Ảnh Internet |
VND chưa chịu tác động quá mạnh
Ngày 17/9, chính quyền Mỹ tuyên bố đợt trừng phạt thương mại thứ 3 với Trung Quốc bằng cách áp mức thuế 10% đối với lượng hàng hóa trị giá 200 tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc. Đợt áp thuế trừng phạt này sẽ có hiệu lực từ 24/9/2018.
Đến nay, giá trị hàng Trung Quốc chịu thuế trừng phạt của Mỹ đã lên tới 250 tỷ USD, chiếm gần 50% tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ.
Đánh giá về tác động của cuộc chiến này đến tỷ giá của VND so với các đồng tiền khác, ông Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright thuộc Đại học Fulbright Việt Nam phân tích mối quan hệ giữa 3 đồng tiền là VND, CNY và USD. Theo đó, khi có những tín hiệu trừng phạt từ Mỹ, CNY đã mất giá so với đồng USD, từ mức 6,28 CNY/USD ngày 31/3 đến 6,87 CNY/USD ngày 23/8.
“Khi CNY mất giá cũng không thấy hành động can thiệp từ Ngân hàng trung ương Trung Quốc, vì thế có nhận định cho rằng nước này chủ động để CNY mất giá như một cách làm trung hòa một phần hay vô hiệu hóa đòn trừng phạt của Mỹ… Và điều này ảnh hưởng đến thị trường Việt Nam, thể hiện qua sức ép của tỷ giá vì giá trị trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc là rất lớn. CNY xuống giá so với USD trong khi VND vẫn giữ ổn định với USD thì có nghĩa là VND lên giá so với CNY”, ông Thành cho biết.
Tuy nhiên, chia sẻ quan điểm về vấn đề này, ông Đinh Tuấn Minh, Giám đốc nghiên cứu Công ty Nghiên cứu thị trường VietAnalytics nói: “Trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, ngay cả Trung Quốc cũng không dám phá giá nội tệ quá mạnh mà có xu hướng giữ tỷ giá tương đối ổn định do lo ngại việc này sẽ dẫn đến tình trạng có dòng vốn rút ra khỏi thị trường. Do đó, VND cũng chưa chịu tác động quá mạnh”.
Chính sách tỷ giá cần linh hoạt
Đánh giá về xu hướng tỷ giá USD/VND từ nay đến cuối năm, ông Đinh Tuấn Minh cho rằng, tác động lớn nhất đến VND hiện nay là động thái tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Theo đó, FED dự kiến sẽ tăng mạnh lãi suất trong tháng 9 trước áp lực về tốc độ tăng trưởng kinh tế và tỷ lệ thất nghiệp. Ông Minh dự báo, “nhiều khả năng FED tăng lãi suất trong giai đoạn từ nay đến cuối năm nên VND có thể mất giá nhưng mức độ mất giá không cao, bởi vì, động thái tăng lãi suất của FED dự kiến sẽ diễn ra không đột ngột mà sẽ trượt từ từ”.
Về ứng xử với biến động trên thị trường ngoại hối, theo ông Nguyễn Xuân Thành, Việt Nam không nên chủ động phá giá để duy trì tính cạnh tranh, nhưng cũng không cứng nhắc cố định tỷ giá và dùng dự trữ ngoại tệ để bảo vệ. Thay vào đó, chính sách tỷ giá cần linh hoạt theo hướng không để VND lên giá quá cao so với rổ 8 đồng tiền (CNY, USD, EUR, JPY, KRW, TWD, SGD và THB) của những đối tác kinh tế lớn. Tính từ đầu năm, VND đã lên giá 0,76% so với rổ 8 đồng tiền này.
Phân tích thêm về tác động ngoại thương đối với Việt Nam trước động thái mới nhất của chính quyền Donald Trump, ông Thành đề cập đến rủi ro lớn về việc hàng Trung Quốc chuyển tải (transshipment) qua Việt Nam để xuất sang Mỹ nhằm tránh thuế trừng phạt. “Điều này tương tự như câu chuyện về thép trong thời gian qua, một khi cơ quan thương mại Mỹ phát hiện thì các doanh nghiệp bị trừng phạt là ở Việt Nam, và trừng phạt cả nhóm sản phẩm. Vì cáo buộc transshipment nên thép Việt Nam đã bị Mỹ đánh thuế lên đến 450% (gồm 199,76% thuế chống bán phá giá và 256,44% thuế đối kháng). Transshipment nếu không được kiểm soát và ngăn chặn cũng có thể trở thành cớ để Mỹ trừng phạt Việt Nam. Việt Nam hiện đứng thứ 5 trong các nền kinh tế có thặng dư thương mại lớn nhất với Mỹ, chỉ sau Trung Quốc, EU, Mexico và Nhật Bản”, ông Thành nhấn mạnh.