Ai sẽ rời ghế lãnh đạo ngân hàng mùa đại hội?

Quá trình tái cơ cấu ngành đang đẩy lùi vào giai đoạn cuối, cũng là thời điểm “nóng” về vấn đề M&A và thay đổi bộ máy lãnh đạo tại nhiều ngân hàng. Vì vậy, khả năng trong kỳ ĐHCĐ tới đây, nhân sự chủ chốt ở một số ngân hàng sẽ còn biến động.
Nhân sự cấp cao của DongA Bank đã biến động mạnh trong năm 2015
Nhân sự cấp cao của DongA Bank đã biến động mạnh trong năm 2015

Trước thềm ĐHCĐ đã không ít nhà băng có thông báo để cổ đông về ngày chốt danh sách lấy ý kiến bằng văn bản bầu bổ sung thành viên HĐQT nhiệm kỳ mới. Chẳng hạn tại, MaritimeBank, Saigonbank, Sacombank…

Trong đó, MaritimeBank dự kiến sẽ tiến hành đại hội vào ngày 14/4 và dự kiến bầu bổ sung 2 thành viên HĐQT. Còn với Sacombank, sau khi công bố ngày chốt danh sách lấy ý bầu bổ sung dự kiến 5-7 thành viên HĐQT thì trong sáng ngày 1/3, nhà băng này đã hủy việc bầu bổ sung thành viên HĐQT, BKS nhiệm kỳ mới 2016-2020.

Lý do chưa được công bố rõ ràng, tuy nhiên giới quan sát tin rằng, khả năng trong kỳ đại hội thường niên lần này, nhân sự cấp cao tại Sacombank tiếp tục biến động mạnh, cả với ghế “nóng” nhất.

Nguyên nhân chính nằm ở câu chuyện liên quan tới ông Trầm Bê, nguyên Phó chủ tịch thường trực HĐQT Sacombank. Sau khi ông Trầm Bê tự nguyện cam kết ủy quyền không hủy ngang, vô thời hạn cho NHNN phần sở hữu của mình tại Sacombank, thì việc NHNN sẽ cử người tham gia quản trị, điều hành Sacombank sau sáp nhập với SouthernBank là đương nhiên.

Vấn đề còn lại là NHNN sẽ cử ai sang nắm quyền điều hành cấp cao tại Sacombank sau kỳ đại hội lần này?

Còn với Eximbank, sau ĐHCĐ bất thường cuối năm 2015, HĐQT nhiệm kỳ 2015-2020 đã được thông qua và chức Chủ tịch đã được HĐQT bầu chọn ông Lê Minh Quốc. Quyền Tổng giám đốc đến nay vẫn do ông Trần Tấn Lộc nắm giữ, song các thông tin xuất hiện, khả năng trong kỳ đại hội tới Eximbank cũng sẽ có thay đổi ở vị trí này.

Hiện Eximbank chưa công bố ngày chốt danh sách cuối cùng để tiến hành đại hội cũng như bất kỳ các thông tin liên quan, nhưng theo một nguồn tin, khả năng Eximbank sẽ tiến hành ĐHCĐ vào cuối tháng 4/2016.

Có một câu hỏi cũ từ đại hội năm ngoái của Eximbank vẫn chưa có lời giải, đó là liệu Eximbank có bầu bổ sung thêm thành viên HĐQT là người cũ của NamA Bank? Hiện tại, nguyên 2 lãnh đạo của NamA Bank đang nắm giữ hơn 20% cổ phần của Eximbank, nhưng đã bất ngờ bị loại khỏi danh sách ứng cử thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2015-2020 tại đại hội bất thường của nhà băng này vào cuối 2015.

Có thể nói, Eximbank, Sacombank là những ngân hàng đã có sự biến động mạnh về nhân sự thời gian qua. Trong đó, Sacombank kể từ sau khi chuyển quyền điều hành sang nhóm cổ đông lớn khiến ông Đặng Văn Thành phải rời ghế “nóng” Chủ tịch HĐQT và ông Phạm Hữu Phú (người từ Eximbank) sang nắm quyền. Kể từ đó, sau ĐHCĐ thường niên 2014, vị trí Chủ tịch HĐQT Sacombank tiếp tục thay đổi và người ngồi ghế “nóng” này hiện nay là ông Kiều Hữu Dũng, nguyên Vụ trưởng Vụ Các ngân hàng (NHNN).

Ngoài các ngân hàng trên, nhân sự ở một số nhà băng nhỏ dự kiến cũng sẽ có sự thay đổi trong mùa ĐHCĐ năm nay, song không quá mạnh và ồ ạt. Chẳng hạn tại Saigonbank, bầu bổ sung thêm 2 thành viên HĐQT. Mới đây, nhà băng này đã bất ngờ thay Chủ tịch HĐQT, tuy nhiên cổ đông Saigonbank và thị trường vẫn đang đợi đến kỳ ĐHCĐ của Ngân hàng để chất vấn việc M&A khi năm qua, nhà băng này một lần nữa không thể thực hiện kế hoạch tăng vốn lên mức 4.000 tỷ đồng.

Nhân sự cấp cao của DongA Bank trong năm 2015 cũng biến động khá mạnh khi ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên Chủ tịch HĐQT và ông Trần Phương Bình, nguyên Tổng giám đốc từ nhiệm. Người thay thế ghế “nóng” là ông Võ Minh Tuấn và CEO là ông Nguyễn Thanh Tùng, nguyên là cán bộ cấp cao của Vietinbank. Hiện hoạt động của DongA Bank đã trở lại bình thường, nhưng vẫn trong vòng kiểm soát đặc biệt. Vì vậy, việc có thay đổi nhân sự sau khi ngân hàng trở lại hoạt động bình thường hay không vẫn là dấu hỏi!

M&A trong lĩnh vực ngân hàng được dự báo chưa hết “nóng”, nhất là khi thị trường còn không ít nhà băng có mức vốn pháp định tối thiểu 3.000 tỷ đồng đang tồn tại và nợ xấu vẫn đang được đẩy mạnh xử lý. Chủ trương của NHNN là đẩy mạnh xử lý sở hữu chéo để lành mạnh hệ thống. Vì vậy, theo đánh giá của các chuyên gia tài chính-ngân hàng, khó loại trừ biến động nhân sự cấp cao ở lĩnh vực này trong mùa ĐHCĐ diễn ra quý II năm nay.    

Tin cùng chuyên mục