt hại từ 1 tỷ đồng trở lên. Đây là quy định mới được đưa vào dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) đang trình Quốc hội xem xét thông qua.
Đáng chú ý, trong số tội danh mới được bổ sung, có Điều 222 quy định về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Theo đó, người nào thực hiện các hành vi: Can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu; Thông thầu; Gian lận trong đấu thầu; Cản trở hoạt động đấu thầu; Vi phạm quy định của Nhà nước về bảo đảm công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu; Tổ chức lựa chọn nhà thầu khi nguồn vốn cho gói thầu chưa được xác định dẫn đến nợ đọng vốn của nhà thầu; Chuyển nhượng thầu trái phép sẽ bị xử phạt từ cải tạo không giam giữ cho đến 20 năm tù giam tùy mức độ hành vi.
Như vậy, có 7 hành vi vi phạm trong lĩnh vực đấu thầu sẽ bị xem xét để xử lý hình sự nếu gây ra mức độ hậu quả nghiêm trọng. Hoạt động đấu thầu được xem là công cụ đặc biệt để đạt được mục tiêu cạnh tranh - công bằng - minh bạch - hiệu quả trong việc sử dụng nguồn vốn nhà nước. Nhưng thực tế tình trạng “lách luật” vẫn rất phổ biến. Việc đưa ra hình thức xử phạt nghiêm khắc hơn, xử lý hình sự chắc chắn sẽ tạo tác dụng răn đe lớn hơn đối với hành vi vi phạm pháp luật trong đấu thầu.
Điều luật này được bổ sung cùng với 8 tội danh khác nhằm thay thế Điều 165 hiện hành “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Điều 165 vẫn bị đánh giá là chung chung, mơ hồ, vừa có thể bỏ chung mọi hành vi vi phạm vào một rọ, lại vừa có thể bỏ lọt tội phạm. Chính vì vậy, để bảo đảm sự minh bạch, an toàn của môi trường kinh doanh, tránh sự tùy tiện trong áp dụng, việc thay thế tội danh này bằng các tội cụ thể trong từng lĩnh vực quản lý kinh tế là cần thiết.
Trong phiên thảo luận của Quốc hội về dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi), hầu hết ý kiến đại biểu đều đồng tình với việc bãi bỏ Điều 165 và thay thế bằng các tội danh khác, quy định cụ thể hành vi phạm tội. Đại biểu Đỗ Kim Tuyến (TP. Hà Nội), đại biểu Phạm Văn Gòn (TP.HCM) đều thừa nhận, quá trình áp dụng luật có tình trạng bị lợi dụng, bởi vậy nên bổ sung thay thế. Có ý kiến đại biểu đề nghị Ban soạn thảo rà soát lại các hành vi đã xảy ra trong thực tiễn để bảo đảm không để sót các hành vi phạm tội trong điều tra truy tố, xét xử tội phạm kinh tế.
Cá nhân không thể lẩn trốn trách nhiệm
Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) cũng đưa vào nội dung mới là pháp nhân cũng phải chịu trách nhiệm hình sự. Nguyên tắc này sẽ có ảnh hưởng rất lớn tới các pháp nhân kinh tế, kể cả khối doanh nghiệp nhà nước hay khối doanh nghiệp tư nhân.
Trong báo cáo giải trình trước Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh, việc quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân đã được cân nhắc kỹ trên tình trạng pháp nhân vi phạm phổ biến và mức độ vi phạm nghiêm trọng, cần chọn lựa những hành vi vi phạm phải bị xử lý về hình sự, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật. Dự thảo Bộ luật quy định phạm vi trách nhiệm của pháp nhân gồm 40 tội danh (Điều 76) như tội buôn lậu, tội sản xuất, buôn bán hàng giả, tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ…
Việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân sẽ không loại trừ trách nhiệm hình sự cá nhân. Dự thảo quy định, khi có đủ 3 điều kiện: hành vi phạm tội nhân danh pháp nhân; hành vi phạm tội được thực hiện vì lợi ích pháp nhân; hành vi phạm tội có sự chỉ đạo điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thì mới truy cứu trách nhiệm hình sự của pháp nhân.
Tại nghị trường, nhiều ý kiến cho rằng, quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân sẽ là công cụ hữu hiệu để pháp nhân không ngừng giữ gìn uy tín của pháp nhân hoạt động hợp pháp, tôn trọng lợi ích hợp pháp của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác. Bên cạnh đó cũng để những người đại diện pháp nhân, người quản lý, điều hành pháp nhân, nhân viên của pháp nhân nêu cao trách nhiệm đối với pháp nhân nhằm bảo đảm sự tồn tại và phát triển của pháp nhân.
Tuy nhiên, vẫn còn một số ý kiến đề nghị cân nhắc quy định buộc pháp nhân chịu trách nhiệm hình sự. Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Khai (Cần Thơ) cho rằng, công tác phòng chống tội phạm pháp nhân thời gian qua chưa cao là do thi hành chưa nghiêm, cần khắc phục bằng cách tăng cường hiệu quả công tác thi hành án.
Điều 222. Tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng (của Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi))
1. Người nào thực hiện một trong những hành vi sau đây gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu;
b) Thông thầu;
c) Gian lận trong đấu thầu;
d) Cản trở hoạt động đấu thầu;
đ) Vi phạm quy định của Nhà nước về bảo đảm công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu;
e) Tổ chức lựa chọn nhà thầu khi nguồn vốn cho gói thầu chưa được xác định dẫn đến nợ đọng vốn của nhà thầu;
g) Chuyển nhượng thầu trái phép.
2. Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 03 năm đến 12 năm:
a) Vì vụ lợi;
b) Có tổ chức;
c) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.
3. Phạm tội gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 1.000.000.000 đồng trở lên thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.