Ảnh Internet |
Thế nhưng, công ty này đang rơi vào tình trạng báo động khi doanh thu không đủ trả nợ và tỷ lệ nợ phải trả/tổng tài sản của Công ty lên tới 98%.
Nợ ngập đầu
Báo cáo tài chính năm 2016 của Công Thanh cho thấy, tổng tài sản của Công ty là 14.080 tỷ đồng nhưng số nợ phải trả lên đến 13.763 tỷ đồng. Trong khi nợ ngắn hạn phải trả là 2.333 tỷ đồng thì doanh thu chỉ đạt 2.234 tỷ đồng. Tình hình này là dấu hiệu cho thấy doanh nghiệp này đang mất cân đối tài chính trầm trọng.
Hoạt động kinh doanh của Công Thanh bắt đầu gặp nhiều khó khăn kể từ năm 2010, lợi nhuận lao dốc khi giá vốn chiếm tỷ lệ ngày càng lớn so với doanh thu, cộng với chi phí tài chính (chủ yếu là chi phí lãi vay) ngày một cao. Năm 2012, Công ty lỗ 136 tỷ đồng. Trong 3 năm tiếp theo, tình hình kinh doanh có sự cải thiện với lợi nhuận sau thuế năm 2013, 2014 và 2015 lần lượt đạt 5 tỷ, gần 9 tỷ và hơn 21 tỷ đồng. Tuy nhiên, năm 2016, Công Thanh lỗ tới 478 tỷ đồng, nâng con số lỗ lũy kế cuối năm lên hơn 582 tỷ đồng.
Nguyên nhân chính của khoản lỗ trong năm 2016 là do Công ty đã đưa dây chuyền 2 Nhà máy Xi măng Công Thanh vào hoạt động. Dây chuyền mới đi vào hoạt động giúp doanh thu của Công ty tăng vọt nhưng đồng thời cũng tạo áp lực lớn lên chi phí khấu hao và chi phí lãi vay. Bình quân mỗi năm, Công Thanh phải trích khấu hao hơn 440 tỷ đồng cho riêng dây chuyền mới này. Chi phí lãi vay phải trả trong năm lên đến 624 tỷ đồng, cũng là mức chi phí lãi vay “kỷ lục” trong các doanh nghiệp xi măng.
Khó tìm kiếm lợi nhuận
Nếu không được Chính phủ “giải cứu” từ giải pháp cơ cấu lại tài chính bằng việc khoanh nợ và giãn nợ thì hàng loạt doanh nghiệp xi măng đã phá sản trong giai đoạn 2012 - 2013. Chủ nợ sẽ làm gì khi Công Thanh không có khoản thu nào lớn từ bán hàng? Hơn nữa, tại thời điểm này, để bán được hàng, Công Thanh rất khó tìm kiếm lợi nhuận khi phải cõng thêm hàng loạt chi phí do phải cạnh tranh thị phần với các nhà sản xuất khác.
Tại địa bàn của Xi măng Công Thanh, có 3 nhà sản xuất lớn gồm Xi măng Nghi Sơn công suất 4,3 triệu tấn/năm, Xi măng Hoàng Mai 1,4 triệu tấn/năm và Xi măng Sông Lam là 12 nghìn tấn clinker/ngày. Để bán xi măng hay clinker trên chính địa bàn này là cực khó, bởi Công Thanh khó cạnh tranh với Nghi Sơn và Hoàng Mai về bán xi măng, khó cạnh tranh với Sông Lam về bán clinker. Còn “đổ bộ” ra thị trường phía Bắc đã có hàng loạt cái tên án ngữ như Bỉm Sơn, Tam Điệp, The Vissai, Bút Sơn, Xuân Thành, xa hơn một chút đã có Hoàng Thạch, Hạ Long, Cẩm Phả, Hải Phòng, Phúc Sơn, Chinfon… Vì thế, tiến quân vào Nam dường như là lựa chọn bắt buộc của Công Thanh.
Tại thị trường phía Nam, Công Thanh có mức bán thấp hơn các sản phẩm của Hà Tiên, Fico, Cẩm Phả… từ 80 - 120 ngàn đồng/tấn. “Cõng” xi măng hay clinker từ khu vực Bắc miền Trung vào, Công Thanh phải chịu phí vận tải không nhỏ. Giá trung bình vận chuyển 2 chiều của clinker từ Bắc vào Nam khoảng 160 - 170 ngàn đồng/tấn, chi phí 1 chiều khoảng 270 ngàn đồng/tấn. Vì khoản chi phí này mà một số nhà máy đã phải bỏ đơn hàng tại phía Nam do không tìm được phương án vận chuyển 2 chiều.
Đơn cử, tại Quận 9, một trạm nghiền xi măng chỉ cách trạm nghiền Phú Hữu khoảng 2 km đã phải đóng cửa do tàu lớn không thể vào cảng, tính ra hai bên chỉ lệch nhau 20 nghìn đồng/tấn hàng bốc xếp.
Năm 2017, Công Thanh đặt kế hoạch doanh thu thuần 5.156 tỷ đồng và giảm lỗ xuống còn 44 tỷ đồng. Kế hoạch này khá tham vọng khi thị trường tiêu thụ xi măng cả nước 7 tháng đầu năm chỉ tăng 4%, riêng thị trường nội địa giảm 1%.
Ai là chủ nợ lớn nhất?
Tính đến thời điểm cuối năm 2016, tổng vay nợ ngắn và dài hạn của Công Thanh là gần 8.491 tỷ đồng, tăng 121,6 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Trong đó, Vietinbank là chủ nợ lớn nhất của Công Thanh với số dư nợ (gồm nợ vay và trái phiếu) lên đến 8.421 tỷ đồng, tăng thêm 509 tỷ đồng so với đầu năm. Khoản vay của Công Thanh với VP Bank đã giảm đáng kể từ 457 tỷ đồng xuống còn 69 tỷ đồng. Một điểm đáng chú ý là chi phí lãi vay và trái phiếu của Công Thanh tại thời điểm cuối năm lên tới 4.054 tỷ đồng, chủ yếu là phải trả cho Vietinbank.