Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN) |
Các chuyên gia cho rằng, không nên có sự can thiệp nào tạo sức ép giảm lãi suất mà để tự thị trường điều chỉnh nếu không sẽ gây méo hoạt động của thị trường.
Đầu vào rục rịch tăng
Sau khi tín dụng tăng mạnh trong 2 quý đầu năm, không ít các ngân hàng đã dùng hết chỉ tiêu và hiện đang xin nới room tín dụng để có dư địa cho vay. Để có nguồn vốn cho mùa kinh doanh cuối năm, ngay từ giữa tháng Chín nhiều ngân hàng thương mại đã tăng lãi suất huy động từ 0,1%-0,4%, đồng thời đưa ra nhiều chính sách tặng quà “khủng” cho khách hàng để hút vốn.
Nằm trong chuỗi chương trình “Tiết kiệm hướng đến tương lai”, ngay trong dịp cuối năm, ACB cho biết đã bắt đầu triển khai chương trình dự thưởng “Đón giáng sinh, chào năm mới cùng ACB” dành tặng khách hàng gửi tiết kiệm và gửi tiền tích lũy tại ACB với tổng giá trị giải thưởng lên đến 414 triệu đồng.
Cụ thể, với kỳ hạn gửi từ 1 tháng hay mức gửi tối thiểu 5 triệu đồng, khách hàng sẽ được cấp mã dự thưởng để tham gia quay số điện tử cuối kỳ dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 11/1/2018. Trong đó, 31 khách hàng may mắn của ACB sẽ có cơ hội giành 3 giải đặc biệt, mỗi giải là 1 chuyến du lịch Hong Kong với chương trình tham quan công viên giải trí nổi tiếng tại Hong Kong - Hong Kong Disneyland và nhiều giải thưởng hấp dẫn khác.
Tại ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) có chương trình "Gửi tiền - tặng tiền, tặng lãi suất" từ nay đến hết năm 2017. Theo đó, người gửi ít nhất 10 triệu đồng, kỳ hạn 36 tháng, lãi suất 7,4%/năm được Sacombank tặng 0,2% lãi suất, đồng thời tặng thêm 0,2%/số tiền gửi.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, một số ngân hàng đã “rục rịch” tăng lãi suất huy động từ 0,1-0,4% và tung ra các chương trình khuyến mãi để hút khách hàng gửi tiền. Đơn cử tại VPBank, lãi suất niêm yết cho các gói huy động đã là 7,5-7,6%/năm. Các ngân hàng khác như Nam A Bank, NCB, Eximbank, OCB... hiện công bố mức lãi suất huy động kỳ hạn dài cao nhất lên đến 7,9-8%/năm.
Còn tại ABBank thì không chỉ triển khai nhiều gói quà tặng hấp dẫn mà còn tăng lãi suất gửi tiền tiết kiệm để thu hút khách hàng. Lãnh đạo ngân hàng này cho biết, cuối năm là mùa cao điểm đón dòng vốn nên các ngân hàng phải tăng lãi suất huy động. Theo đó, nếu gửi tiền ở thời điểm này tại ABBank, khách hàng không chỉ hưởng lãi suất cao mà còn nhận được nhiều quà tặng có giá trị từ các chương trình ưu đãi, khuyến mãi kèm theo.
Ông Phạm Toàn Vượng, Phó Tổng giám đốc Agribank cũng cho hay, tăng lãi suất huy động là tín hiệu từ thị trường, hoàn toàn do thị trường điều tiết nhưng vẫn có sự giám sát của Ngân hàng Nhà nước để đảm bảo thị trường ổn định, hoạt động theo những chỉ tiêu đặt ra.
Cũng theo ông Vượng, hiện thanh khoản của các ngân hàng vẫn tương đối tốt, thậm chí là thừa vốn, nhưng các ngân hàng vẫn phải tăng nhẹ lãi suất huy động để cạnh tranh, giữ khách hàng. Đối với các tổ chức tín dụng nhỏ, lãi suất huy động tăng cuối năm còn nhằm đảm bảo các chỉ tiêu theo tỉ lệ an toàn mà Ngân hàng Nhà nước quy định.
