![]() |
Việt Nam đã có một số doanh nghiệp tư nhân lớn trong một số ngành, lĩnh vực có khả năng dẫn dắt chuỗi giá trị, thúc đẩy các doanh nghiệp nhỏ và vừa cùng lớn mạnh. Ảnh: Hoàng Anh |
Để khối doanh nghiệp lớn tiếp tục mạnh hơn, Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân mở ra nhiều chính sách mới, với mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp vừa và lớn trở thành lực lượng tiên phong, vươn tầm quốc tế.
Xây chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và lớn
Tại tờ trình Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân (Dự thảo Nghị quyết) mới đây, Bộ Tài chính cho biết, hiện nay đã xuất hiện một số doanh nghiệp tư nhân lớn trong một số ngành, lĩnh vực có khả năng dẫn dắt chuỗi giá trị, thúc đẩy các doanh nghiệp nhỏ và vừa cùng lớn mạnh. Tuy nhiên, Nhà nước chưa có chính sách hỗ trợ tương xứng với vai trò, tiềm năng của các doanh nghiệp này.
Dự thảo Nghị quyết đề xuất, Nhà nước xây dựng chương trình hỗ trợ hình thành và phát triển doanh nghiệp vừa và lớn, tập đoàn kinh tế tư nhân tầm cỡ khu vực và toàn cầu thông qua 2 chương trình lớn. Thứ nhất, Chương trình phát triển 1.000 doanh nghiệp tiêu biểu, tiên phong trong khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ. Thứ hai, Chương trình vươn ra thị trường quốc tế để hỗ trợ về thị trường, vốn, công nghệ, thương hiệu, kênh phân phối, logistics, bảo hiểm, thưởng thành tích xuất khẩu, tư vấn, pháp lý, giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại, mua bán sáp nhập, kết nối với các tập đoàn đa quốc gia.
Dự thảo Nghị quyết quy định về đặt hàng, đấu thầu hạn chế, chỉ định thầu thực hiện dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia. Theo Bộ Tài chính, hiện nay, cơ chế giao, đặt hàng được áp dụng đối với nhiệm vụ khoa học công nghệ theo Nghị quyết số 193/2025/QH15 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Văn bản quy phạm pháp luật hiện hành chưa có cơ chế đặt hàng dự án đầu tư.
Để đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, Nghị quyết dự kiến trao quyền cho người có thẩm quyền, chủ đầu tư được lựa chọn áp dụng một trong các hình thức đặt hàng hoặc đấu thầu hạn chế, hoặc chỉ định thầu hoặc các hình thức phù hợp khác theo quy định của pháp luật để thực hiện đối với các lĩnh vực chiến lược, các dự án, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học trọng điểm, quan trọng quốc gia, đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị, công nghiệp nền tảng, công nghiệp mũi nhọn, hạ tầng năng lượng, hạ tầng số, giao thông xanh, quốc phòng, an ninh, những nhiệm vụ khẩn cấp, cấp bách trên cơ sở bảo đảm chất lượng, tiến độ, hiệu quả và trách nhiệm giải trình.
![]() |
Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân đề xuất một số chính sách tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tư nhân lớn tham gia vào các lĩnh vực chiến lược, những dự án trọng điểm. Ảnh: Lê Tiên |
Giải bài toán doanh nghiệp lớn khát vọng lớn hơn
Thống kê do tổ chức BestBrokers thực hiện năm 2025 cho biết, nền kinh tế Mỹ có 1.873 doanh nghiệp niêm yết có quy mô vốn hóa tỷ USD, chiếm 1/3 số doanh nghiệp quy mô tỷ USD trên toàn cầu. Nhật Bản đứng thứ hai, có 404 doanh nghiệp; Trung Quốc có 216 doanh nghiệp; Ấn Độ có 348 doanh nghiệp; Hàn Quốc có 78 doanh nghiệp và Thái Lan có 52 doanh nghiệp tỷ USD. Việt Nam hiện có 50 doanh nghiệp vốn hóa tỷ USD (trên sàn niêm yết và đăng ký giao dịch), trong đó có 5 doanh nghiệp vốn hóa quanh mức 10 tỷ USD. Đây không phải là con số quá thấp so với một số quốc gia lân cận, nhưng điểm khác biệt là hầu hết doanh nghiệp tỷ USD của nước ta đều có gốc từ doanh nghiệp nhà nước, Nhà nước vẫn đang sở hữu lớn, hoặc thuộc ngành ngân hàng. Số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp từ vốn tư nhân, lớn lên thành doanh nghiệp tỷ USD còn rất mỏng với những cái tên đã trở nên quen thuộc như Vingroup, Hòa Phát, FPT, Masan, Vietjet, SSI… Từ sơ khởi lập nên doanh nghiệp tỷ USD, nhiều doanh nhân Việt Nam đã ghi dấu thành công bằng tài năng và bản lĩnh vượt khó. Tuy nhiên, để tiếp tục thành công, mỗi người lãnh đạo lại có những thao thức, khát vọng riêng.
