Theo quy định của EVFTA, thuế suất đối với nhôm Việt Nam xuất khẩu sang EU sẽ về 0% trong vòng 8 năm kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực. Ảnh: Nhã Chi |
Tận dụng quy định để được hưởng thuế quan ưu đãi
Tại Hội thảo về những cơ hội và thách thức mới đối với ngành nhôm Việt vừa diễn ra, bà Bùi Kim Thùy, chuyên gia kinh tế cho biết, theo quy định của EVFTA, thuế suất đối với nhôm Việt Nam xuất khẩu sang EU sẽ về 0% trong vòng 8 năm kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực. Tuy nhiên, hàng hóa chỉ được hưởng thuế suất ưu đãi này khi đáp ứng quy tắc xuất xứ, mà quy tắc xuất xứ được thiết kế riêng cho mỗi mã hàng hóa HS khác nhau.
Về quy tắc xuất xứ, theo bà Thùy, hiện có quy tắc xuất xứ linh hoạt (lỏng) và quy tắc xuất xứ chặt. Quy tắc xuất xứ linh hoạt cho phép phần lớn, thậm chí toàn bộ yếu tố đầu vào được quyền nhập khẩu từ bất kỳ đâu chứ không chỉ nhập khẩu trong phạm vi của FTA đó. Quy tắc này xuất hiện với nhiều nhóm hàng công nghiệp ở nhiều FTA, kể cả CPTPP và EVFTA. Điều này thừa nhận tính nhất quán của chuỗi cung ứng toàn cầu và khu vực - chuyên môn hóa sản xuất hiện nay.
“Với ngành nhôm thuộc Chương 76 của EVFTA với mã HS7604. Sản phẩm được coi là có xuất xứ khi được sản xuất từ mã HS7601, đáp ứng tiêu chí chuyển đổi mã số HS ở cấp độ 4 số”, bà Thùy thông tin. Tức là HS7601 có thể nhập khẩu từ bất kỳ đâu với điều kiện chỉ cần chứng minh đã được chuyển đổi cơ bản thành HS7604.
Cũng theo chuyên gia, hiện có nhiều doanh nghiệp Việt Nam còn chưa biết cách tận dụng quy định về quy tắc xuất xứ trong EVFTA để được hưởng ưu đãi thuế quan đặc biệt. Thông thường quy tắc này cho ngưỡng 10% khi so với giá xuất xưởng của sản phẩm, song cũng có hiệp định có một số mã HS có ngưỡng cao hơn hoặc thấp hơn…
Doanh nghiệp phải tự nâng cao sức cạnh tranh
Tại Hội thảo, ông Nguyễn Minh Kế, Chủ tịch Hội Nhôm thanh định hình Việt Nam cho hay, Hiệp định EVFTA được kỳ vọng sẽ mở ra hàng loạt cơ hội cho nền kinh tế Việt Nam, tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề trắc trở.
Theo ông Kế, hiện đã có những doanh nghiệp sản xuất nhôm đầu tư đổi mới về quản trị, đầu tư công nghệ tiên tiến vào sản xuất để đáp ứng tiêu chuẩn của thế giới. Nhờ đó, những doanh nghiệp này có sản phẩm xuất khẩu sang các thị trường lớn, khó tính như: Mỹ, Nhật Bản, EU… Tuy nhiên, các doanh nghiệp sản xuất nhôm trong nước đang phải cạnh tranh với doanh nghiệp ngoại, phải đối mặt với không ít rào cản trong xuất khẩu.
"Sức cạnh tranh của nhôm Việt Nam so với các nước còn rất yếu. Từ tháng 9/2015, nhập khẩu phôi nguyên liệu đầu vào bị áp thuế 3% trong khi trong nước chưa sản xuất được, cùng với đó thuế xuất khẩu cũng điều chỉnh tăng khiến doanh nghiệp xuất khẩu nhôm gặp khó", ông Kế nói.
Để nắm bắt những cơ hội mà EVFTA đang mở ra cho ngành nhôm, ông Kế cho biết, Hội sẽ xây dựng bộ tiêu chí, tiêu chuẩn về sản xuất, môi trường để đáp ứng các thị trường khó tính, giúp doanh nghiệp Việt nâng cao sức cạnh tranh. Để làm được điều này, các doanh nghiệp phải tự hoàn thiện mình, đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật, xây dựng chất lượng sản phẩm, giá thành hợp lý.
Ông Floria Beranex, chuyên gia Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) tại Việt Nam nhìn nhận, nhu cầu của thị trường về nhôm là rất lớn nhưng để đáp ứng được thì phải chuyển hoá, phải chuyển đổi từ sản xuất thô đến các sản phẩm, chi tiết với công nghệ cao hơn. Đồng thời, ngoài quy tắc xuất xứ, doanh nghiệp cũng phải thoả mãn các yêu cầu của người tiêu dùng tại các thị trường khó tính như EU đang quan tâm như bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, đảm bảo lợi ích cho người lao động.