ADB cảnh báo nhiều rủi ro cho kinh tế Việt Nam các tháng cuối năm

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) -  Tại Báo cáo Triển vọng phát triển châu Á cập nhật 2022 vừa công bố, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) giữ nguyên triển vọng kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng 6,5% trong năm 2022 và 6,7% năm 2023. Đồng thời, ADB cũng cảnh bảo nhiều rủi ro ngày càng tăng cho kinh tế Việt Nam.
ADB đã giữ nguyên mức dự báo về triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam với GDP là 6,5% trong năm 2022 và 6,7% năm 2023. Ảnh: Internet
ADB đã giữ nguyên mức dự báo về triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam với GDP là 6,5% trong năm 2022 và 6,7% năm 2023. Ảnh: Internet

Theo ông Andrew Jeffries, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam, nền kinh tế Việt Nam đã phục hồi nhanh hơn dự kiến trong nửa đầu năm 2022 và tiếp tục tăng trưởng trong bối cảnh môi trường toàn cầu có nhiều thách thức. Kinh tế phục hồi ổn định nhờ các cân đối kinh tế mạnh, được hỗ trợ bởi sự phục hồi nhanh hơn dự kiến của ngành sản xuất chế biến chế tạo và dịch vụ.

Báo cáo Triển vọng phát triển Châu Á (ADO) cập nhật 2022 nêu rõ, kinh tế Việt Nam tăng trưởng tốt trong bối cảnh nền kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn. Chuỗi cung ứng lương thực thực phẩm toàn cầu được khôi phục góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trong năm nay, tuy nhiên chi phí đầu vào cao vẫn sẽ kìm hãm sự phục hồi của ngành nông nghiệp.

Nhu cầu trên thị trường thế giới giảm đang làm chậm đà tăng trưởng ngành chế biến chế tạo trong nước. Tháng 8 vừa qua, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) của Việt Nam đã giảm nhẹ từ mức 54 của tháng 6 xuống 52,7. Tuy nhiên, triển vọng của ngành chế biến chế tạo vẫn khả quan do sự quan tâm từ khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài đang hướng vào lĩnh vực này.

Di chuyển trong nước cũng đã trở lại hoàn toàn bình thường. Việc dỡ bỏ các hạn chế đi lại do đại dịch COVID-19 đối với khách nước ngoài đang và sẽ thúc đẩy ngành du lịch phục hồi mạnh mẽ trong nửa cuối năm 2022. Đây chính là động lực tăng trưởng cho ngành dịch vụ cùng các ngành, lĩnh vực khác có liên quan.

Lạm phát tăng cao ở Mỹ và Liên minh châu Âu cũng là yếu tố góp phần làm tăng áp lực lạm phát ở trong nước. Tuy nhiên, chính sách tiền tệ thận trọng của Việt Nam và việc kiểm soát giá hiệu quả, đặc biệt đối với các mặt hàng xăng dầu đang giúp cho việc kiềm chế lạm phát sẽ chỉ mức 3,8% năm 2022 và 4% năm 2023. Đây là các chỉ số hầu như không thay đổi so với dự báo đã đưa ra trong Báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á vào tháng 4/2022 vừa rồi.

Không đưa ra dự báo quá lạc quan, Báo cáo ADO cũng cảnh báo, triển vọng kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục đối mặt với những rủi ro ngày càng tăng. Suy thoái kinh tế toàn cầu có thể ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam. Sự thiếu hụt lao động dự kiến sẽ tác động đến sự phục hồi nhanh chóng của các ngành dịch vụ và sản xuất hàng xuất khẩu sử dụng nhiều lao động trong năm 2022.

Việc chậm giải ngân đầu tư công và các khoản chi xã hội so với kế hoạch, đặc biệt là chậm thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế của chính phủ có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng trong năm nay và năm sau.