Vì sao đề xuất không giảm thời gian thu phí 14 dự án BOT?

(BĐT) - Sau khi Kiểm toán Nhà nước (KTNN) thông báo kết quả kiểm toán và yêu cầu giảm thời gian thu phí hoàn vốn tương ứng với số tiền gần 2.362 tỷ đồng liên quan đến cách tính lợi nhuận và chi phí bảo toàn vốn của 14 dự án BOT triển khai trước năm 2009, nhiều nhà đầu tư đã bày tỏ tâm lý lo lắng và hoang mang. 
Kiểm toán Nhà nước yêu cầu giảm thời gian thu phí hoàn vốn tương ứng với số tiền gần 2.362 tỷ đồng đối với 14 dự án BOT triển khai trước năm 2009. Ảnh: Anh Quân
Kiểm toán Nhà nước yêu cầu giảm thời gian thu phí hoàn vốn tương ứng với số tiền gần 2.362 tỷ đồng đối với 14 dự án BOT triển khai trước năm 2009. Ảnh: Anh Quân

Tuy nhiên, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ thống nhất chủ trương không giảm trừ thời gian thu phí hoàn vốn của 14 dự án trên.

Theo đại diện Bộ GTVT, sở dĩ Bộ báo cáo và đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho quyết toán các hợp đồng BOT, BT đã ký trước thời điểm Thông tư số 166/2011-BTC có hiệu lực, không giảm trừ thời gian thu phí hoàn vốn của 14 dự án là nhằm bảo đảm hài hòa quyền lợi của người dân, Nhà nước, nhà đầu tư; tôn trọng quyền lợi của các bên trong hợp đồng và không trái với quy định pháp luật.

Ngày 11/8/2017, KTNN có văn bản thông báo kết quả kiểm toán 75 dự án BOT. Trong đó, KTNN yêu cầu giảm trừ thời gian thu phí hoàn vốn tương ứng của 14 dự án đưa một số nội dung chưa có trong quy định pháp luật vào phương án tài chính để hoàn vốn. Cụ thể, 5 dự án BOT tính lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu trong quá trình thi công với tổng số tiền là 1.421.693 triệu đồng; 9 dự án BOT tính chi phí bảo toàn vốn trong thời gian khai thác với tổng số tiền là 940.185 triệu đồng.

Bộ GTVT cho biết, 14 dự án BOT nói trên đều được đàm phán và ký kết hợp đồng với Bộ GTVT trong giai đoạn từ năm 2002 - 2009. Tại thời điểm này, việc đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT được quy định tại Nghị định số 77/CP ngày 18/6/1997 về ban hành quy chế đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT áp dụng cho đầu tư trong nước và Nghị định số 78/2007/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, BTO, BT. Đến ngày 27/11/2009, Chính phủ ban hành Nghị định số 108/2009/NĐ-CP, và ngày 17/11/2011, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 166/2011/TT-BTC hướng dẫn chi tiết việc xác định lợi nhuận phần vốn chủ sở hữu nhà đầu tư sẽ được hưởng.

Do chưa có quy định của Nhà nước về cách xác định chi phí bảo toàn vốn trên phần vốn chủ sở hữu và lợi nhuận cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BOT, cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã đàm phán với nhà đầu tư và quy định các nội dung này trong hợp đồng dự án BOT.

Bộ GTVT đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về các vướng mắc này, và theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã xin ý kiến xử lý của các bộ, ngành liên quan.

Theo ý kiến của Bộ Tư pháp tại Văn bản ngày 28/9/2018, việc xử lý từng dự án BOT phải dựa trên quy định của pháp luật tại từng thời điểm triển khai và quy định của từng hợp đồng. Tại Khoản 2 Điều 52 Nghị định số 108/2009/NĐ-CP quy định: “Nhà đầu tư thực hiện dự án trước ngày nghị định này có hiệu lực thi hành được tiếp tục thực hiện theo quy định của hợp đồng dự án và giấy chứng nhận đầu tư”. Khoản 2 Điều 21 Thông tư số 166/2011/TT-BTC quy định: “Đối với các hợp đồng dự án đã ký kết trước ngày thông tư này có hiệu lực thi hành được tiếp tục thực hiện theo hợp đồng dự án đã ký”. Do vậy, Bộ Tư pháp cũng có ý kiến báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện việc quyết toán 14 dự án BOT nói trên căn cứ theo quy định của pháp luật tại từng thời điểm triển khai dự án và hợp đồng dự án.

Về vấn đề này, Bộ KH&ĐT cũng khẳng định, tại thời điểm ký hợp đồng, Nghị định số 77/CP và Nghị định số 78/2007/NĐ-CP không quy định cụ thể và hướng dẫn cách tính chi phí bảo toàn vốn, lợi nhuận của nhà đầu tư trên vốn chủ sở hữu. Điều khoản chuyển tiếp của Nghị định số 108/2009/NĐ-CP, Nghị định số 15/2015/NĐ-CP, Nghị định số 63/2018/NĐ-CP đều quy định tiếp tục thực hiện theo giấy chứng nhận đầu tư và hợp đồng đã ký.

Bên cạnh đó, Điều 4 Bộ luật Dân sự quy định: “Việc xác lập quyền, nghĩa vụ dân sự được pháp luật bảo đảm, nếu cam kết, thỏa thuận đó không vi phạm điều cấm của pháp luật, đồng thời các cam kết, thỏa thuận hợp pháp có hiệu lực bắt buộc thực hiện đối với các bên và phải được cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác tôn trọng”.

Đến nay, 14 hợp đồng dự án BOT đã ký kết nói trên vẫn đang vận hành, việc thay đổi các điều khoản (không vi phạm điều cấm của pháp luật) đã ký kết trước đây trong hợp đồng sẽ không thể đàm phán hồi tố để thống nhất được với nhà đầu tư, khi đó sẽ phát sinh tranh chấp pháp lý giữa hai bên.