Áp lực tỷ giá trước động thái của Fed

Nhiều khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chưa tăng lãi suất trong tháng 6, nhưng khó loại trừ việc điều chỉnh trong những tháng tiếp theo. Vì thế, áp lực tỷ giá vẫn đeo đẳng.
Áp lực tỷ giá trước động thái của Fed

Nhóm phân tích của Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cho biết, Chỉ số Dollar Index đo lường sức mạnh của USD so với một rổ tiền tệ chủ chốt cuối tuần qua tiếp tục đi xuống và chạm đáy 1 tháng. Hiện tại, gần như tất cả ý kiến khảo sát đều cho rằng, Fed sẽ giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp diễn ra vào các ngày 14 - 15/6, trong khi tỷ lệ dự đoán việc tăng lãi suất trong tháng 7 đã giảm đi khá nhiều.

Giới phân tích nhận định, Fed nhiều khả năng sẽ phải chờ đợi kết quả trưng cầu dân ý tại Anh vào ngày 23/6 cũng như một báo cáo việc làm nữa của Mỹ mới có thể phát đi tín hiệu rõ ràng hơn về thời điểm nâng lãi suất của cơ quan này. Tuy nhiên, nhiều phân tích cho thấy, việc Fed tăng tiếp lãi suất USD trong năm nay là điều khó tránh.

Chuyên gia tài chính Huỳnh Trung Minh cho rằng, việc Fed tăng lãi suất chỉ là chuyện sớm hay muộn trong năm nay. Lý do là, thông điệp này đã được Fed đưa ra từ đầu năm và việc thực hiện căn cứ vào tình hình thị trường. Theo ông Minh, động thái này không chỉ tạo áp lực lên tỷ giá, mà tác động đến cả lãi suất tiết kiệm.

Nội dung báo cáo kinh tế vĩ mô tháng 5 vừa được Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đưa ra cũng cho hay, trong 5 tháng đầu năm 2016, kinh tế Mỹ tiếp tục đà tăng trưởng, khi chỉ số tiêu dùng và sản lượng công nghiệp tăng ổn định, thị trường lao động tiếp tục có những cải thiện rõ nét, tỷ lệ thất nghiệp chỉ còn 5% trong tháng 4/2016. Doanh số bán lẻ tháng 4/2016 tăng 1,3% so với tháng trước đó - mức tăng cao nhất kể từ tháng 3/2015, sau khi suy giảm trong quý I/2016 (3 tháng đầu năm lần lượt giảm 0,4%, 0,1%, và 0,3% so với tháng trước đó). Trong khi đó, lạm phát trong tháng 4/2016 tăng 1,1% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng cao nhất trong vòng 3 năm qua nhưng vẫn còn xa so với mục tiêu (2%) và dự báo sẽ ổn định trong các tháng còn lại của năm.

Theo Trung tâm Nghiên cứu của BIDV, các số liệu kinh tế tích cực nêu trên là cơ sở để Fed xem xét việc có nâng lãi suất trong tháng 6/2016 hay không.

Tuần qua, tỷ giá trung bình và tỷ giá trung tâm đồng loạt tăng. Giá đồng bạc xanh bên ngoài thị trường đã có lúc chạm mốc 22.500 đồng.

Việc tỷ giá USD tăng liên tiếp trong 2 tuần vừa qua, theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) là do hai nguyên nhân chính.

Thứ nhất, cầu về ngoại hối tăng cao, chủ yếu do một số ngân hàng gia tăng hoạt động kinh doanh ngoại tệ, nhằm tối đa hóa lợi nhuận do lãi suất tiền đồng hiện khá thấp.

Thứ hai, Thông tư 07/2016/TT-NHNN vừa được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành cho phép các doanh nghiệp xuất khẩu được phép vay ngoại tệ trở lại kể từ ngày 1/6/2016, khiến nhu cầu thu mua ngoại tệ nhằm đáp ứng các hợp đồng cho vay của các ngân hàng thương mại gia tăng.

Tuy nhiên, ngay sau khi có hiện tượng USD mạnh lên trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã tiếp tục truyền tải thông điệp sẽ thực hiện đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách tiền tệ để ổn định thị trường ngoại tệ và tỷ giá trong biên độ cho phép. Vì thế, hiện tượng tỷ giá tăng mạnh trong thời gian gần đây được BVSC nhận định chỉ mang tính chất ngắn hạn.

Dự báo USD từ nay đến cuối năm, các chuyên gia BIDV cho rằng, tỷ giá USD sẽ nằm trong biên độ 22.300 - 22.500 đồng/USD, nếu các số liệu kinh tế Mỹ tiếp tục diễn biến lạc quan.

Trong khi đó, ông Huỳnh Trung Khánh, chuyên gia lĩnh vực vàng phân tích, việc Fed sẽ điều chỉnh lãi suất đang tạo lực đẩy tỷ giá VND/USD tăng lên, đồng thời tác động tiêu cực đến giá vàng, bởi giá vàng và ngoại tệ thường diễn biến trái chiều.

Tin cùng chuyên mục