Giá vàng thế giới tăng khoảng 28% tính từ đầu năm đến nay, trong khi giá vàng trong nước tăng khoảng 32%. Ảnh: St |
Giới chuyên gia dự báo giá vàng sẽ còn tăng nếu căng thẳng Mỹ - Trung tiếp tục leo thang và dịch bệnh Covid-19 vẫn phức tạp.
Đến 17h ngày 27/7, giá vàng giao ngay trên sàn giao dịch vàng thế giới Kitco đã lên mốc 1.941,3 USD/oz, tăng gần 40 USD/oz so với đóng cửa phiên giao dịch trước đó. Cùng thời điểm, giá vàng SJC trong nước được các công ty vàng bạc mua vào - bán ra phổ biến ở mức 55,45 - 56,92 triệu đồng/lượng, tăng khoảng 6 triệu đồng/lượng so với 1 tuần trước. Giá vàng thế giới ở mức 1.941 USD/oz tương đương với mức giá tại Việt Nam là 54,5 triệu đồng/lượng, tức là thấp hơn khoảng 2,5 triệu đồng/lượng so với giá trong nước.
Như vậy, giá vàng thế giới đã tăng khoảng 28% tính từ đầu năm đến nay, trong khi giá vàng trong nước đã tăng khoảng 32%.
Giới phân tích thế giới cho rằng, biến động của giá vàng trong những ngày gần đây là do căng thẳng đang nóng lên giữa Washington và Bắc Kinh. Cuối tuần trước, Trung Quốc tuyên bố đã ra lệnh cho Mỹ đóng cửa Lãnh sự quán tại Thành Đô, sau khi Mỹ yêu cầu đóng cửa Lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston.
Trong khi đó, số ca mắc Covid-19 trên toàn cầu tiếp tục tăng. Theo dữ liệu của Đại học Johns Hopkins (Mỹ), hơn 16 triệu người trên thế giới đã bị nhiễm Covid-19, một phần tư trong số đó là người Mỹ. Bên cạnh đó, đồng USD đang giảm giá càng hỗ trợ cho đà tăng của giá vàng.
Một trong những yếu tố hỗ trợ lớn cho giá vàng là thế giới đang chứng kiến nhiều dòng tiền được bơm vào thị trường từ các gói kích thích tài chính và tiền tệ. Các nhà lãnh đạo EU đã đạt được thỏa thuận về gói phục hồi kinh tế trị giá 750 tỷ Euro (tương đương 857,33 tỷ USD). Nhiều ý kiến cho rằng, Mỹ cũng sắp công bố một gói tài chính khác vào tuần tới.
Một trong những yếu tố hỗ trợ lớn hơn cho giá vàng là thế giới đang chứng kiến nhiều dòng tiền được bơm vào thị trường từ các gói kích thích tài chính và tiền tệ. Các nhà lãnh đạo EU đã đạt được thỏa thuận về gói phục hồi kinh tế trị giá 750 tỷ Euro (tương đương 857,33 tỷ USD). Nhiều ý kiến cho rằng, Mỹ cũng sắp công bố một gói tài chính khác vào tuần tới.
Do đó, giới phân tích cho rằng, khi chưa có các giải pháp cho căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc, đại dịch Covid-19 chưa được kiểm soát, lo ngại về lạm phát và nợ công còn hiện hữu thì giá vàng sẽ còn tăng.
Theo ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh vàng Việt Nam (VGB), các căng thẳng địa chính trị trên thế giới vẫn tiếp tục leo thang, nhiều chính phủ đã thực hiện hoặc có kế hoạch đưa ra các gói kích thích kinh tế gây kỳ vọng lạm phát, số ca nhiễm Covid-19 tiếp tục tăng mạnh là những yếu tố đẩy giá vàng mạnh nhất. Trong khi đó, kỳ vọng về vaccine cho Covid-19 hay tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ giảm vẫn chưa thành hiện thực. Vì vậy, giá vàng thế giới sẽ còn tiếp tục tăng ít nhất trong tháng 7 này và giá vàng trong nước cũng sẽ tăng theo.
Về chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới, ông Hải lý giải là do thiếu nguồn cung vàng SJC. Giá vàng thế giới vẫn trong xu thế tăng nhưng các công ty vàng không mua được vàng SJC bởi người dân có xu hướng giữ vàng chờ giá lên tiếp khi chứng kiến mức sinh lợi quá lớn của vàng tính từ đầu năm đến nay. Do đó, các công ty vàng buộc phải nâng giá mua vào và giá bán ra.
Cũng theo vị chuyên gia này, hiện thương hiệu vàng miếng SJC vẫn do Nhà nước quản lý và nguồn cung khá hạn hẹp. “Để giảm bớt sức nóng của giá vàng trong nước do tình trạng thiếu cung, có thể tính đến phương án cấp hạn mức cho phép một số doanh nghiệp có uy tín và thương hiệu tốt được thu mua các loại vàng 99 hoặc 999 trong dân để sản xuất thành vàng 9999 cung ứng cho thị trường”, ông Hải đề xuất.