Chưa có chiến lược tổng thể, lâu dài trong quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới. Ảnh: NC st |
Khó từ nhân lực thực thi
Công nghệ càng phát triển thì càng nhiều người được hưởng lợi và tăng thu nhập đáng kể nhờ các giao dịch thương mại và dịch vụ xuyên biên giới. Trong khi đó, chính sách thuế vẫn chậm chân và cơ quan thuế lúng túng trong cuộc đua để bắt kịp sự phát triển này.
Phân tích về những trở ngại mà ngành thuế gặp phải trong nỗ lực không bỏ sót nguồn thu này, PGS. TS Vũ Sỹ Cường, giảng viên Học viện Tài chính chỉ rõ: thách thức lớn nhất với cơ quan thuế trong thời đại kỹ thuật số là khó xác định giá trị đánh thuế của các hoạt động thương mại xuyên biên giới. Cách thu thuế truyền thống là dựa trên giá trị của sản phẩm hữu hình và rất ít sản phẩm vô hình. Việc xác định giá tính thuế các loại hàng hoá, dịch vụ như vậy đã được quy định trong các văn bản pháp lý hiện hành. Trong khi đó, các sản phẩm vô hình phát sinh nhờ sự phát triển của công nghệ như giá trị của thông tin người dùng trên các mạng xã hội là rất khó đong đếm.
Tài khoản Youtube, tài khoản Facebook có hàng triệu người theo dõi sẽ có giá trị hoàn toàn khác với tài khoản chỉ có vài nghìn người theo dõi, ngay cả các tài khoản có cùng số lượng người theo dõi như nhau nhưng giá trị thông tin có thể vẫn khác nhau. Đây lại là yếu tố đầu vào đầu tiên và quan trọng làm cơ sở tính thuế.
Thách thức thứ hai là người nộp thuế. Theo đó, chủ tài khoản mạng xã hội không thể là đối tượng chịu thuế. Trong khi đó, việc đánh thuế với các ông chủ công nghệ như Facebook, Google là rất khó khăn bởi trụ sở của các doanh nghiệp này không ở Việt Nam và trong nhiều trường hợp bị “vướng” các hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa Việt Nam và các nước khác.
Thực tế, cơ quan thuế đã và đang tìm cách vượt qua hai thách thức nói trên bằng cách đàm phán để yêu cầu các “đại gia” công nghệ đặt văn phòng tại Việt Nam, yêu cầu chủ tài khoản mạng xã hội có phát sinh doanh thu, thu nhập tại Việt Nam từ 100 triệu đồng/năm phải kê khai thuế. Tuy nhiên, cơ quan thuế thừa nhận, việc quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử này mới dừng ở các biện pháp trước mắt, theo từng vụ việc chứ chưa có chiến lược tổng thể, lâu dài.
Mặt khác, giải pháp cho cả hai thách thức nói trên sẽ không đạt hiệu quả cao nếu nguồn nhân lực của cơ quan thuế vẫn không bắt kịp với mức độ tinh vi của các giao dịch xuyên biên giới này.
“Nhân lực cũng là một thách thức trong nỗ lực thu thuế với các giao dịch thương mại, dịch vụ và hàng hoá xuyên biên giới. Những tập đoàn lớn có đội ngũ cán bộ pháp chế giàu kinh nghiệm chinh chiến. Họ sẵn sàng trả lương cho các luật sư giỏi ở mức nhiều chục ngàn USD/tháng để đối phó với hàng rào pháp lý bất lợi ở các thị trường khác nhau. Trong khi đó, cán bộ thuế có mức lương chỉ khoảng vài trăm USD/tháng thì khó tuyển dụng người thật giỏi và tâm huyết với nghề”, ông Cường nhấn mạnh.
Cân nhắc lợi - hại
Thu thuế thương mại, dịch vụ xuyên biên giới là thách thức của hầu hết các quốc gia hiện nay. Một số biện pháp đã được áp dụng song không hẳn có hiệu quả. Ông Vũ Sỹ Cường cho biết, cơ quan thuế của Pháp đã áp dụng thuế dữ liệu, mức thuế được tính theo khối lượng dữ liệu cá nhân, tổ chức sử dụng bất kể nhằm mục đích gì và sắc thuế này đang bị phản đối. Các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu đã nhiều lần bàn cách xác định giá trị tính thuế, đối tượng nộp thuế, thảo luận cách phối hợp để thu thuế nhưng vẫn chưa có lời giải triệt để. Singapore cũng đang tìm cách thay đổi chính sách thuế để thu được thuế từ hoạt động dịch vụ trên các nền tảng công nghệ mới.
Từ góc độ kinh tế vĩ mô, TS. Bùi Trinh - chuyên gia kinh tế - cho rằng, không nên quá suy tính về khoản thuế này, bởi xét về thu thuế chúng ta có cảm giác bị thiệt, nhưng xét trên tổng thể nền kinh tế thì chưa hẳn. “Nhiều doanh nghiệp và người dân Việt Nam hưởng lợi từ các nền tảng công nghệ mới và các giao dịch xuyên biên giới này. Thu nhập của nhiều người dân và doanh nghiệp tại Việt Nam tăng lên cũng có nghĩa là cơ quan thuế có thể thu được nhiều thuế hơn. Do đó, theo tôi nghĩ, nên nhìn từ khía cạnh khác, đặc biệt từ việc cải thiện môi trường kinh doanh triệt để, từ đó, doanh nghiệp Việt Nam có sức cạnh tranh tốt và thuế sẽ trở về với ngân sách Việt Nam”, ông Trinh nói.
Cùng quan điểm này, ông Vũ Sỹ Cường cho rằng, cần xem xét cả hai mặt lợi và hại của việc thu thuế, ngưỡng giá trị giao dịch nào thì bắt đầu thu thuế? “Việc thu thuế trong nhiều trường hợp sẽ làm mất động lực kinh doanh. Hiện tại, nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo đang thực thi nhiều dịch vụ công nghệ liên quan đến giao dịch thương mại xuyên biên giới và nếu bị áp thuế, chưa chắc họ muốn làm tại Việt Nam”, ông Cường nhấn mạnh.