Ảnh minh họa. |
Sau khi tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do, bài toán mà Việt Nam hiện đối mặt là phải cải thiện lại năng lực cạnh tranh khi gia nhập sân chơi thế giới. Song chính khả năng cạnh tranh này lại là một dấu hỏi lớn. Cùng quan điểm như các chuyên gia kinh tế khác, bà Phạm Chi Lan cho rằng sau nhiều năm phát triển, Việt Nam vẫn chỉ nằm cùng “phân khúc” với Lào, Campuchia và Myanmar. Vậy năng lực cạnh tranh của Việt Nam hiện nằm ở đâu?
Không ít người đã bày tỏ lo ngại về việc năng suất lao động của Lào và Campuchia bắt đầu vượt cả Việt Nam, và điều này là có cơ sở. Trong những năm gần đây, nền kinh tế của Lào và Campuchia đều có những bước tiến vượt bậc. Theo tổ chức nghiên cứu Economist Intelligence Unit (EIU), Việt Nam, Lào, Campuchia là những quốc gia góp mặt trong danh sách dự kiến đạt mức tăng trưởng cao nhất thế giới trong năm nay. Lào dự kiến xếp thứ 2, theo sau là Campuchia và Myanmar, còn Việt Nam xếp thứ 9.
Xếp hạng chỉ số cạnh tranh toàn cầu (GCI) trong 2 năm gần đây
Một ví dụ cạnh tranh điển hình của Campuchia chính là ngành gạo, vốn là sở trường của Việt Nam. Đi sau Việt Nam, song Campuchia nay đã lọt vào danh sách đối thủ cạnh tranh với chính người Việt trong lĩnh vực xuất khẩu gạo, bên cạnh các đối thủ lớn truyền thống như Thái Lan, Ấn Độ.
Người Campuchia còn đang kỳ vọng xuất khẩu gạo của họ sẽ dần chiếm thị phần của gã láng giềng khổng lồ Việt Nam trên thị trường thế giới. Từ thị phần xuất khẩu gạo chỉ 1% trong năm 2013, Campuchia nâng con số này lên 11% (4 tháng đầu năm 2015), trong khi thị phần xuất khẩu gạo của Việt Nam giảm từ 66% xuống còn 47%.
Lào gần đây cũng bắt đầu thu hút vốn đầu tư nước ngoài nhiều hơn, thành lập sàn chứng khoán. Còn Myanmar thì hứa hẹn sẽ có những cải cách kinh tế lớn sau những sự kiện chính trị hồi năm ngoái.
Trên thực tế, nền kinh tế Việt Nam vẫn vượt trội Lào và Campuchia ở nhiều khía cạnh. Theo báo cáo cạnh tranh toàn cầu 2015-2016 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), Việt Nam đứng thứ 56 trong tổng số 140 nước được xếp hạng về năng lực cạnh tranh, tăng 12 bậc so với năm ngoái và vẫn cao hơn Lào và Campuchia.
Báo cáo của WEF sử dụng chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI), là kết hợp của 114 chỉ báo khác nhau, được tính dựa theo 12 trụ cột của nền kinh tế. Các trụ cột này được phân thành 3 thời kỳ, là nền tảng giúp các quốc gia tăng trưởng và phát triển. Ví dụ như nhóm yêu cầu căn bản (bao gồm môi trường vĩ mô, giáo dục cơ bản, y tế, cơ sở hạ tầng, thể chế), nhóm các yếu tố nâng cao (gồm giáo dục và đào tạo bậc cao, độ hiệu quả trên thị trường lao động, thị trường hàng hóa, sự phát triển của hệ thống tài chính, trình độ công nghệ, quy mô thị trường) và nhóm các yếu tố đột phá (gồm sự đa dạng của hệ thống doanh nghiệp và khả năng tạo đột phá). Theo báo cáo này, Lào, Campuchia và Myanmar đang nằm ở giai đoạn tăng trưởng dựa trên các yếu tố cơ bản, còn Việt Nam đang ở giai đoạn chuyển đổi giữa giai đoạn cơ bản và nâng cao.
Mặc dù Việt Nam cao điểm hơn ở hầu hết các chỉ tiêu, đáng chú ý là Lào và Campuchia vẫn có những điểm sáng nổi trội hơn Việt Nam. Cụ thể là chỉ số về sự hiệu quả của thị trường lao động và thị trường tài chính. Theo WEF, một thị trường lao động hiệu quả là thị trường giúp cho người lao động có thể kiếm được những công việc phù hợp với kỹ năng của họ.
Điều kiện của thị trường tài chính ở Lào và Campuchia cũng phản ánh mức giá thị trường hàng hóa và những thông tin thị trường minh bạch hơn Việt Nam. Mặc dù Lào và Campuchia mới thành lập thị trường chứng khoán thời gian gần đây, độ sâu về tài chính chưa thể bằng với Việt Nam, nhưng lại được WEF đánh giá cao hơn Việt Nam vì bao gồm nhiều khía cạnh khác nhau như phân bổ nguồn lực tiết kiệm đến các chủ đầu tư, sự ổn định tài chính và khả năng tiếp cận tín dụng của cá nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Việt Nam hiện vẫn nằm trong nhóm CLMV (gồm Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam). Khoảng cách giữa CLMV và ASEAN-6 (gồm Singapore, Malaysia, Indonesia, Philippines, Thái Lan và Brunei) đang ngày càng được kéo dãn, theo đánh giá của bà Phạm Chi Lan. Trên thực tế, khi so sánh với các nước ASEAN, năng lực cạnh tranh của Việt Nam chỉ đứng trên 3 quốc gia còn lại của nhóm CLMV và thấp hơn so với các nước khác.
Xuất phát điểm thấp của Việt Nam cũng không phải là nguyên nhân khiến tăng trưởng chậm. Bài học rõ nhất chính là từ Hàn Quốc và Nhật. Ngay cả Campuchia, tuy mới chỉ xuất khẩu gạo 5 năm nhưng cũng đã trở thành một nhân tố đe dọa thay đổi thị trường. Trong khi đó, nền nông nghiệp lúa nước lâu đời của Việt Nam lại đang “tụt hậu”. Có lẽ, bí quyết thành công của Campuchia là nhờ lợi thế của người đi sau, chịu khó học hỏi, sáng tạo và làm mới theo cách riêng của mình.
Ngoài ra, đóng góp quan trọng nhất trong sự thay đổi bộ mặt kinh tế luôn đến từ giới doanh nhân. Tuy nhiên, cộng đồng này cũng đang đối mặt với những vấn đề riêng. Theo WEF, môi trường kinh doanh ở Việt Nam hiện đang phải đối mặt với nhiều trục trặc. Trong đó, 5 trục trặc lớn nhất theo thứ tự quan trọng có thể kể lần lượt là khả năng tiếp cận tài chính, sự ổn định của chính sách, khả năng và đạo đức làm việc của lực lượng lao động và yếu tố cuối cùng là tham nhũng. Đó cũng là một hướng nghiên cứu dành cho các nhà quản lý vĩ mô. Dường như điều mà Việt Nam còn thiếu là chính sách vĩ mô phù hợp, gợi mở được năng lực của người lao động và doanh nghiệp, từ đó giúp tăng năng suất quốc gia.