Xưa “cơm tù”, nay “đường tù”, dân khổ vì BOT

Những quán “cơm tù” đã chết, nhưng tư duy “cơm tù” vẫn tồn tại như một di sản của giao thông Việt Nam, đó là "đường tù".
Trạm thu phí số 1 (Hưng Yên) trên Quốc lộ 5. Ảnh: Quang Toàn/TTXVN
Trạm thu phí số 1 (Hưng Yên) trên Quốc lộ 5. Ảnh: Quang Toàn/TTXVN

Khi năng lực vận tải còn hạn chế do hạ tầng đường bộ yếu kém, thời gian di chuyển trên đường quá dài nên người dân thường xuyên phải đối mặt với nạn “cơm tù” do nhà xe bắt tay với những cơ sở dịch vụ ăn uống trên đường. Phong trào BOT đã làm thay đổi điều này với những con đường mới góp phần rút ngắn thời gian, chấm dứt nạn “cơm tù”, nhưng thay vào đó, là nạn “đường tù”.

Khi tuyến Quốc lộ 6 đoạn từ Xuân Mai đến Hòa Bình hoàn thành hồi giữa năm 2015, người dân, và lái xe liên tục vây hãm trạm thu phí Lương Sơn để phản đối việc thu phí cao. Kết quả, không ai có thể tiếp tục phản đối vì đó là tuyến đường độc đạo, không còn một lựa chọn nào khác. Hoặc đóng phí, hoặc không đi lại nữa.

Đầu tháng 3/2016, dự án BOT cầu Việt Trì hoàn thành, những chiếc trụ bê tông được đặt để ngăn cản phương tiện đi qua cầu Việt Trì cũ, buộc phải sử dụng cầu Việt Trì mới với mức phí tối thiểu 35.000 đồng đối với ô tô. Cũng không còn lựa chọn nào khác cho người dân.

Ngày 1/4/2016, đường Quốc lộ 5 tăng phí tới 50% khiến cho lựa chọn duy nhất của người dân để không phải đi đường cao tốc với mức phí quá cao cũng đã không còn nữa. Không những thế, phí để di chuyển bằng đường cao tốc mới cũng đồng thời tăng thêm 25%.

Về mặt nguyên tắc, việc đầu tư xây dựng đường BOT phải đảm bảo người dân có quyền được lựa chọn việc sử dụng phù hợp với nhu cầu và khả năng tài chính của mình. Tuy nhiên, trong cả ba ví dụ kể trên thì sự lựa chọn của người dân đã không còn nữa.

Đối với Quốc lộ 6, đây là con đường độc đạo từ Hà Nội tới Hòa Bình, nhà đầu tư BOT nghiễm nhiên ở vào thế độc quyền.

Câu chuyện cầu Việt Trì lại khác, khi mà cây cầu Việt Trì cũ vẫn là một lựa chọn hợp lý của người dân thì người ta đã đặt chướng ngại vật để… cưỡng chế người dân đi cầu mới. Hành động cực đoan của cơ quan Nhà nước trong việc này không khác gì mang lợi ích của người dân dâng cho doanh nghiệp. Dĩ nhiên, sau đó, chủ đầu tư dự án BOT cầu Việt Trì đã hồ hởi khoe là mỗi ngày thu thêm được trên 200 triệu đồng.

Với đường Quốc lộ 5, quyền lựa chọn của người dân bị tước đoạt một cách tinh vi hơn, bằng chính sách của Nhà nước. Tăng phí cực đoan để làm mất sự cân bằng trong lựa chọn, buộc người dân lựa chọn giữa thiệt hại với thiệt hại nhiều hơn. Thậm chí, mục đích tăng phí quốc lộ 5 cũ lên 50% còn được nêu rõ là dùng một phần để hoàn vốn cho đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, có nghĩa là dù không sử dụng con đường mới thì người dân vẫn có trách nhiệm… trả tiền cho con đường đó.

Những con đường mới mở đã góp phần rất quan trọng để xóa bỏ nỗi sợ hãi của người dân đối với nạn “cơm tù” trên quốc lộ xưa nay. Với thời gian di chuyển nhanh hơn, người dân đã không còn phải chấp nhân phải ăn những bữa cơm với giá cắt cổ do nhà xe bắt tay với chủ quán để tước quyền lựa chọn. Những quán “cơm tù” đã chết, nhưng tư duy “cơm tù” vẫn tồn tại như một di sản của giao thông Việt Nam khi mà quyền lựa chọn của người dân vẫn tiếp tục bị tước bỏ vì lợi ích của những ông chủ đường.

Thu hút nguồn vốn BOT để cải thiện hạ tầng giao thông là cần thiết khi nguồn lực của Nhà nước còn hạn chế. Song, nguyên tắc đầu tư BOT là đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Nếu tước bỏ quyền lựa chọn của người dân để ưu tiên doanh nghiệp, nguồn lực tài chính của Nhà nước sẽ không thể khỏe mạnh hơn khi mà nguồn lực của chính người dân cũng đã bị bào mòn.

Với phong trào đầu tư BOT mạnh mẽ trong những năm qua, năng lực giao thông đường bộ đã được cải thiện nhờ những con đường mới. Song, năng lực của ngành vận tải thì sao? Sức dân sẽ thế nào khi mà chi phí vận tải trở nên quá đắt đỏ? Phải chăng, chúng ta nên hy vọng vào một ngành nghề mới xuất hiện, thu hút lượng lao động khổng lồ khi mà số lượng trạm thu phí mọc lên dày đặc trên khắp đất nước. Đó là nghề thu phí đường.