Việc các ngân hàng tăng lãi suất trong thời gian qua, theo các chuyên gia tài chính ngân hàng, các ngân hàng đã tăng tốc tín dụng ngay từ những tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng hiện đã vượt quá nửa so với chỉ tiêu đưa ra ban đầu ở mức 18%. Chỉ tiêu này lại vừa được nới lên 21%-22%, nên các ngân hàng phải cần vốn để bơm ra thị trường. Và khi cần vốn thì các ngân hàng phải tăng lãi suất huy động.
Lãi suất để thị trường quyết định
Lãi suất huy động tăng, nhưng mức giảm lãi suất cho vay của ngân hàng vẫn duy trì ổn định sau đợt giảm lãi suất điều hành của ngân hàng cho thấy nỗ lực của các ngân hàng rất lớn.
Theo các chuyên gia của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, từ nay đến cuối năm vẫn còn những yếu tố hỗ trợ để giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Các chuyên gia của cơ quan này đưa ra dẫn chứng như áp lực từ phía tỷ giá không quá lớn do chỉ số Dollar Index đã giảm khá mạnh; lạm phát nhiều khả năng trong tầm kiểm soát (dưới 4%); việc phát hành trái phiếu Chính phủ các tháng cuối năm chỉ còn chưa tới 20% kế hoạch, lợi suất trái phiếu Chính phủ các kỳ hạn vẫn thấp hơn khoảng khoảng 1-1,5 điểm % so với đầu năm 2017, tạo điều kiện hỗ trợ lãi suất. Cuối cùng là yếu tố hỗ trợ từ phía cơ chế, pháp lý về xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 của Quốc hội.
Tuy nhiên, trong báo cáo của một số tổ chức quốc tế gần đây khuyến nghị Việt Nam thận trọng trong chính sách lãi suất, tín dụng tránh tạo áp lực tăng nhanh lạm phát trong năm tới.
Mặc dù ủng hộ chủ trương giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp cũng như nền kinh tế nhưng tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu lưu ý không thể giúp bằng cách giảm lãi suất bằng mọi cách để đẩy vốn cho doanh nghiệp vay. Với cách này còn gây hiệu ứng ngược.
Mặt khác, ông Hiếu cũng khá lo ngại việc đặt ra nhiều nhiệm vụ cho một cơ quan thì khó có thể đáp ứng hết được một yêu cầu. Đơn cử như Chính phủ vẫn phải tăng phát hành trái phiếu Chính phủ với mức lãi suất tốt mới có thể huy động thành công vốn bù đắp ngân sách. Lãi suất trái phiếu Chính phủ vẫn còn ở mức cao trong khi đây lại là mức lãi suất tham chiếu cho mặt bằng lãi suất ngân hàng.
Đồng quan điểm, tiến sỹ Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng CIEM cho rằng, thời gian qua Ngân hàng Nhà nước đã phải làm rất nhiều việc từ cân đối nguồn vốn cho nền kinh tế, thực hiện các gói hỗ trợ, cải tổ hệ thống, khả năng có được kéo dãn thời gian sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn vẫn còn bỏ ngỏ… Khó khăn như vậy, nhưng các ngân hàng đã nỗ lực giảm lãi suất cho vay ngắn hạn từ mức 6,9%/năm của quý 2 xuống còn 6-6,5%/năm đối với các lĩnh vực ưu tiên, giảm 0,5-1%/năm đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Thậm chí lãi suất cho vay trung dài hạn các lĩnh vực ưu tiên được giảm từ 9-10%/năm xuống còn 8%/năm.
“Không nên có sự can thiệp nào tạo sức ép giảm lãi suất mà để tự thị trường điều chỉnh nếu không sẽ gây méo hoạt động của thị trường. Lãi suất là giá cả hàng hóa và được quyết định theo cung cầu thị trường. Theo tôi, mức lãi suất như hiện nay là phù hợp và nên tiếp tục được duy trì,” tiến sỹ Võ Trí Thành bày tỏ quan điểm.
Chuyên gia Vũ Đình Ánh cũng khẳng định, thời điểm này khi mục tiêu tăng trưởng GDP trong tầm tay, tín dụng không phải tăng cao thì không cần thiết phải giảm lãi suất./.