Ảnh minh họa. Nguồn Internet |
3 tháng mới khởi công được 1 dự án
Ngày 5/4/2016, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý về chủ trương cho một số công trình cấp bách giảm ùn tắc giao thông của TP. Hà Nội được thực hiện theo lệnh khẩn cấp, cấp bách và áp dụng hình thức giao thầu. Cụ thể, đó là 8 dự án: Cải tạo, mở rộng cầu vượt tại nút giao Phạm Ngọc Thạch - Chùa Bộc; Cầu vượt tại nút giao Bạch Mai - Lê Thanh Nghị; Cầu vượt tại nút giao Ô Đống Mác - đê Nguyễn Khoái; Cầu vượt tại nút giao An Dương - đường Thanh Niên; Cầu vượt tại nút giao Trần Hưng Đạo - Lương Yên; Cầu vượt nút giao Cổ Linh: giao giữa đường Cổ Linh và đường dẫn phía Bắc cầu Vĩnh Tuy; Hầm chui Lê Văn Lương - Vành đai 3; Đường vành đai 3 dưới đất, đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long.
Với cơ chế này, Hà Nội đã được tạo điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án thuộc diện cấp bách như đề xuất của Thành phố. Tuy nhiên, cho đến nay, mới có 1 dự án được khởi công ngày 29/5, là dự án Cầu vượt tại nút giao Ô Đông Mác - Nguyễn Khoái. Dù đã khởi công, nhưng theo rà soát của Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội, hiện tại, công trình chưa được bố trí vốn, gây khó khăn cho các nhà thầu.
Các dự án còn lại đều đang trong bước chuẩn bị, hoặc có một số vướng mắc. Dự án Xây dựng cầu vượt tại nút giao đường Cổ Linh, UBND Thành phố mới đang xem xét phê duyệt phương án kiến trúc cầu, công tác thẩm định dự án cũng đang được Sở Xây dựng xem xét. Dự án Xây dựng cầu vượt tại nút giao An Dương - đường Thanh Niên thì đang vướng mắc về vấn đề mặt bằng, phương án thi công, khi chưa có sự thống nhất về phương án hạ cốt đê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ở vị trí thi công cầu.
Với Dự án Xây dựng đường Vành đai 3 dưới đất, đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long, Sở GTVT dự kiến phải đến tháng 8 mới tổ chức xong việc lựa chọn nhà thầu và dự kiến khởi công vào tháng 9/2016.
Cần hiện thực hóa tính khẩn cấp của dự án
Một chuyên gia của Viện Kinh tế xây dựng, Bộ Xây dựng cho biết, công trình xây dựng theo lệnh khẩn cấp là công trình phải được xây dựng và hoàn thành kịp thời, để phòng, chống thiên tai và địch họa, ngăn chặn và hạn chế thiệt hại, đáp ứng yêu cầu của lệnh khẩn cấp do người có thẩm quyền ban hành. Với những công trình đã được Chính phủ đồng ý chủ trương thực hiện theo lệnh khẩn cấp, sau 3 tháng vẫn chưa lựa chọn được nhà thầu và tiến hành khởi công có thể xem là chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu khẩn cấp.
Theo chuyên gia này, với những công trình khẩn cấp, yếu tố thời gian là rất quan trọng. Ví dụ, với Dự án Đầu tư công trình xây dựng khôi phục cầu Đồng Nai lớn (cầu Ghềnh) sau khi được Thủ tướng đồng ý chủ trương thực hiện theo lệnh khẩn cấp, đến nay, sau chưa đầy 3 tháng từ khi khởi công, đơn vị chủ đầu tư cho biết, cầu đã sắp hoàn thành, dự kiến trước ngày 30/6.
Nhiều ý kiến cho rằng, Hà Nội đã được Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi để giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông, vì thế cần triển khai nhanh 8 dự án giao thông này, để tính khẩn cấp không chỉ là trên giấy.