“Vỡ trận” đầu tư 2 nút giao thông gần nghìn tỷ

(BĐT) - Một dự án BOT được chỉ định nhà đầu tư từ năm 2016, khởi công rầm rộ với rất nhiều kỳ vọng giải tỏa áp lực giao thông khu vực TP.HCM. Tuy nhiên, sau hơn 3 năm, Dự án buộc phải dừng triển khai theo hợp đồng BOT, cơ quan thẩm quyền đề xuất đầu tư theo hình thức đầu tư công truyền thống.
Dự án Xây dựng 2 nút giao nhằm phát huy tính hiệu quả của đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương và các tuyến đường nối. Ảnh: Hoàng Hà
Dự án Xây dựng 2 nút giao nhằm phát huy tính hiệu quả của đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương và các tuyến đường nối. Ảnh: Hoàng Hà

Hủy kết quả lựa chọn nhà đầu tư

Dự án Xây dựng 2 nút giao khác mức giữa tuyến nối Tân Tạo - Chợ Đệm với Tỉnh lộ 10B và đường Trần Đại Nghĩa hiện hữu là các hạng mục bổ sung vào Dự án Đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận năm 2009 và Bộ Giao thông vận tải (GTVT) phê duyệt thiết kế từ năm 2010.

Tháng 9/2016, Bộ GTVT đã phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư cho dự án này với nhà đầu tư trúng thầu là Công ty TNHH Yên Khánh. Ngay sau đó, lễ khởi công Dự án đã được tổ chức rầm rộ tại TP.HCM. Dự án này cũng là một cột mốc ghi dấu ấn của Công ty Yên Khánh trên địa hạt BOT giao thông khu vực phía Nam thời điểm đó.

Được biết, tổng mức đầu tư, vốn nhà nước tham gia thực hiện Dự án dự kiến là 948,78 tỷ đồng (gồm lãi vay, kinh phí giải phóng mặt bằng do địa phương chi trả, Nhà nước hỗ trợ 474 tỷ đồng từ nguồn thu Hợp đồng bán quyền thu phí cao tốc TP.HCM - Trung Lương và phần vốn BOT khoảng 356 tỷ đồng do Nhà đầu tư tự thu xếp). Tiến độ triển khai dự kiến từ năm 2015 - 2016.

Phát biểu tại lễ khởi công, đại diện Nhà đầu tư khẳng định, việc triển khai Dự án nhằm phát huy tính hiệu quả của đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương và các tuyến đường nối, đáp ứng nhu cầu giao thông ngày càng tăng của khu vực, đặc biệt là khi Tỉnh lộ 10B được thông toàn tuyến vào cuối năm 2015. Dự án cũng phù hợp với kế hoạch của UBND TP.HCM về việc mở rộng toàn bộ tuyến đường Trần Đại Nghĩa trước năm 2020.

Thế nhưng, ngay từ khi bắt đầu triển khai, Dự án đã liên tục gặp nhiều vướng mắc, khó khăn. Đặc biệt, đến thời điểm tháng 3/2018, Tổng công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (Tổng công ty Cửu Long) - đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền - đã có báo cáo về việc hủy kết quả lựa chọn nhà đầu tư dự án này.

Sau đó, Bộ GTVT đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị tạm dừng triển khai Dự án theo hợp đồng BOT. Lý giải của Bộ GTVT cho thấy, trong quá trình thực hiện Dự án, do xuất hiện một số vướng mắc liên quan đến thủ tục pháp lý sử dụng kinh phí hỗ trợ của Nhà nước cho Dự án, Bộ GTVT đã thương thảo, đàm phán với nhà đầu tư được chọn nhưng không thành công. Điều này đã dẫn đến việc hủy kết quả lựa chọn nhà đầu tư. Do đó, Bộ GTVT đã buộc phải dừng thực hiện Dự án theo hình thức hợp đồng BOT và nghiên cứu đầu tư Dự án theo hình thức đầu tư công truyền thống. 

Cần có báo cáo cụ thể hơn

Cuối tháng 8 vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã có ý kiến chính thức gửi Văn phòng Chính phủ liên quan đến dự án này. Theo đó, đối với đề xuất của Bộ GTVT, Bộ KH&ĐT cho rằng, Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc triển khai đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT. Do đó, về nguyên tắc, việc dừng thực hiện Dự án theo hình thức hợp đồng BOT cần phải được Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Bên cạnh đó, để có cơ sở tham mưu cho Chính phủ về các phương án, Bộ KH&ĐT đề nghị Bộ GTVT cần có báo cáo cụ thể về tình hình triển khai thực hiện, việc giải phóng mặt bằng, các thủ tục pháp lý có liên quan đến sử dụng kinh phí hỗ trợ của Nhà nước cho Dự án. Đồng thời, Bộ GTVT cũng cần có phương hướng xử lý đối với các công việc đã thực hiện nếu dừng Dự án, để tránh xảy ra khiếu nại, vướng mắc về sau.

Vào thời điểm năm 2014, khi bắt đầu triển khai dự án này, Tổng công ty Cửu Long đã cho biết, về phương án tài chính, sau khi xem xét và so sánh ưu nhược điểm của 5 phương án và cả 5 phương án đều báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép chấp thuận, Tổng công ty Cửu Long kiến nghị lựa chọn Phương án 2 (BOT và Nhà nước hỗ trợ một phần bằng tiền thu phí tăng thêm khi tăng giá thu phí của đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương từ ngày 1/6/2015 đến 31/12/2018). Phương án này có ưu điểm là ngay sau khi được các cấp thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư, thẩm định, phê duyệt Dự án thì triển khai được ngay.

Đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã khẳng định, việc hủy kết quả đấu thầu dù nhận được sự đồng thuận của các bên, nhưng chắc chắn bài toán lâu dài cho dự án này đang bế tắc. Trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư công ngày càng eo hẹp, việc chuyển đổi nguồn vốn cho Dự án cũng được dự đoán mất nhiều thời gian dù áp lực giao thông khu vực này là rất lớn. Một lần nữa, câu chuyện về khả năng tính toán, chuẩn bị dự án của cơ quan nhà nước lại được đem ra mổ xẻ cùng với nỗi đau đáu kinh niên về năng lực tài chính thực sự của các nhà đầu tư BOT hiện nay.