Bản tin thời sự sáng 20/12

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là giá vàng miếng SJC lên sát 75 triệu đồng; Bộ Công Thương giục các địa phương gỡ vướng cho điện khí LNG; giá thép tiếp tục tăng cuối năm; năm 2023, gần 11.000 công chức, viên chức nghỉ việc, thôi việc…

Giá vàng miếng SJC lên sát 75 triệu đồng

Mỗi lượng vàng miếng SJC tăng hơn nửa triệu đồng trong ngày 19/12, lên mức cao nhất lịch sử gần 75 triệu đồng.

Giá vàng miếng SJC lên sát 75 triệu đồng

Giá vàng miếng SJC lên sát 75 triệu đồng

Ngày 19/12, các thương hiệu kinh doanh đồng loạt tăng mạnh giá vàng miếng thêm vài trăm nghìn một lượng.

Khoảng 10h45, mỗi lượng vàng miếng được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) tăng 200.000 đồng ở chiều mua, lên 73,6 triệu đồng một lượng. Các thương hiệu khác như DOJI hay PNJ cũng nâng giá chiều mua lên kỷ lục 73,5 triệu đồng một lượng.

Ở chiều bán ra, mỗi lượng vàng miếng được SJC yết giá 74,6 triệu đồng, cao hơn đỉnh cũ 100.000 - 200.000 đồng. Các thương hiệu khác như DOJI hay PNJ cũng neo quanh mức này, ngang ngửa mức kỷ lục cách đây gần một tháng.

Đến 15h30, giá vàng miếng tăng thêm 300.000 đồng mỗi lượng so với buổi sáng, áp sát 75 triệu đồng. Cụ thể, SJC yết giá vàng miếng 73,9 - 74,9 triệu đồng; DOJI để giá tương tự, mua vào 73,85 - 74,9 triệu đồng. Như vậy nếu so với đầu ngày, mỗi lượng tăng hơn nửa triệu đồng. Còn so với đầu năm, mỗi lượng vàng miếng đã tăng gần 8 triệu đồng, tương ứng mức tăng gần 12% một năm.

Vàng miếng, theo giới buôn, chủ yếu được giao dịch tại hệ thống của SJC trong khi nữ trang là mặt hàng được mua bán nhiều nhất tại các nhà vàng khác.

Sự đi lên của giá vàng trong nước cũng đồng thuận với thế giới. Mở cửa phiên đầu tuần, giá vàng quốc tế có lúc tăng gần 15 USD lên 2.032 USD một ounce, trước khi hạ về 2.022 USD. Nếu quy đổi theo tỷ giá bán Vietcombank, giá vàng thế giới tương đương 59,8 triệu đồng một lượng, thấp hơn vàng nhẫn trong nước 2,2 triệu và kém vàng miếng 14,8 triệu đồng.

Kim loại quý được hưởng lợi sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) thông báo giữ nguyên lãi suất lần thứ ba liên tiếp, đồng thời dự kiến lãi suất cuối năm tới sẽ thấp hơn hiện tại.

Bộ Công Thương giục các địa phương gỡ vướng cho điện khí LNG

Trước việc nhiều dự án LNG đã triển khai, chuẩn bị đầu tư vướng về quy hoạch, thủ tục, Bộ Công Thương đề nghị các địa phương sớm tháo gỡ.

Bộ Công Thương giục các địa phương gỡ vướng cho điện khí LNG. Ảnh minh họa

Bộ Công Thương giục các địa phương gỡ vướng cho điện khí LNG. Ảnh minh họa

Theo Quy hoạch điện VIII, đến năm 2030, nguồn nhiệt điện khí phải đầu tư mới trên 30.420 MW, trong đó 75% là điện khí LNG (22.824 MW). Tới 2030 sẽ có 13 dự án điện khí LNG được phát triển, song hiện mới có một dự án là Nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và 4, tổng công suất 1.500 MW đang thi công, dự kiến vận hành cuối năm sau và giữa năm 2025. Như vậy, để đạt mục tiêu tại Quy hoạch điện VIII, Việt Nam cần phát triển khoảng 22.500 MW điện khí trong 7 năm tới.

