Ảnh Internet |
Đây là cơ hội để nhà đầu tư tư nhân tham gia vào các dự án kết cấu hạ tầng lớn theo hình thức PPP và cũng là cơ hội để Nhà nước bù đắp nguồn lực thiếu hụt cho đầu tư các dự án này.
26 dự án quốc gia đặc biệt ưu tiên
Danh mục 108 dự án PPP ưu tiên triển khai này bao gồm các dự án ưu tiên cấp quốc gia và địa phương với tổng mức đầu tư khoảng 375.000 tỷ đồng, trong đó nhu cầu vốn nhà nước tham gia vào các dự án PPP là 120.000 tỷ đồng. Theo Bộ KH&ĐT, danh mục dự án được lựa chọn, sàng lọc trên cơ sở đề xuất của các bộ, ngành có nhu cầu sử dụng vốn PPP lớn là giao thông, nông nghiệp, y tế và 4 địa phương tiềm năng, đi đầu trong triển khai thực hiện các dự án PPP là Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Quảng Ninh. Để có thể lọt vào danh mục, các dự án phải đáp ứng một loạt nguyên tắc, như có quy mô đủ lớn, có sức lan tỏa rộng; thuộc danh mục ưu tiên đầu tư; tính khả thi cao; có sự nghiên cứu và chuẩn bị đầu tư kỹ lưỡng…
Trên cơ sở các nguyên tắc trên, 68 công trình đã được lựa chọn đưa vào Danh mục Dự án PPP ưu tiên quốc gia, trong đó mỗi địa phương lựa chọn tối đa 2 dự án thực sự quan trọng, có tính lan tỏa. Tổng mức đầu tư cho 68 dự án này là 334.655 tỷ đồng, trong đó nhu cầu vốn nhà nước tham gia lên tới 114.211 tỷ đồng; nhu cầu vốn chuẩn bị đầu tư khoảng 1.082 tỷ đồng.
68 dự án này tiếp tục được chia thành 2 nhóm, gồm 26 dự án đặc biệt ưu tiên có tổng mức đầu tư 255.000 tỷ đồng, nhu cầu vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện khoảng 97.000 tỷ đồng. Đây là những dự án về cơ bản có khả năng thu hồi vốn, được nhiều nhà đầu tư quan tâm.
42 dự án cấp quốc gia còn lại thuộc Danh mục dự án ưu tiên, có tổng mức đầu tư khoảng 79.000 tỷ đồng, trong đó nhu cầu tham gia vốn của Nhà nước khoảng 17.000 tỷ đồng.
Song song với Danh mục dự án PPP ưu tiên cấp quốc gia, Bộ KH&ĐT cũng lên Danh mục Dự án PPP ưu tiên cấp địa phương gồm 40 dự án tiềm năng, với tổng mức đầu tư khoảng 40.000 tỷ đồng, nhu cầu vốn của Nhà nước tham gia khoảng 6.000 tỷ đồng.
DANH MỤC 26 DỰ ÁN PPP CẤP QUỐC GIA ĐẶC BIỆT ƯU TIÊN GIAI ĐOẠN 2016 - 2020 (Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư)
Thực hiện đồng bộ các giải pháp huy động vốn
Trong bản Danh mục dự án PPP này, Bộ KH&ĐT đã dự báo các khả năng, biện pháp bố trí nguồn lực cho dự án PPP từ các nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) giai đoạn 2016 - 2020; trái phiếu chính phủ (TPCP) giai đoạn 2017 - 2020; huy động vốn ODA cho chuẩn bị đầu tư dự án PPP và thực hiện dự án PPP; huy động vốn vay. Trong đó, nguồn từ NSNN được xác định là không khả thi.
Về huy động vốn ODA, Bộ KH&ĐT đã và đang xúc tiến làm việc với các nhà tài trợ ADB, AFD, JICA… để huy động vốn. Hiện nguồn vốn chuẩn bị đầu tư dự án PPP có quy mô khoảng 585 tỷ đồng được hình thành trên cơ sở khoản vay kết hợp từ ADB và AFD, có thể sẵn sàng để chuẩn bị ngay các dự án PPP tiềm năng. ADB cũng đang triển khai Quỹ chuẩn bị các dự án cho các nước châu Á - Thái Bình Dương với tổng giá trị quỹ khoảng 73 triệu USD cho tất cả các nước, hiện Bộ KH&ĐT đang phối hợp chặt chẽ với ADB để thực hiện các thủ tục đăng ký, tiếp nhận nguồn vốn này. Bộ KH&ĐT cũng đang làm việc với một số nhà tài trợ khác để huy động thêm nguồn vốn cho chuẩn bị dự án và phần vốn tham gia của Nhà nước thực hiện dự án PPP. Tuy nhiên, Bộ KH&ĐT nhận định, việc huy động vốn ODA cho dự án PPP tiềm năng trong giai đoạn tới có nhiều khó khăn. Việc huy động vốn vay cũng không thuận lợi.
Do nguồn lực hạn chế, còn nhiều khó khăn khi tạo niềm tin và khuyến khích tư nhân trong và ngoài nước tham gia các dự án PPP, trong khi chương trình PPP của Việt Nam mới đang trong giai đoạn khởi động, Bộ KH&ĐT cho rằng cần thực hiện quyết liệt nhưng cũng cần có lộ trình phù hợp và thận trọng.
Bộ KH&ĐT cũng đề xuất nhiều giải pháp huy động nguồn vốn đầu tư thực hiện dự án PPP, có thể từ các nguồn lực công; lựa chọn một số công trình trọng điểm áp dụng hợp đồng kinh doanh - quản lý (O&M) để tạo nguồn vốn tái đầu tư các công trình khác; từ các nguồn vốn của xã hội như huy động từ Quỹ Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, các nguồn tiền trong dân; từ nguồn cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước…