Ba gói thầu xây lắp đường và cầu nối vào cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu được phát hành HSMT từ ngày 19/9/2024, dự kiến đóng thầu vào ngày 8/10/2024. Ảnh minh họa. Nguồn Internet |
Gói thầu thứ nhất là Gói thầu Xây lắp phần đường và cầu vượt nút giao ĐT994 thuộc Dự án Đường nối vào cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (từ nút giao Vũng Vằn đến đường ven biển ĐT994) có giá gói thầu 1.904,967 tỷ đồng. Hai gói thầu còn lại thuộc Dự án Đường nối vào cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (từ Quốc lộ 56 đến nút giao Vũng Vằn) gồm: Gói thầu Xây lắp từ đầu tuyến đến Km3+498 (trụ T74 tuyến cầu cạn) có giá gói thầu 1.952,058 tỷ đồng; Gói thầu Xây lắp từ Km3+498 (trụ T74 tuyến cầu cạn) đến cuối tuyến có giá gói thầu 2.031,788 tỷ đồng.
Các gói thầu do Ban Quản lý dự án chuyên ngành giao thông tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu làm chủ đầu tư, Công ty CP Tư vấn xây dựng Liên Hiệp làm bên mời thầu.
Các ý kiến phản ánh chủ yếu xoay quanh yêu cầu về hợp đồng tương tự từ năm 2021 trở lại đây. Cụ thể, tại Gói thầu Xây lắp phần đường và cầu vượt nút giao ĐT994, HSMT yêu cầu hợp đồng tương tự là công trình có kết cấu nền đường có lớp cấp phối đá dăm loại 1, lớp cấp phối đá dăm gia cố xi măng, xử lý nền đất yếu bằng trụ đất gia cố xi măng; mặt đường bê tông nhựa nóng, cầu có nhịp dầm bê tông cốt thép dự ứng lực lớn hơn 25 m, là công trình giao thông cấp đặc biệt, có giá trị 814 tỷ đồng. Các nhà thầu cho rằng, HSMT gộp tất cả các hạng mục, loại công trình cầu và đường vào trong 1 hợp đồng tương tự là hạn chế sự tham gia của nhà thầu.
Tại 2 gói thầu còn lại, HSMT yêu cầu kinh nghiệm hợp đồng tương tự theo hướng tách các hạng mục cầu và đường riêng biệt: “từ ngày 1/1/2021 đến thời điểm đóng thầu, nhà thầu đã hoàn thành toàn bộ hoặc hoàn thành phần lớn 1 công trình đường giao thông đô thị cấp đặc biệt có mặt đường bê tông nhựa nóng, nền đường có sử dụng lớp cấp phối đá dăm gia cố xi măng; 1 công trình cầu đường bộ trong đô thị cấp III, loại kết cấu có nhịp dầm bê tông cốt thép dự ứng lực lớn hơn 25 m, móng cọc khoan nhồi…”.
Tại 2 gói thầu này, một nhà thầu đề nghị làm rõ về quy định “loại công trình: đường giao thông đô thị, cấp: đặc biệt”. Theo nhà thầu, phần đường giao thông tuyến chính của Dự án Đường nối vào cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (từ Quốc lộ 56 đến nút giao Vũng Vằn) được thiết kế theo tiêu chuẩn đường trong đô thị với vận tốc 100 km/h, có chiều dài tuyến chính 840 m. Theo quy định tại Khoản 1.4.1 Bảng 1.4 Thông tư 06/2021/TT-BXD, đối với đường trong đô thị có chiều dài từ 1.000 m trở xuống, sau khi xác định cấp công trình theo bảng này thì hạ xuống 1 cấp nhưng không thấp hơn cấp IV… Do đó, nhà thầu cho rằng cấp đường tuyến chính của Dự án là cấp 1. Ngoài ra, Phụ lục 1 và Phụ lục 2 của Thông tư 06/2021/TT-BXD không có quy định về loại và cấp công trình “cầu đường bộ trong đô thị, cấp III”. Mặt khác, với yêu cầu hợp đồng tương tự từ năm 2021 trở lại đây thì cả nước chỉ có 1 - 2 công trình đường giao thông đô thị cấp đặc biệt. Việc HSMT đưa ra những yêu cầu nêu trên có thể gây hạn chế cạnh tranh.
Thống kê của phóng viên cho thấy, tính đến chiều ngày 27/9/2024, Gói thầu Xây lắp phần đường và cầu vượt nút giao ĐT994 có 6 lượt ý kiến đề nghị làm rõ HSMT; Gói thầu Xây lắp từ đầu tuyến đến Km3+498 (trụ T74 tuyến cầu cạn) có 6 lượt ý kiến đề nghị làm rõ HSMT; Gói thầu Xây lắp từ Km3+498 (trụ T74 tuyến cầu cạn) đến cuối tuyến có 12 lượt ý kiến đề làm rõ HSMT. Tuy nhiên, hiện Bên mời thầu, Chủ đầu tư chưa có phản hồi.
Trao đổi với phóng viên, 1 cán bộ của Chủ đầu tư cho biết đang tập hợp các ý kiến của nhà thầu để làm rõ trong một văn bản tổng thể.
Còn theo đại diện Bên mời thầu, các công trình đang mời thầu là đường giao thông cấp đặc biệt, có đoạn đi qua đô thị. Vì vậy, HSMT đưa ra yêu cầu công trình tương tự là đường giao thông đô thị cấp đặc biệt. Tổ chuyên gia, Bên mời thầu và Chủ đầu tư đang phối hợp để sớm có văn bản giải đáp cho các nhà thầu.
Một cán bộ của Bộ Giao thông vận tải đánh giá, về cơ bản, hàng chục nhà thầu lớn của Việt Nam đã tham gia làm đường cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020, giai đoạn 2021 - 2025 đều có đủ năng lực thực hiện 3 gói thầu nêu trên.
Tuy nhiên, theo ông Lê Văn Tăng, chuyên gia về đấu thầu, để chuẩn bị hồ sơ dự thầu cho các gói thầu có quy mô nghìn tỷ, nhà thầu phải “chạy đua” với thời gian. Việc chậm làm rõ HSMT sẽ gây khó khăn cho nhà thầu có ý định dự thầu.