3 gói thầu thi công sửa chữa cao tốc TP.HCM - Trung Lương năm 2021: Mỗi gói chỉ 1 nhà thầu tham dự

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Cục Quản lý đường bộ IV thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa hoàn thành việc lựa chọn nhà thầu cho 3 gói thầu thi công sửa chữa hư hỏng mặt đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương năm 2021 nhằm khắc phục tình trạng xuống cấp và hư hỏng cục bộ ở nhiều vị trí sau hơn 10 năm đưa vào khai thác. 3 gói thầu này được đấu thầu cạnh tranh qua mạng, mỗi gói đều có duy nhất 1 nhà thầu tham dự.
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Tuyến đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương đi qua địa bàn nhiều tỉnh, thành phố như TP.HCM, Long An, Tiền Giang, bắt đầu thông xe vào năm 2010. Theo kế hoạch, nguồn vốn thực hiện các dự án sửa chữa, bảo dưỡng, bảo trì tuyến đường được sử dụng từ kinh phí sự nghiệp chi hoạt động kinh tế đường bộ cho công tác quản lý, bảo trì hệ thống quốc lộ. Tổng mức đầu tư của năm 2020, 2021 và 2022 lần lượt là 35 tỷ đồng, hơn 110 tỷ đồng và 82 tỷ đồng.

Riêng năm 2021 có 3 gói thầu xây lắp và đến nay đã hoàn thành việc lựa chọn nhà thầu.

Trong đó, cuối tháng 6/2021, Liên danh Công ty CP Đầu tư xây dựng B.M.T - Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Trung Chính (gọi tắt là Liên danh B.M.T - Trung Chính) là nhà thầu duy nhất tham dự và được lựa chọn trúng 1 trong 3 gói thầu, với giá trúng thầu là 58,745 tỷ đồng (giảm 300 triệu đồng so với giá gói thầu). Thời gian thực hiện hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh là 150 ngày. Để đạt yêu cầu, nhà thầu liên danh này phải đạt doanh thu bình quân hàng năm trong 3 năm gần đây tối thiểu là 88,58 tỷ đồng; nguồn lực tài chính sẵn có là 17,715 tỷ đồng. Nhà thầu phải cung cấp được 1 hợp đồng thi công xây dựng, sửa chữa công trình giao thông đường bộ cao tốc, trong đó có hạng mục thi công thảm bê tông nhựa có giá trị tối thiểu là 41,33 tỷ đồng.

Trước đó, Công ty CP Đầu tư xây dựng B.M.T trúng 1 trong 3 gói thầu với giá trúng thầu 48,159 tỷ đồng (giảm 287 triệu đồng so với giá gói thầu). Theo yêu cầu của gói thầu này, nhà thầu tham dự phải đạt doanh thu bình quân hàng năm trong 3 năm gần đây tối thiểu là 72,67 tỷ đồng; nguồn lực tài chính sẵn có là 14,533 tỷ đồng. Để chứng minh năng lực, nhà thầu phải cung cấp được 1 hợp đồng thi công xây dựng, sửa chữa công trình giao thông đường bộ cao tốc, trong đó có hạng mục thi công thảm bê tông nhựa có giá trị tối thiểu là 33,91 tỷ đồng.

Đối với gói thầu xây lắp còn lại, Liên danh Công ty TNHH Công nghiệp và Xây dựng Nam Việt - Công ty CP Xây dựng 676 (gọi tắt là Liên danh Nam Việt - 676) được công bố trúng thầu với giá 10,568 tỷ đồng. Để được lựa chọn trúng thầu, nhà thầu liên danh này phải đạt doanh thu bình quân hàng năm trong 3 năm gần đây tối thiểu là 15,87 tỷ đồng; nguồn lực tài chính sẵn có là 3,17 tỷ đồng. Để chứng minh năng lực, nhà thầu phải cung cấp được 1 hợp đồng thi công thảm bê tông nhựa mặt đường trên đường quốc lộ hoặc đường đô thị đang khai thác, mỗi hợp đồng đó có giá trị tối thiểu là 10 tỷ đồng.

Nội dung xây lắp giai đoạn này chủ yếu là sửa chữa mặt đường bị rạn nứt và bong tróc cốt liệu khỏi bề mặt đường; các vết nứt dọc theo chiều xe chạy; bù lún vệt bánh xe đồng thời bị bong tróc nhựa; cào bóc bê tông nhựa mặt đường dày trung bình 7,2cm (kể cả vận chuyển phế thải đi đổ); cải tạo trắc dọc; hoàn trả vạch sơn…

Theo Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn AC (đơn vị được giao làm bên mời thầu), đến nay các gói thầu trên đã được Chủ đầu tư ký hợp đồng với các nhà thầu. Thời gian thực hiện hợp đồng của 3 gói thầu xây lắp trên lần lượt là 150 ngày, 149 ngày và 40 ngày.

Về tiến độ thi công, cán bộ của Cục Quản lý đường bộ IV biết, 2 gói thầu do Nhà thầu B.M.T và Liên danh Nam Việt - 676 vừa được khởi công. Còn gói thầu do Liên danh B.M.T - Trung Chính thực hiện, Nhà thầu đang trình phương án đảm bảo an toàn giao thông và dự kiến khởi công vào ngày 5/7. Công trình sử dụng công nghệ NovaChip để sửa chữa, tăng độ nhám mặt đường.

Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Tư vấn thiết kế Việt Nam, Công ty CP Sơn Hải là các nhà thầu tư vấn giám sát đối với việc thi công xây lắp công trình.

Trước đó, năm 2020, các nhà thầu thi công xây lắp là Liên danh Công ty TNHH Tuấn Hiền - Công ty CP 715, Công ty CP Đầu tư Phát triển Xây dựng Đông Á, Công ty CP Phần mềm Sao Mai. Quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu cũng chỉ có 1 - 2 nhà thầu tham dự, trong đó, 1 nhà thầu không đạt kỹ thuật hoặc không được đánh giá. Liên quan đến công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên tuyến đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương, Liên danh Công ty CP 715 - Công ty CP Công trình giao thông Sài Gòn thực hiện Gói thầu Quản lý, bảo dưỡng thường xuyên tuyến đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương; vận hành hệ thống giao thông thông minh (ITS) và tòa nhà Trung tâm Quản lý điều hành giao thông (TMC) giai đoạn 2020 - 2022 (67,396 tỷ đồng) với thời gian thực hiện hợp đồng trọn gói là 36 tháng.

Tin cùng chuyên mục