Xây dựng mẫu hợp đồng PPP: Cần sự tham gia của khu vực tư nhân

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) đang thoát dần tình trạng trầm lắng với một số dự án được khởi động như 3 cảng hàng không Sa Pa, Phan Thiết, Quảng Trị; đường Vành đai 4 Hà Nội… Để nhanh chóng hiện thực hóa các dự án này, một số ý kiến cho rằng, cần sớm hoàn thiện các mẫu hợp đồng theo quy định của Luật PPP.
Bộ Giao thông vận tải là một trong những bộ chuyên ngành đi tiên phong trong việc xây dựng hợp đồng mẫu dự án PPP, loại hợp đồng BOT. Ảnh: Tường Lâm
Bộ Giao thông vận tải là một trong những bộ chuyên ngành đi tiên phong trong việc xây dựng hợp đồng mẫu dự án PPP, loại hợp đồng BOT. Ảnh: Tường Lâm

Nghị định số 35/2021/NĐ-CP hướng dẫn Luật PPP đã ban hành các quy định hướng dẫn lập hợp đồng mẫu dự án PPP, nhưng chưa có quy định cụ thể cho từng loại hợp đồng. Nhiều ý kiến cho rằng, các cơ quan liên quan cần sớm nghiên cứu, soạn thảo và ban hành mẫu hợp đồng dự án PPP để làm cơ sở cho các bên ký kết và thực hiện.

Đánh giá cao bước tiến của Việt Nam trong việc ban hành Luật PPP, theo ông Nguyễn Hải Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), Chính phủ cần thúc đẩy hơn nữa việc ban hành các văn bản hướng dẫn Luật PPP và đưa các quy định hiện hành tiệm cận tiêu chuẩn quốc tế, nhằm gia tăng sự hấp dẫn của các dự án PPP tại Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Theo kết quả khảo sát từ 1.200 doanh nghiệp thành viên EuroCham, dòng vốn FDI từ EU vào Việt Nam trong trung và dài hạn sẽ tăng đáng kể với nhiều dự án chất lượng cao, có giá trị lớn trên nhiều lĩnh vực, bao gồm lĩnh vực hạ tầng. Điều này cũng phù hợp với nhu cầu gọi vốn đầu tư của Việt Nam, tính riêng trong 10 năm tới dự kiến cần khoảng 30 tỷ USD.

Từ thực tiễn tham gia nhiều dự án BOT giao thông, ông Nguyễn Quang Dũng, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả cho rằng, hợp đồng mẫu cần đưa vào khái niệm thế nào là vi phạm nghiêm trọng hợp đồng và các trường hợp vi phạm hợp đồng. Ví dụ như trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền không tiến hành điều chỉnh giá theo lộ trình đã quy định thì có được xem là vi phạm nghiêm trọng hợp đồng PPP hay không?

Theo bà Vũ Quỳnh Lê, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, không thể có một công thức chung cho tất cả các lĩnh vực, ngành nghề. Chẳng hạn như định nghĩa thế nào là vi phạm nghiêm trọng hợp đồng PPP trong từng ngành là khác nhau, bởi cấu trúc rủi ro mỗi ngành một khác. Thậm chí, ngay trong lĩnh vực giao thông, cảng hàng không cũng khác với cảng biển… Do vậy, muốn xây dựng được mẫu hợp đồng PPP, cần có sự tham gia tích cực của các bộ, ngành như Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Y tế, Bộ Công Thương…

Muốn xây dựng được mẫu hợp đồng PPP, cần có sự tham gia tích cực của các bộ, ngành như Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Y tế, Bộ Công Thương…

Đến nay, một trong những bộ chuyên ngành đi tiên phong trong việc xây dựng hợp đồng mẫu dự án PPP phải kể đến Bộ Giao thông vận tải. Chia sẻ về Dự thảo Thông tư hướng dẫn một số nội dung về phương pháp, tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu lựa chọn nhà đầu tư và mẫu hợp đồng dự án PPP, loại hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) đối với lĩnh vực giao thông vận tải, ông Lê Bách Cương, Trưởng phòng Pháp chế - Đấu thầu của Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông thuộc Bộ Giao thông vận tải cho biết, Bộ đã 3 lần xin ý kiến các đơn vị, bộ, ngành liên quan để hoàn thiện Dự thảo. Theo đó, nội dung mẫu hợp đồng được sắp xếp, hệ thống theo trình tự thời gian thực hiện từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư và vận hành, khai thác công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng dự án và theo nhóm nội dung công việc dự kiến sẽ thực hiện như: giải phóng mặt bằng; thiết kế kỹ thuật, bản vẽ thi công; lựa chọn nhà thầu; tổ chức, quản lý thi công; thanh, quyết toán; bàn giao công trình… Dự thảo cũng đưa vào những tình huống giả định có thể xảy ra trong quá trình thực hiện hợp đồng như: huy động vốn của nhà đầu tư; bất khả kháng; giải quyết tranh chấp; pháp luật điều chỉnh; sửa đổi hợp đồng, chấm dứt hợp đồng trước thời hạn; thanh lý hợp đồng…

Để hoàn thiện Dự thảo Thông tư, theo bà Vũ Quỳnh Lê, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung về tiêu chuẩn, chỉ số đánh giá chất lượng công trình, áp dụng thu phí không dừng, huy động tín dụng…

Không chỉ các cơ quan quản lý nhà nước, theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), khu vực tư nhân cũng phải tham gia vào quá trình xây dựng hợp đồng mẫu PPP ngay từ đầu. Khác với đầu tư công (công - tư rạch ròi), khi tham gia xây dựng hợp đồng mẫu PPP, phải đứng trên cương vị của đối tác thì mới có cách hành xử phù hợp. Việc các doanh nghiệp, trọng tài tham gia vào quá trình xây dựng hợp đồng mẫu ngay từ đầu có nhiều lợi ích, góp phần nâng cao kiến thức pháp lý để sử dụng hợp đồng và quản trị rủi ro tốt hơn. Nếu có xảy ra tranh chấp thì cũng có cách xử lý hiệu quả hơn.

Tin cùng chuyên mục