Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý hỗ trợ hoạt động giám sát, phát hiện, xử lý vi phạm, nhất là các hành vi mang tính lạm dụng thị trường như hành vi thao túng, nội gián. |
Thị trường càng tăng trưởng nóng thì công tác thanh tra giám sát càng được tăng cường. Trong những tháng cuối năm nay, việc xử phạt các vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán của năm 2017 tiếp tục gia tăng.
Theo số liệu mới nhất từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, tính đến ngày 6/12/2017, cơ quan này đã ban hành khoảng 300 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán. Tổng số tiền thu về là 18 tỷ đồng, gấp 1,5 lần so với cùng kỳ năm 2016.
Riêng trong tuần trước, đã có 2/5 quyết định xử phạt được ban hành liên quan đến mua bán cổ phiếu không báo cáo và báo cáo chậm. Bên cạnh đó có 1 trường hợp bị xử phạt 550 triệu đồng vì tội thao túng giá chứng khoán đối với ông Nguyễn Trọng Đức, do đã sử dụng 30 tài khoản để liên tục mua, bán, tạo cung cầu giả tạo, thao túng cổ phiếu của Công ty Cổ phần Sản xuất Xuất nhập khẩu NHP (NHP).
Tuy nhiên, căn cứ kết quả kiểm tra và các tài liệu có trong hồ sơ, xem xét tính toán số lợi bất hợp pháp từ việc thực hiện hành vi vi phạm cho thấy không có số lợi bất hợp pháp từ hành vi vi phạm của ông Nguyễn Trọng Đức.
Một điểm nổi bật nhất trong công tác thanh tra giám sát và xử phạt của năm 2017 chính là phạt nặng đối với những hành vi bị cấm theo Bộ luật Hình sự 2015. Trong số 300 vụ việc bị xử phạt trong năm 2017 có 5 trường hợp bị xử phạt về tội thao túng giá chứng khoán và 1 trường hợp về giao dịch nội gián với số tiền phạt là 3,35 tỷ đồng.
Ngoài ra, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đã chuyển 1 hồ sơ thao túng giá chứng khoán liên quan đến cổ phiếu CDO sang cơ quan công an để khởi tố vụ án hình sự thao túng giá chứng khoán đối với cổ phiếu của Công ty Cổ phần Tư vấn Thiết kế và Phát triển đô thị (CDO).
Đây là trường hợp khởi tố thứ 3 trên thị trường chứng khoán và là trường hợp khởi tố thứ 2 về tội thao túng giá, sau trường hợp DVD hồi tháng 5/2011.
Để tiếp tục các giải pháp mạnh tay hơn với các hành vi vi phạm trên thị trường chứng khoán, lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, thời gian qua, công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm đã được tăng cường giúp đảm bảo hoạt động của thị trường được ổn định.
Bên cạnh đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã trực tiếp cũng như chỉ đạo các Sở giao dịch chứng khoán tăng cường năng lực quản trị điều hành, thường xuyên giám sát tình hình thực hiện chế độ báo cáo và nghĩa vụ công bố thông tin của các tổ chức niêm yết, đăng ký giao dịch, giao dịch cổ đông lớn, cổ đông sáng lập... nhằm đẩy mạnh hơn nữa sự minh bạch của thị trường.
Trong thời gian tới, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý hỗ trợ hoạt động giám sát, phát hiện, xử lý vi phạm, nhất là các hành vi mang tính lạm dụng thị trường như hành vi thao túng, nội gián.
Về giám sát, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã trình Bộ Tài chính ban hành Quyết định số 1520/QĐ-BTC ngày 2/8/2017 về tổ chức công tác giám sát hoạt động giao dịch trên thị trường chứng khoán phái sinh. Đồng thời, Thông tư 115/2017/TT-BTC thay thế Thông tư số 13/2013/TT-BTC về giám sát giao dịch chứng khoán trên thị trường chứng khoán.
Về chế tài xử lý hành chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã trình Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành Nghị định 145/2016/NĐ-CP sửa đổi bổ sung các chế tài xử phạt. Bên cạnh đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã xây dựng Quy chế phối hợp với Tổng cục Thuế.
Hiện nay, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang đề xuất xây dựng Luật Chứng khoán (sửa đổi), trong đó, dự kiến đề xuất bổ sung thẩm quyền thu thập thông tin từ cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm làm rõ mối liên hệ, dòng tiền của các đối tượng nghi vấn, làm cơ sở xác định và xử lý vi phạm thao túng, nội gián; sửa đổi bổ sung các quy định về hoạt động giám sát các đối tượng, hoạt động trên thị trường chứng khoán nhằm tăng cường năng lực thanh tra giám sát và cưỡng chế thực thi cho cơ quan quản lý, đáp ứng yêu cầu quản lý giám sát đối với sự phát triển của thị trường chứng khoán trong thời gian tới.
Cùng với hoàn thiện cơ chế chính sách và khung pháp lý, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ tiếp tục tăng cường công tác giám sát từ các Sở giao dịch chứng khoán. Trên cơ sở Bộ luật Hình sự và thông tư liên tịch giữa Bộ Tài chính, Bộ Công an về phối hợp xử lý vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ phối hợp để xử lý các vụ trọng điểm, tăng cường tính minh bạch trên thị trường chứng khoán.