Tuy nhiên, việc phát triển loại nguồn điện này gặp nhiều thách thức khi đầu tư, triển khai các dự án. Chẳng hạn, Dự án Nhà máy Nhơn Trạch 3 và 4 gặp vướng mắc liên quan giải phóng mặt bằng các tuyến đường dây đấu nối để giải tỏa công suất; giải phóng mặt bằng và hợp đồng thuê đất của dự án do địa phương chưa xác nhận hoàn thành công tác bồi thường với Tổng công ty Tín Nghĩa.

Hay Dự án Nhà máy Điện LNG Hiệp Phước giai đoạn 1 vướng do UBND TP.HCM chưa cho lập các đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000, quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu đất Dự án và điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư Dự án.

Tương tự, Dự án LNG Hải Lăng (Quảng Trị) gặp khó khăn vì liên quan đến điều chỉnh quy hoạch Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, quy hoạch 1/500 của Dự án. Còn Dự án LNG Quảng Ninh vướng mắc liên quan tới các thủ tục điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch 1/500 Dự án.

Trước những khó khăn từ phía địa phương, Bộ Công Thương đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tạo điều kiện và kịp thời giải quyết các vướng mắc theo thẩm quyền để các nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án LNG.

Bộ này cũng đề nghị các địa phương đôn đốc, giám sát các chủ đầu tư thực hiện dự án đúng tiến độ, và xử lý nghiêm dự án chậm theo quy định về đầu tư. Với dự án chưa có chủ đầu tư, các tỉnh cần sớm hoàn thiện điều kiện, thủ tục cần thiết để chọn chủ đầu tư đủ năng lực, kinh nghiệm thực hiện dự án.

Giá thép tiếp tục tăng cuối năm

Mỗi tấn thép tăng khoảng 200.000 đồng vào dịp cao điểm xây dựng cuối năm và là đợt tăng thứ tư liên tiếp trong một tháng qua.

Mỗi tấn thép tăng khoảng 200.000 đồng vào dịp cao điểm xây dựng cuối năm

Mỗi tấn thép tăng khoảng 200.000 đồng vào dịp cao điểm xây dựng cuối năm

Mới đây, Hòa Phát thông báo nâng giá hai loại thép xây dựng thêm 200.000 đồng một tấn. Cụ thể, thép cuộn CB240 hiện có giá 13,94 triệu đồng một tấn, thép thanh vằn D10 CB300 cao hơn, ở mức 14,24 triệu đồng một tấn. Các doanh nghiệp khác như Việt Ý, Việt Đức, Kyoei... cũng áp dụng mức tăng 150.000 - 200.000 đồng cho mỗi tấn thép. Riêng Pomina nâng giá mạnh hơn đến 340.000 đồng ở loại D10 CB300.

Như vậy, giá vật liệu này đã tăng 4 lần liên tiếp trong khoảng một tháng qua với mức tăng lũy kế hơn 300.000 - 500.000 đồng mỗi tấn. Đợt điều chỉnh giá bắt đầu từ cuối tháng 11 khi các hãng cộng thêm 150.000 đồng mỗi tấn. Đó là lần đầu thép tăng giá sau gần 3 tháng đứng yên. Tuy nhiên, mặt bằng giá cả loại vật liệu này cũng chỉ ngang mức tháng 7 năm nay và tiệm cận tháng 8/2022, tức vẫn nằm trong vùng giá thấp của khoảng 3 năm gần đây.

Giá thép tăng liên tục khi thị trường đang vào mùa cao điểm xây dựng cuối năm. Tuy các dự án bất động sản dân cư vẫn còn đình trệ, thói quen xây và sửa chữa nhà ở của người dân giúp ngành xây dựng ấm dần lên. Thêm vào đó, các công trình công cộng cũng được gấp rút triển khai để kịp hoàn thành trước năm mới.

Theo báo cáo mới đây, tháng 11/2023, Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSteel - TVN) đạt sản lượng bán hàng trên 324.300 tấn, tăng 53% so với tháng trước và tăng 36% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thép xây dựng đóng góp trên 235.600 tấn, lần lượt tăng 62% và 19%.

Số liệu từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cũng cho thấy thị trường đang ấm dần lên. Bán hàng thép các loại trong tháng 11/2023 đạt hơn 2,5 triệu tấn, tăng 13% so với tháng trước và tăng 30% so với cùng kỳ 2022. Đây là tháng thứ ba liên tiếp, tiêu thụ thép trên toàn thị trường được cải thiện.

