45 gói thầu mua gạo dự trữ quốc gia 2023: Mua sắm trực tiếp giá thấp, nguy cơ khó thành

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tổng cục Dự trữ Nhà nước (TCDT) vừa có quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu 45 gói thầu cung cấp gạo nhập kho dự trữ quốc gia (DTQG) năm 2023. Theo ý kiến của các nhà thầu và một số bên mời thầu, việc TCDT “chốt” đơn giá mua gạo chỉ từ 12.098 đồng/kg - 13.440 đồng/kg tại thời điểm giá gạo trên thị trường đang quanh mức 16.000 đồng/kg sẽ khiến việc lựa chọn nhà thầu các gói thầu này khó khả thi.
Theo kế hoạch, năm 2023, tổng lượng gạo cần mua để nhập kho dự trữ quốc gia là 220.000 tấn. Ảnh: Song Lê
Theo kế hoạch, năm 2023, tổng lượng gạo cần mua để nhập kho dự trữ quốc gia là 220.000 tấn. Ảnh: Song Lê

Theo quyết định của TCDT, 17 cục dự trữ nhà nước (DTNN) khu vực sẽ tiếp tục chọn nhà thầu thực hiện 45 gói thầu mua gạo DTQG gồm: Hà Nội (3.000 tấn), Tây Bắc (mua 2.500 tấn gạo), Hoàng Liên Sơn (3.500 tấn), Bắc Thái (3.000 tấn), Hà Bắc (4.860 tấn), Thái Bình (3.700 tấn), Đông Bắc (4.000 tấn), Hà Nam Ninh (4.850 tấn), Thanh Hóa (6.000 tấn), Nghệ Tĩnh (3.300 tấn), Bình Trị Thiên (1.100 tấn), Nam Tây Nguyên (1.200 tấn), Bắc Tây Nguyên (2.815,2 tấn), Nam Trung Bộ (3.885 tấn), TP.HCM (1.000 tấn), Cửu Long (1.000 tấn), Đông Nam Bộ (2.500 tấn).

Tổng lượng gạo cần mua là 51.210,2 tấn, hình thức lựa chọn nhà thầu là mua sắm trực tiếp, giá mỗi kg gạo dao động từ 12.098 đồng - 13.440 đồng. Giá gạo này đã bao gồm 5% thuế giá trị gia tăng, bao bì theo quy định. Chất lượng gạo nhập kho DTQG là gạo sản xuất trong nước, hạt dài, loại 15% tấm được xay xát từ thóc thu hoạch vụ Đông Xuân năm 2023, bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng theo quy định. Thời gian thực hiện hợp đồng tối đa là 30 ngày, thời gian hoàn thành nhập gạo vào kho DTQG tối đa đến hết ngày 31/12/2023, loại hợp đồng trọn gói.

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, cán bộ đấu thầu ở một số cục DTNN cho biết, số lượng gạo mà các cục DTNN được phê duyệt để mua sắm trực tiếp lần này bằng khoảng 125% - 130% số gạo đã mua được. Chẳng hạn, ở Cục DTNN khu vực Đông Nam Bộ, theo kế hoạch năm 2023 thực hiện đấu thầu qua mạng mua 7.000 tấn gạo nhập kho DTNN (7 gói thầu). Trên thực tế, chỉ có 2 nhà thầu sau trúng thầu cung cấp đủ gạo vào kho DTQG với tổng lượng gạo 2.000 tấn (5.000 tấn gạo bị nhà thầu từ chối thực hiện hợp đồng vì giá gạo tăng cao, nhà thầu không có nguồn để cung cấp theo hợp đồng). Trên cơ sở 2.000 tấn gạo mà Cục DTNN khu vực Đông Nam Bộ đã mua thành công, TCDT phê duyệt cục này mua sắm trực tiếp 2.500 tấn gạo DTQG.

Cán bộ của một số cục DTNN khu vực cho biết, với những nhà thầu từ chối thực hiện hợp đồng trong lần đấu thầu trước, các cục DTNN đã tịch thu bảo lãnh thực hiện hợp đồng và nộp số tiền này về Kho bạc Nhà nước. Thực hiện chỉ đạo của TCDT, các cục DTNN đã phát hành hồ sơ yêu cầu cho các nhà thầu trúng thầu cung cấp gạo DTQG và đã hoàn thành nhập gạo vào kho DTQG nhưng đến nay chưa thấy nhà thầu nào sẵn sàng thực hiện các gói thầu này theo hình thức mua sắm trực tiếp.

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, một số nhà thầu trúng thầu cung cấp gạo DTQG năm 2023 cho biết, giá gạo thị trường hiện xoay quanh mức 16.000 đồng/kg, trong khi đơn giá TCDT công bố chỉ từ 12.000 đồng - 13.500 đồng/kg. Nếu đồng ý cung cấp, mỗi kg gạo nhà thầu sẽ lỗ khoảng 3.000 đồng, mỗi gói thầu khoảng 1.000 tấn gạo sẽ lỗ khoảng 3 tỷ đồng. Ở lần đấu thầu vừa rồi, nhiều nhà thầu phải “cắn răng” chịu lỗ để thực hiện hợp đồng vì không cung cấp thì vừa mất uy tín, danh dự, vừa bị tịch thu bảo lãnh thực hiện hợp đồng (trung bình mỗi gói thầu 1.000 tấn gạo là gần 1 tỷ đồng) nên phải xoay xở mọi cách để có gạo nhập vào kho DTQG. Hơn nữa, tiêu chuẩn gạo nhập kho DTQG là gạo được xay xát từ thóc thu hoạch vụ Đông Xuân năm 2023 (khoảng tháng 3/2023), đến nay trên thị trường còn rất ít nên khó có thể thu gom để mua đủ lượng nhập kho.

Theo một chuyên gia về đấu thầu, nếu tổ chức đấu thầu để lựa chọn nhà thầu cung cấp gạo thì sẽ mất hơn 1 tháng để mời thầu và chấm thầu. Do đó, thời gian thực hiện hợp đồng và nhập gạo vào kho DTQG của các nhà thầu trúng thầu (nếu có) sẽ diễn ra vào năm 2024 (nằm ngoài khoảng kế hoạch mua gạo năm 2023). Việc mua sắm trực tiếp sẽ rút ngắn thời gian từ lúc có kế hoạch mua sắm đến thực hiện hợp đồng, song với quy định hiện tại của pháp luật về đấu thầu, việc mua sắm trực tiếp chỉ được áp giá đúng bằng giá đã trúng thầu của lần đấu thầu gần nhất. Vì vậy, việc TCDT phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu cho 45 gói thầu cung cấp gạo DTQG năm 2023 theo hình thức mua sắm trực tiếp khó khả thi.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đấu thầu, bà Nguyễn Thị Phố Giang - Phó Tổng cục trưởng TCDT cho biết, trước những khó khăn của việc mua gạo nhập kho DTQG năm 2023, Tổng cục đã đưa ra một số phương án xử lý, báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Tin cùng chuyên mục