Năm 2015, Tổng công ty Xây dựng Bạch Đằng bị Bộ GTVT đánh giá là “chưa đáp ứng yêu cầu”, sau đó Bộ này có văn bản điều chỉnh đánh giá sang mức độ “trung bình”. Ảnh: Tuấn Dũng st |
Nhà thầu duy nhất “lọt” qua đánh giá về kỹ thuật
Gói thầu ICB/04: “Xây dựng mạng lưới thu gom nước thải sinh hoạt và các trạm bơm tại thành phố Thủ Dầu Một” thuộc Dự án Cải thiện môi trường nước Nam Bình Dương – giai đoạn 2 do Ban QLDA cải thiện môi trường nước Nam Bình Dương mời thầu. Gói thầu này sử dụng vốn ODA Nhật Bản và vốn đối ứng từ ngân sách tỉnh Bình Dương, lựa chọn nhà thầu theo hình thức đấu thầu rộng rãi quốc tế, phương thức 1 giai đoạn 2 túi hồ sơ.
Theo nội dung Quyết định số 25/QĐ-CPN-MT ngày 9/1/2017 phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu trên của Công ty CP Nước - Môi trường Bình Dương, giá trúng thầu của TCT Bạch Đằng là 142.022.887 Yên Nhật và gần 922.304 triệu đồng, tổng tương đương 4.390.899.470 Yên Nhật hoặc gần 953.133 triệu đồng (đã bao gồm dự phòng). Thời gian thực hiện hợp đồng là 26 tháng, hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh.
Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu ngày 28/2/2017, đại diện Ban QLDA cải thiện môi trường nước Nam Bình Dương cho biết, quá trình mời thầu rộng rãi quốc tế gói thầu trên đã có 5 nhà thầu tham gia đấu thầu. Tuy nhiên, ở vòng đánh giá đề xuất kỹ thuật chỉ có TCT Bạch Đằng đáp ứng yêu cầu. Sau đó, duy nhất nhà thầu này được mở đề xuất tài chính và đã trúng gói thầu trên; 4 nhà thầu khác tham gia đấu thầu nhưng bị loại ở vòng đánh giá đề xuất kỹ thuật.
Cụ thể, 2 nhà thầu là Liên danh Hùng Vương - Công ty Phát triển Kỹ thuật Xây dựng và Tổng công ty Xây dựng số 1 – TNHH MTV (CC1) bị loại ở vòng đánh giá đề xuất kỹ thuật vì năng lực không đáp ứng được yêu cầu của hồ sơ mời thầu - HSMT (không đáp ứng được kinh nghiệm xây dựng cụ thể). Tổng công ty Đầu tư nước và Môi trường Việt Nam (VIWASEEN) cũng bị loại ở vòng đánh giá đề xuất kỹ thuật vì tình hình tài chính không đáp ứng yêu cầu. Còn Liên danh UDIC - HUD1 bị loại vì không đáp ứng yêu cầu công việc theo các quy định về yêu cầu kỹ thuật của HSMT.
Sau khi có kết quả chấm hồ sơ đề xuất kỹ thuật, Chủ đầu tư đã thông báo kết quả đánh giá tới các nhà thầu tham gia. Chủ đầu tư cũng đã trả lại nguyên trạng niêm phong hồ sơ đề xuất tài chính của 4 nhà thầu không “lọt” qua vòng đánh giá đề xuất kỹ thuật. Quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu cho gói thầu trên, Chủ đầu tư không nhận được bất kỳ nội dung khiếu nại/kiến nghị nào từ phía các nhà thầu.
Giảm khoảng 138 tỷ đồng qua đấu thầu
Ban QLDA cải thiện môi trường nước Nam Bình Dương cho biết, giá Gói thầu là 197.231.240 Yên Nhật và hơn 1.048 tỷ đồng (đã bao gồm dự phòng). So với giá gói thầu, giá trúng thầu của TCT Bạch Đằng (quy về mặt bằng tiền Việt Nam là hơn 953 tỷ đồng) đã giảm 138 tỷ đồng, đạt tỷ lệ tiết kiệm khoảng 13%.
Cán bộ phụ trách công tác đấu thầu Gói thầu ICB/04 của Chủ đầu tư cho biết, hiện tại, Chủ đầu tư và nhà thầu trúng thầu TCT Bạch Đằng đã hoàn thành việc thương thảo và ký hợp đồng gói thầu trên, đang gấp rút làm các thủ tục tiếp theo để có thể sớm khởi công công trình xây dựng mạng lưới thu gom nước thải sinh hoạt và các trạm bơm tại thành phố Thủ Dầu Một. Theo nội dung Hiệp định vay vốn với nhà tài trợ, Dự án Cải thiện môi trường nước Nam Bình Dương – giai đoạn 2 sẽ cơ bản hoàn thành vào cuối năm 2018. Dự án này có tổng mức đầu tư khoảng 6.000 tỷ đồng với 6 gói thầu lớn. Hiện tại, Chủ đầu tư đã hoàn tất việc lựa chọn nhà thầu đối với 5 trong số 6 gói thầu lớn, 1 gói thầu đang được Chủ đầu tư tiến hành đánh giá hồ sơ để lựa chọn nhà thầu trúng thầu.
Ông Bùi Văn Giang, Trưởng phòng Quản lý dự án của TCT Bạch Đằng cho biết, năm 2015, TCT Bạch Đằng bị Bộ GTVT đánh giá là “chưa đáp ứng yêu cầu”, sau đó Bộ này cũng đã có văn bản điều chỉnh đánh giá sang mức độ “trung bình”. Bản thân TCT Bạch Đằng không có ý kiến gì về vấn đề này vì đây là “lỗi” hệ thống và là câu chuyện “quá khứ”.