Năm 2023, gần 11.000 công chức, viên chức nghỉ việc, thôi việc

Trong năm 2023 có 10.880 công chức, viên chức xin nghỉ việc, thôi việc, trong đó số người nghỉ ở Trung ương là 983 người, ở địa phương là 9.897 người.

Người dân thực hiện thủ tục hành chính ở Hà Nội

Người dân thực hiện thủ tục hành chính ở Hà Nội

Bộ Nội vụ vừa có báo cáo về việc quản lý đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Theo đó, trong năm 2023 (từ 1/1 - 15/12/2023), tổng số cán bộ đảng viên, công chức, viên chức bị kỷ luật là 17.808 người; số lượng cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, thôi việc là 10.880 người. Trong đó, ở Trung ương là 983 người (110 công chức, 873 viên chức), ở địa phương là 9.897 người (866 công chức, 9.031 viên chức).

Cũng theo Bộ Nội vụ, trong năm 2023 đã tập trung nghiên cứu, rà soát, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý cán bộ, công chức, viên chức.

Trong đó có nhiều nội dung đổi mới cơ chế quản lý cán bộ, công chức, viên chức, đẩy mạnh phân cấp và cải cách thủ tục hành chính trong các khâu tuyển dụng, nâng ngạch công chức, xét thăng hạng viên chức, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, đánh giá, kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ, liên thông giữa các quy định của Đảng và yêu cầu thực tiễn đổi mới công vụ, công chức; tiếp tục hoàn thiện quy định, cơ chế để sàng lọc, thay thế kịp thời những người thiếu trách nhiệm, năng lực hạn chế…

3.200 tỷ đồng xây đường ven biển đảo Phú Quốc

Đường ven biển phía Tây Phú Quốc dài 4 km từ sông Dương Đông đến xã Cửa Cạn, gồm 6 làn xe, kè chắn sóng, hình thành bãi tắm công cộng phục vụ du khách.

Toàn cảnh thành phố Phú Quốc

Toàn cảnh thành phố Phú Quốc

Chủ trương đầu tư tuyến đường được HĐND tỉnh Kiên Giang thông qua tại Kỳ họp thứ 19 mới đây, với mục tiêu chỉnh trang đô thị, kết nối phía Nam và phía Bắc sông Dương Đông, tạo các khu dân cư, dịch vụ, thương mại ở đảo.

Đường ven biển gồm 6 làn xe, điểm đầu giáp sông Dương Đông, điểm cuối giao đường ĐT 975B. Dự án sẽ làm đồng bộ các hạng mục gồm: hệ thống thoát nước mưa, nước thải, chiếu sáng, vỉa hè, cây xanh, nút giao, kè chắn sóng, hệ thống an toàn giao thông. Thời gian thực hiện Dự án trong giai đoạn 2024 - 2029.

Đảo Phú Quốc cách TP. Rạch Giá 120 km về phía Đông, cách TP. Hà Tiên 45 km về phía Tây, thu hút du khách. Theo Sở Du lịch Kiên Giang, 11 tháng đầu năm nay, thành phố biển đón 5,4 triệu lượt khách (512.000 khách quốc tế), tăng 14% so với cùng kỳ, doanh thu gần 14.000 tỷ đồng.

Có thế mạnh về tài nguyên biển, đảo phong phú nhưng Phú Quốc thiếu hệ thống hạ tầng, nhất là tuyến đường ven biển, bãi tắm công cộng gần trung tâm thị trấn Dương Đông.

VISecurities bị phạt vì báo cáo sai về tỷ lệ an toàn tài chính

Công ty CP Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VISecurities) vừa bị xử phạt hàng trăm triệu đồng do báo cáo thông tin sai và sử dụng nhân viên chưa có chứng chỉ hành nghề.

VISecurities bị phạt vì báo cáo sai về tỷ lệ an toàn tài chính

VISecurities bị phạt vì báo cáo sai về tỷ lệ an toàn tài chính

Mới đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành Quyết định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với VISecurities.

Cụ thể, VISecurities bị phạt tiền 175 triệu đồng đối với hành vi vi phạm hành chính do báo cáo có nội dung sai lệch. Trong thời kỳ kiểm tra, Chứng khoán Quốc tế Việt Nam đã báo cáo có nội dung sai lệch về tỷ lệ an toàn tài chính tại các thời điểm 30/6/2021, 31/12/2021, 30/6/2022, 31/12/2022 và 30/6/2023.