Trong ngành sản xuất, Tập đoàn Hòa Phát là doanh nghiệp thép lớn nhất Việt Nam và có tên trong TOP 50 doanh nghiệp thép thế giới. Thành lập năm 1992 từ vốn tư nhân, đến nay, sản phẩm mang thương hiệu Hòa Phát đã xuất khẩu sang 40 quốc gia, vùng lãnh thổ, đóng góp 31% doanh thu toàn Tập đoàn. Ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát cho biết, năm 2025, Hòa Phát tập trung hoàn thành Dự án Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất 2. Khi dự án này hoàn thành, năng lực sản xuất thép của Tập đoàn đạt 15 triệu tấn/năm, đưa Hòa Phát vào TOP 30 doanh nghiệp thép lớn nhất thế giới.
Với quy mô hiện có, ông Long tự tin Hòa Phát đủ năng lực nghiên cứu sản xuất thép đường ray, thép làm trục bánh xe tàu hỏa, tàu cao tốc theo đặt hàng của Chính phủ cũng như các loại thép chất lượng cao phục vụ cho các dự án trọng điểm quốc gia. Đây cũng là điểm lãnh đạo Hòa Phát chia sẻ tại nhiều cuộc làm việc với Chính phủ với mong đợi sớm được giao việc trong các dự án lớn của đất nước.
Trong ngành bất động sản, Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền (thành lập năm 2000) là doanh nghiệp tư nhân vươn tới vốn hóa tỷ USD, bên cạnh “ông lớn” Vingroup. Bà Mai Trần Thanh Trang, Chủ tịch HĐQT Nhà Khang Điền chia sẻ, Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023 và Luật Kinh doanh Bất động sản có hiệu lực với nhiều điều chỉnh chính sách, cộng với sự gia tăng đầu tư công vào các dự án hạ tầng trọng điểm, lãi suất ổn định… đã góp phần cải thiện thị trường bất động sản. Nhà Khang Điền tăng trưởng mạnh doanh thu năm 2024 (tăng 57%) và lợi nhuận (tăng 13%) so với năm liền trước. Từ nền tảng hiện có, Công ty mong muốn mở rộng quỹ đất, tìm kiếm cơ hội hợp tác với các đối tác, quỹ đầu tư, các đơn vị phát triển bất động sản lớn trong nước và quốc tế.
Trong ngành tài chính, SSI là công ty tư nhân khởi nghiệp với vốn điều lệ 6 tỷ đồng, trở thành doanh nghiệp vốn hóa tỷ USD sau hơn 20 năm. Năm 2024, SSI ghi thêm cột mốc quan trọng trong hành trình kiến tạo tương lai khi thực hiện nhiều dự án chiến lược, trong đó có việc thành lập Công ty Công nghệ số SSI (SSI Digital). Công ty dự kiến rót vốn vào khoảng 10 dự án tại thị trường Việt Nam về lĩnh vực blockchain và AI, giải ngân tối thiểu 10 triệu USD. SSI Digital cũng sẽ công bố ít nhất 2 sản phẩm mới, hỗ trợ giao dịch tài sản số và tích hợp công nghệ blockchain vào hệ thống tài chính truyền thống.
Chủ tịch SSI Nguyễn Duy Hưng nhận định, công nghệ và tài sản số là 2 từ khóa của thời cuộc. Những quốc gia tiên phong đã xây dựng được vị thế chiến lược trong nền kinh tế toàn cầu. Theo đó, điều ông Hưng chờ đợi là nước ta sớm có khung khổ pháp lý để những người đang đầu tư vào tài sản công nghệ được pháp luật thừa nhận, được phát triển không giới hạn và công khai đóng thuế, vì chỉ khi công khai đóng thuế, những tài sản đó mới là tài sản hợp pháp, tài sản sạch ở bất cứ quốc gia nào…
Dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân của Quốc hội đang được lấy ý kiến, thẩm tra tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV. Một số chuyên gia cho rằng, khung chính sách mới nếu đáp ứng đúng và trúng những kỳ vọng mà các doanh nghiệp lớn đang ấp ủ sẽ tạo sức mạnh cộng hưởng cho khu vực kinh tế tư nhân khởi sắc, vươn tầm.