3 nhiệm vụ trọng tâm hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp

(BĐT) - Sau khoảng nửa năm triển khai Nghị quyết 35/NQ-CP (Nghị quyết 35) của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp (DN), niềm tin của DN trong và ngoài nước vào môi trường kinh doanh của Việt Nam đang tăng lên.
Nhằm tháo gỡ khó khăn về thuế cho doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã nghiên cứu, đề xuất giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ảnh: Lê Tiên
Nhằm tháo gỡ khó khăn về thuế cho doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã nghiên cứu, đề xuất giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ảnh: Lê Tiên

Những chuyển động tích cực

Tại Báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết 35, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết, hầu hết các bộ, ngành, địa phương tích cực tổ chức thực hiện. Cụ thể, Bộ KH&ĐT đã triển khai 11/11 nhiệm vụ được giao trong Nghị quyết, trong đó hoàn thành 2 nhiệm vụ; Bộ Tài chính triển khai 13/13 nhiệm vụ, hoàn thành 1 nhiệm vụ; Bộ Công Thương triển khai 9 nhiệm vụ, hoàn thành 2 nhiệm vụ; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã hoàn thành 4 nhiệm vụ của năm 2016 trong số 11 nhiệm vụ được giao, Bộ Khoa học và Công nghệ đang triển khai 4 nhiệm vụ của năm 2016 trong số 8 nhiệm vụ được giao trong Nghị quyết...

Sự vào cuộc của các bộ, ngành đã mang lại những lợi ích thực chất cho DN. Với nhiệm vụ trọng tâm là tạo môi trường thuận lợi hỗ trợ DN khởi nghiệp, DN đổi mới sáng tạo, Bộ KH&ĐT đã rà soát, đánh giá tình hình thực hiện và hiệu quả của các chính sách hỗ trợ DN, đặc biệt là chính sách hỗ trợ DN khởi nghiệp, DN đổi mới sáng tạo. Nội dung này đã được lồng ghép trong Dự án Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa, Dự án Luật đã được trình Quốc hội xem xét cho ý kiến tại kỳ họp cuối năm 2016. Về bổ sung chức năng, nhiệm vụ cho Quỹ Phát triển DN nhỏ và vừa nhằm tăng cường nguồn vốn cho DN khởi nghiệp, DNđổi mới sáng tạo, Bộ KH&ĐT cho biết đã có văn bản báo cáo Chính phủ.

Bộ KH&ĐT cũng đã nghiên cứu việc thành lập tổ chức và vận hành các mô hình vườn ươm DN, trung tâm hỗ trợ DN, chương trình tăng tốc đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp theo hình thức đối tác công tư với sự tham gia của các hiệp hội DN, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Hiện Bộ đang nghiên cứu, lồng ghép trong Dự án Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa.

Nhằm tháo gỡ khó khăn về thuế cho DN, Bộ Tài chính đã nghiên cứu, đề xuất giảm thuế suất thuế thu nhập DN cho DN nhỏ và vừa; giảm 50% thuế thu nhập cá nhân đối với lao động trong một số lĩnh vực. Bộ Tài chính đã chủ trì xây dựng Nghị quyết tháo gỡ khó khăn về thuế cho DN trình Chính phủ vào tháng 10/2016 và chờ Quốc hội thông qua. Để giảm chi phí cho DN, năm 2016, Bộ Tài chính đã ban hành 13 Thông tư điều chỉnh mức thu phí của 24 trạm thu phí BOT; đã trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo các đề xuất về mở rộng chi phí được giảm trừ khi xác định thu nhập DN, đồng thời đã có văn bản hướng dẫn chính sách thuế đối với giá và khoản phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển bằng đường biển.

Một trong những khó khăn lớn nhất của DN chính là vấn đề vốn cho sản xuất, kinh doanh. Với mục đích hỗ trợ DN tiếp cận vốn, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tích cực chỉ đạo các NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố triển khai Chương trình kết nối. Đến tháng 9/2016, đã có 165 hội nghị đối thoại giải quyết khó khăn cho 33.000 DN, thông qua đó cam kết cho vay mới đạt được hơn 340.000 tỷ đồng.

Với nhiệm vụ rà soát, điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng phù hợp với năng suất lao động, tăng trưởng kinh tế, năng lực cạnh tranh của DN và nhu cầu sống tối thiểu của người lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Nghị định số 153/2016/NĐ-CP ngày 14/11/2016 quy định về mức lương tối thiểu vùng. Bộ cũng đã báo cáo xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về đề xuất giảm tỷ lệ đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và quỹ bảo hiểm thất nghiệp. 

3 nhiệm vụ trọng tâm năm 2017

Bên cạnh những kết quả đạt được sau khoảng nửa năm thực hiện Nghị quyết 35, Báo cáo của Bộ KH&ĐT nêu rõ, vẫn còn một số bộ, ngành, địa phương nhận thức Nghị quyết chưa sâu sắc, chỉ đạo triển khai chưa quyết liệt. Cụ thể, chậm ban hành Chương trình hành động so với yêu cầu trước ngày 1/7/2016; chưa kịp thời tổ chức đối thoại với DN trên địa bàn; việc báo cáo thực hiện Nghị quyết không kịp thời. Tính đến 26/12/2016, còn 52 địa phương và 5 cơ quan chưa báo cáo. Việc triển khai thực hiện Nghị quyết của một số bộ, ngành, địa phương chưa đi thẳng vào nội dung, nhiệm vụ, giải pháp được giao, thực hiện chưa đúng với tinh thần của Nghị quyết…

Năm 2017 được dự báo có nhiều khó khăn, thách thức tác động tới nền kinh tế. Bộ KH&ĐT cho rằng, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, triển khai đúng tinh thần Nghị quyết 35 sẽ thúc đẩy giải ngân số vốn đã đăng ký và cam kết trong năm 2016 của DN trong và ngoài nước. Điều này có ý nghĩa quyết định đến sự tăng trưởng và cạnh tranh của nền kinh tế thời gian tới. Cần đẩy mạnh 3 nhiệm vụ trọng tâm, cấp thiết thực hiện Nghị quyết 35. Thứ nhất là giảm chi phí cho DN. Các giải pháp cải cách, loại trừ chi phí cao bất hợp lý cho DN có ý nghĩa đột phá tích cực nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh và tích luỹ đầu tư cho DN như: chi phí logistics, chi phí vận tải, chi phí vốn vay… Thứ hai là nghiêm túc thực hiện chủ trương của Chính phủ trong việc thanh tra, kiểm tra đối với một DN không quá một lần trong một năm. Thứ ba là, người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương phải nhận thức đầy đủ, sâu sắc tinh thần Nghị quyết 35, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ được giao một cách chủ động, quyết liệt và hiệu quả trong năm 2017.

Tin cùng chuyên mục