Về biện pháp khắc phục hậu quả, VISecurities bị buộc báo cáo thông tin chính xác theo quy định.

Đồng thời, Công ty còn bị phạt tiền 60 triệu đồng do bố trí người chưa có chứng chỉ hành nghề chứng khoán thực hiện nghiệp vụ, vị trí mà theo quy định pháp luật phải có chứng chỉ hành nghề chứng khoán.

Chứng khoán Quốc tế Việt Nam đã bố trí nhân viên là bà Nguyễn Ngọc Phương Trâm chưa có chứng chỉ hành nghề chứng khoán làm việc tại vị trí nhân viên mở tài khoản giao dịch chứng khoán, đã ký Hợp đồng mở tài khoản giao dịch chứng khoán số tài khoản 020C127676.

Như vậy, tổng số tiền VISecurities bị phạt là 235 triệu đồng.

Phí dịch vụ thoát nước tại TP.HCM tăng 5%

Phí dịch vụ thoát nước năm 2024 tại TP.HCM tăng từ 20% lên 25% trên hóa đơn, đồng nghĩa người dân xài 100.000 đồng nước sạch cần trả thêm phí 25.000 đồng.

Công nhân kiểm tra hệ thống cấp nước ở nhà máy nước Thủ Đức

Công nhân kiểm tra hệ thống cấp nước ở nhà máy nước Thủ Đức

Theo Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV (Sawaco), phí dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải ở Thành phố áp dụng từ đầu năm tới sẽ tăng 5% so với hiện nay, từ 20% lên 25% trên đơn giá cấp nước. Việc tăng phí dịch vụ này nhằm thực hiện theo lộ trình mỗi năm thêm 5% của TP.HCM, trong giai đoạn 2022 - 2025.

Khoản tiền trên được Sawaco thu hộ, thông qua khối lượng nước sạch tiêu thụ hàng tháng của người dân ghi trên hoá đơn. Điều này đồng nghĩa khi sử dụng 100.000 đồng nước sạch, người dân cần đóng thêm 25% phí thoát nước và xử lý nước thải, tương đương 25.000 đồng.

Ngoài ra, trong phí dịch vụ này sẽ tính thêm thuế giá trị gia tăng (VAT) với mức 8% trong 6 tháng đầu năm 2024 và tăng lên 10% vào 6 tháng cuối năm.

Trước đó, từ ngày 15/11/2019, giá bán nước sạch ở Thành phố giai đoạn 2019 - 2022 đã tăng trung bình 5 - 7% mỗi năm, sau đề xuất của Sawaco.

Hiện, giá nước sạch ở TP.HCM theo định mức thấp nhất cho hộ gia đình sử dụng 4 m3 mỗi người mỗi tháng là 6.700 đồng/m3, định mức 4 - 6 m3 là 12.900 đồng/m3; từ 6 m3 trở lên là 14.900 đồng/m3. Đối với cơ quan hành chính sự nghiệp, đoàn thể, giá 13.000 đồng/m3; đơn vị sản xuất giá 12.100 đồng/m3; đơn vị kinh doanh, dịch vụ giá 21.300 đồng/m3.

Chủ tịch liên đoàn lao động ở Hòa Bình bị bắt

Ông Bùi Văn Lích, Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Lạc Sơn, bị bắt với cáo buộc "ăn gian tiền phí xe ra vào bến xe khách" khi là Trưởng phòng kinh tế Huyện.

Ông Bùi Văn Lích tại cơ quan điều tra

Ông Bùi Văn Lích tại cơ quan điều tra

Ngày 19/12, ông Lích bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hòa Bình khởi tố, tạm giam để điều tra về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Nhà chức trách cáo buộc khi giữ cương vị Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Lạc Sơn, ông Lích đã chỉ đạo thủ quỹ nộp không đầy đủ vào Kho bạc tiền phí xe ra vào bến xe khách huyện Lạc Sơn. Ông Lích còn bị cáo buộc chi tiêu không đúng quy định, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước. Số tiền cụ thể chưa được công bố.

Ông Lích nhiều năm công tác tại Lạc Sơn, tháng 8/2022 được bầu làm Chủ tịch Liên đoàn Lao động Huyện.