Xây dựng Nghị quyết của Chính phủ triển khai xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sau khi Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, Chính phủ đang khẩn trương xây dựng Nghị quyết của Chính phủ để triển khai Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án. Việc xây dựng Nghị quyết của Chính phủ sẽ phân công nhiệm vụ rõ, cụ thể cho các cơ quan, địa phương có trách nhiệm phối hợp thực hiện, công khai, minh bạch, hiệu quả và bảo đảm tiến độ thực hiện Dự án.
Ảnh chỉ mang tính minh họa: Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa: Internet

Nghị quyết triển khai thực hiện Dự án xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội của Chính phủ được xây dựng với mục tiêu hướng dẫn triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách đặc biệt đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 56/2022/QH15; rút ngắn các thủ tục hành chính, cho phép đồng thời một số công việc; tăng cường sự chủ động, phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ để cơ bản hoàn thành Dự án vào năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027 theo yêu cầu của Quốc hội.

Ngoài ra, Nghị quyết của Chính phủ sẽ phân công, phân cấp các nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương liên quan; xây dựng mốc tiến độ triển khai dự án; ban hành các khung tiêu chuẩn (tiêu chuẩn quy chuẩn về thiết kế, tiêu chuẩn về thi công và nghiệm thu…), thành lập Ban Chỉ đạo triển khai Dự án nhằm quản lý, giám sát tiến độ chất lượng.

Thời gian qua, thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) chủ trì, phối hợp với UBND TP. Hà Nội xây dựng, trình Chính phủ Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ triển khai Nghị quyết của Quốc hội đối với Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội.

Theo Nghị quyết của Quốc hội, Dự án được chia thành 7 dự án thành phần, mỗi dự án thành phần được quản lý như đối với dự án độc lập theo quy định của pháp luật về xây dựng. Do vậy, cơ quan được phân cấp làm cơ quan chủ quản mỗi dự án thành phần sẽ tổ chức lập, thẩm định, quyết định phê duyệt đầu tư theo từng dự án thành phần được phân cấp.

Đối với việc lựa chọn các nhà thầu thực hiện các gói thầu tư vấn, các gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, các gói thầu thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội và Chủ tịch UBND các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh quyết định phê duyệt và là người có thẩm quyền theo quy định tại khoản 34 Điều 4 Luật Đấu thầu đối với 7 dự án thành phần. Do vậy, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội và Chủ tịch UBND các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh được áp dụng cơ chế chỉ định thầu để thực hiện các dự án thành phần của từng tỉnh.

Căn cứ nội dung này, Bộ KH&ĐT kiến nghị Chính phủ quy định trong Dự thảo Nghị quyết, UBND TP. Hà Nội, UBND các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh thực hiện trách nhiệm của người có thẩm quyền xem xét, quyết định việc chỉ định thầu để lựa chọn các nhà thầu thực hiện các gói thầu tư vấn, các gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, các gói thầu thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thực hiện bằng nguồn vốn đầu tư công trong 2 năm kể từ khi Nghị quyết số 56/2022/QH15 được Quốc hội thông qua. Trình tự thực hiện chỉ định thầu thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

Ảnh chỉ mang tính minh họa: Internet

Ảnh chỉ mang tính minh họa: Internet

Về thủ tục khai thác các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong Hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ Dự án, các dự án thành phần của Dự án có quy mô lớn, dự kiến triển khai thi công đồng loạt từ cuối năm 2023 - đầu năm 2024 nên sẽ gặp những khó khăn, vướng mắc về nguồn cung cấp vật liệu xây dựng thông thường tương tự như các dự án cao tốc trọng điểm khác hiện đang triển khai thực hiện. Ngoài ra, Dự án xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội có yêu cầu kỹ thuật cao, thời gian thi công nền đường cần tập trung triển khai ngay để kịp thực hiện các lớp kết cấu mặt đường và hoàn thành đúng tiến độ. Vì vậy, Bộ KH&ĐT kiến nghị quy định cụ thể trong dự thảo Nghị quyết của Chính phủ, cho phép được áp dụng các cơ chế đặc thù đối với các mỏ khoáng sản nằm trong Hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ Dự án nhưng chưa cấp Giấy phép khai thác.

Theo dự kiến tiến độ triển khai Dự án trong Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, đến hết tháng 1/2023 sẽ hoàn thành phê duyệt dự án đầu tư để thực hiện các công việc tiếp theo (khảo sát, lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán xây dựng, tổ chức lựa chọn nhà thầu…) đáp ứng tiến độ khởi công nhóm dự án thành phần thực hiện đầu tư xây dựng hệ thống đường đô thị, đường song hành từ tháng 9/2023.

Để đáp ứng tiến độ yêu cầu nêu trên, Bộ KH&ĐT kiến nghị Chính phủ cho phép triển khai đồng thời các thủ tục để rút ngắn thời gian thực hiện các công việc: Thẩm định, quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; khảo sát, lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư; các công việc liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; khảo sát, lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán và lựa chọn nhà thầu và các công việc khác có liên quan.

Trong quá trình thực hiện, UBND TP. Hà Nội và UBND các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh được thực hiện đồng thời, song song các công việc, không phải chờ khi có quyết định phê duyệt công việc bước trước mới thực hiện công việc bước sau; công tác thẩm định được thực hiện đồng thời với công tác thẩm tra và xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương.

Bên cạnh đó, để thực hiện nhiệm vụ là cơ quan đầu mối tổ chức thực hiện Dự án, trong dự thảo Nghị quyết đề xuất giao UBND TP. Hà Nội quyết định thành lập Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện Dự án. Chủ tịch UBND TP. Hà Nội làm Trưởng ban, các thành viên là lãnh đạo các Bộ: Giao thông vận tải, KH&ĐT, Tài nguyên và Môi trường và Chủ tịch UBND các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh.

Tin cùng chuyên mục