VNECO 9 vừa chuyển nhượng vốn tại Công ty CP Green World Nha Trang và bán Khách sạn Xanh Nha Trang. Ảnh: Nhã Chi st |
Bán mảng kinh doanh hiệu quả
VNECO 9 là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng điện, kinh doanh khách sạn và du lịch. Theo báo cáo tài chính quý II/2017, Công ty đạt 10,7 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 33,75% so với cùng kỳ năm 2016. Tuy nhiên, lợi nhuận ròng đạt gần 77 tỷ đồng, gấp 853 lần cùng kỳ năm 2016.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, Công ty đạt 19 tỷ đồng doanh thu thuần (giảm 40% so với cùng kỳ 2016) và lợi nhuận ròng đạt 77 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ 2016 lỗ 2 tỷ đồng. Nguyên nhân chính dẫn đến lợi nhuận tăng bất thường là do trong quý II/2017, Công ty đã chuyển nhượng vốn tại Công ty CP Green World Nha Trang và chuyển nhượng tài sản Khách sạn Xanh Nha Trang làm cho khoản thu nhập khác trên báo cáo kết quả kinh doanh tăng đột biến từ 1 tỷ đồng lên 129 tỷ đồng.
Trong 2 lĩnh vực chính là xây lắp và kinh doanh khách sạn, hoạt động kinh doanh dịch vụ khách sạn là khoản đầu tư mang lại hiệu quả kinh doanh cao nhất cho Công ty.
Theo phân tích từ năm 2013 đến nửa đầu năm 2017, tỷ suất lợi nhuận gộp của Công ty trong lĩnh vực xây lắp luôn nhỏ hơn tỷ suất lợi nhuận gộp trong lĩnh vực kinh doanh khách sạn. Ngoài ra, tỷ suất lợi nhuận gộp trong lĩnh vực xây dựng có xu hướng giảm dần và nửa đầu năm 2017 thì hoạt động này không còn mang lại lợi nhuận (lợi nhuận gộp mảng xây lắp 6 tháng 2017 là âm 5,8 tỷ đồng). Vì vậy, trong điều kiện ngành xây dựng cạnh tranh cao, Công ty sẽ phải cạnh tranh bằng cách giảm giá trong đấu thầu, ảnh hưởng xấu đến lợi nhuận của Công ty.
Trong khi đó, tỷ suất lợi nhuận gộp mảng dịch vụ khách sạn trung bình từ năm 2013 đến 2016 là 36,7%. Theo báo cáo thường niên 2016, Công ty cho biết tỷ suất lợi nhuận gộp của Khách sạn Xanh Nha Trang và Green World Nha Trang năm 2016 lần lượt là 55% và 48,5%. Vì vậy, với việc không còn nắm giữ 2 khách sạn này, Công ty đã mất đi lĩnh vực kinh doanh có lợi thế cạnh tranh bền vững trong dài hạn.
Diễn biến tỷ suất LNG từ 2013-6T/2017 (Đơn vị tính: %)
Dấu hỏi nội lực
Với kết quả sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm 2017 cao đột biến, Công ty đã điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận ròng năm 2017 lên 84,8 tỷ đồng, gấp gần 10 lần kế hoạch ban đầu. Cùng với đó, ngày 20/9, Công ty sẽ tạm ứng cổ tức bằng tiền mặt lên tới 60%. Như vậy, số tiền dự kiến Công ty phải chi ra là 75 tỷ đồng. Tại thời điểm 30/6/2017, tiền và các khoản tương đương tiền của Công ty là 66 tỷ đồng. Câu hỏi đặt ra là sau khi chi cổ tức, doanh nghiệp này sẽ lấy tiền ở đâu để thực hiện đầu tư các dự án mới?
Về vấn đề huy động vốn, VNECO 9 có thể thực hiện qua vay nợ hoặc phát hành thêm cổ phiếu ra bên ngoài. Theo như phân tích trên, lượng tiền mặt của Công ty sẽ giảm mạnh sau khi trả cổ tức và tỷ suất lợi nhuận gộp của mảng xây lắp đang âm thì việc vay nợ sẽ tạo ra áp lực rất lớn, trừ phi VNECO 9 có thêm các dự án đầu tư hiệu quả khác. Còn nếu phát hành thêm cổ phiếu thì khó hấp dẫn nhà đầu tư.
Một điểm đáng chú ý khác tại Công ty chính là cơ cấu sở hữu. Tính đến cuối năm 2016, cơ cấu cổ đông VNECO 9 gồm 100% cổ đông trong nước, trong đó toàn bộ là cổ đông cá nhân. Do đó khả năng phát hành tăng vốn là khó thành công.
Được biết thêm, sau khi điều chỉnh mạnh kế hoạch kinh doanh, ông Nguyễn Chí Linh - Chủ tịch HĐQT VNECO 9 và bà Vũ Thị Thanh Nga - Ủy viên HĐQT đã đăng ký thoái hết vốn, tương đương 2,1 triệu CP trong thời gian từ 11/8 - 8/9. Mục đích giao dịch là đáp ứng nhu cầu tài chính cá nhân. Trong đó, ông Linh nắm giữ 13,81% vốn điều lệ, còn bà Nga nắm giữ gần 3% vốn điều lệ.