3 trọng tâm kết nối trong ASEAN là hạ tầng, con người và thể chế

(BĐT) - Chiều ngày 19/1/2018 tại Hà Nội đã diễn ra Phiên toàn thể thứ hai về các vấn đề kinh tế và thương mại Hội nghị thường niên 26 của Diễn đàn Nghị viện châu Á – Thái Bình Dương (APPF).
3 trọng tâm kết nối trong ASEAN là hạ tầng, con người và thể chế

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho biết, trong hơn nửa thế kỷ qua, khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đã phát triển mạnh mẽ, trở thành động lực của kinh tế thế giới, một phần chính là nhờ hợp tác liên kết kinh tế sâu rộng và tận dụng được những tiềm năng, lợi thế, đặc biệt là vai trò quan trọng của khu vực nông nghiệp và hệ thống doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME). Thế giới ngày nay đang biến chuyển sâu sắc trên nhiều phương diện dưới sự tác động mạnh mẽ của khoa học, công nghệ và CMCN 4.0, của sự khác biệt trong quan điểm phát triển, toàn cầu hóa cũng như sức ép cạnh tranh địa chính trị giữa các quốc gia, khu vực và toàn cầu. Trong bối cảnh đó, chúng ta cần phải đổi mới trong tư duy phát triển và đẩy mạnh liên kết, hợp tác trên nhiều phương diện.

Trong giai đoạn hiện nay, Việt Nam đang cùng các nước ASEAN tập trung triển khai kế hoạch xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) và kế hoạch tổng thể kết nối ASEAN để đẩy mạnh hơn hợp tác và liên kết kinh tế nội khối, đặc biệt là thương mại và đầu tư.

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, các nước ASEAN cần có những hành động thiết thực nhằm cải thiện kết nối, như những sáng kiến của APEC, ASEAN tập trung vào 3 trọng tâm: hạ tầng, con người và thể chế, mà trong đó Nghị viện đóng vai trò quan trọng là cơ quan lập pháp tại mỗi quốc gia. Thế giới ngày hôm nay là thế giới của công nghệ và sáng tạo. Trong thời đại này, với nhiều công nghệ mang tính sáng tạo phá hủy đã loại bỏ dần ưu thế của kinh nghiệm, của hạ tầng cũ và môi trường kinh doanh cũ. Trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0, tương lai và triển vọng kinh tế của mỗi quốc gia không nằm trên đường kéo dài của quá khứ, nên một quốc gia đang phát triển, với ít hành trang của quá khứ, hoàn toàn có thể đi nhanh hơn và đuổi kịp các nước phát triển. Cũng vì vậy, cơ hội của cuộc CMCN 4.0 chủ yếu dành cho những nền kinh tế, những doanh nghiệp dám thay đổi tư duy, biết phát hiện nhu cầu của đất nước, mạnh dạn tìm kiếm những mô hình kinh doanh mới, hành động nhanh và hữu hiệu. Phó Thủ tướng cũng bày tỏ mong muốn rằng, Diễn đàn này sẽ chú trọng tăng cường hỗ trợ kỹ thuật trong khu vực trên cơ sở học hỏi lẫn nhau, nhất là về các mô hình hiệu quả và trao đổi, chia sẻ trong hoạch định chính sách để chung tay giải quyết những khó khăn, thách thức, vượt qua những khác biệt, hướng đến sự phát triển thịnh vượng, bền vững của khu vực và toàn cầu.  

Tin cùng chuyên mục