Bản tin thời sự sáng 21/6

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là giá xăng ngày 21/6 có thể tăng tiếp; có dấu hiệu vi phạm khi mua sinh phẩm của Việt Á ở Đà Nẵng; Việt Nam giành lại toàn bộ lô hạt điều bị mất kiểm soát; đề xuất Cục Đường bộ cao tốc quản lý hơn 1.000 km đường; Quảng Ngãi chi 400 tỷ đồng xây kè sông Trà Khúc…

Giá xăng ngày 21/6 có thể tăng tiếp

Nếu không dùng Quỹ bình ổn, giá xăng trong nước ngày 21/6 có thể vẫn tăng 200 - 400 đồng một lít, trong bối cảnh ý tưởng giảm thuế để kìm giá vẫn đang ở giai đoạn đề xuất.

Giá xăng trong nước ngày 21/6 có thể vẫn tăng 200 - 400 đồng một lít

Giá xăng trong nước ngày 21/6 có thể vẫn tăng 200 - 400 đồng một lít

Theo dữ liệu từ Bộ Công Thương, giá xăng bình quân trên thị trường Singapore đến ngày 15/6 tiếp tục xu hướng tăng, với RON 92 giá là 151,6 USD một thùng, còn RON 95 là 158,1 USD một thùng. Giá dầu liên tục lập đỉnh mới lên tới trên 172 USD một thùng.

Giá dầu thế giới tăng khá mạnh trong tuần nhưng các phiên 16 - 18/6 lại liên tục giảm mạnh nhất trong 4 tuần qua. Giá dầu thô Brent giao tháng 8 đã giảm 6,69 USD, tương đương 5,58%, xuống 113,12 USD một thùng; trong khi dầu thô WTI của Mỹ giao tháng 7 giảm 8,03 USD, tương đương 6,83%, xuống còn 109,6 USD một thùng.

Do đó, theo lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối xăng dầu ở TP.HCM, giá xăng có thể tăng 200 - 400 đồng nếu không sử dụng Quỹ bình ổn, còn dầu tăng 400 - 600 đồng một lít. Ngược lại, nếu nhà điều hành dùng Quỹ bình ổn, giá có thể đứng yên.

Bộ Tài chính vừa đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng từ 2.000 đồng về 1.000 đồng - đây là mức thấp nhất trong khung thuế bảo vệ môi trường. Như vậy, khi tới tay người dùng, giá xăng sẽ giảm tương ứng 1.100 đồng mỗi lít (đã gồm VAT).

Tuy nhiên, nếu đề xuất này được thông qua, thuế môi trường với xăng chỉ có thể giảm từ đầu tháng 8 khi Nghị quyết đề xuất này có hiệu lực. Như vậy, giá xăng ở vài kỳ hành tới vẫn chưa thể hạ nhiệt nếu giá quốc tế không giảm đáng kể.

Trong nước, tại kỳ điều hành ngày 13/6, mỗi lít xăng tăng 800 - 880 đồng còn dầu tăng hơn 2.000 đồng và thiết lập mức cao nhất từ trước đến nay. Xăng E5 RON 92 là 31.110 đồng một lít; RON 95-III lên mức 32.370 đồng một lít. Dầu hỏa lên mức giá 27.830 đồng một lít, dầu diesel lên 29.020 đồng một lít...

Có dấu hiệu vi phạm khi mua sinh phẩm của Việt Á ở Đà Nẵng

Lãnh đạo Công an TP. Đà Nẵng cho biết, có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong việc thành phố mua lượng lớn kit test và sinh phẩm của Công ty Việt Á.

Đà Nẵng trải qua nhiều đợt dịch và đã thực hiện nhiều cuộc xét nghiệm toàn dân.

Đà Nẵng trải qua nhiều đợt dịch và đã thực hiện nhiều cuộc xét nghiệm toàn dân.

Thiếu tướng Vũ Xuân Viên, Giám đốc Công an TP. Đà Nẵng cho biết, thời gian qua có nhiều đoàn gồm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra và Công an TP. Đà Nẵng làm rõ những vấn đề liên quan đến đại án Việt Á. Sau khi nhận ủy thác từ Bộ Công an, Công an TP. Đà Nẵng là đầu mối tập trung điều tra, kết luận nội dung liên quan.

Theo Thiếu tướng Vũ Xuân Viên, qua điều tra bước đầu có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật, số lượng kit test, sinh phẩm phòng chống dịch Đà Nẵng mua của Việt Á là 248 tỷ đồng, thuộc top địa phương mua của doanh nghiệp này nhiều nhất.

Công an TP. Đà Nẵng đã chủ động điều tra ngay sau khi Bộ Công an khởi tố vụ án. Tuy nhiên, Công an Thành phố hiện chưa khởi tố vụ án vì cần làm rõ dấu hiệu vụ lợi trong hoạt động đấu thầu; giám định thiệt hại để có kết luận và xử lý đúng người vì liên quan đến nhiều người. Nếu phát hiện dấu hiệu lợi dụng chức vụ quyền hạn hoặc tham ô, công an sẽ kiên quyết xử lý.

Việt Nam giành lại toàn bộ lô hạt điều bị mất kiểm soát

2 container điều cuối cùng trong số 35 container bị mất chứng từ gốc khi xuất sang Italy đã được tòa phán quyết trả lại quyền sở hữu cho doanh nghiệp Việt.

Các container điều được tạm giữ trước đó tại cảng Genoa (Italy).

Các container điều được tạm giữ trước đó tại cảng Genoa (Italy).

Cảnh sát Kinh tế - Tài chính Napoli và Cảnh sát Quân đội cảng Genova đã ra quyết định trả 2 container cuối cùng cho doanh nghiệp Việt Nam.

Trước đó, cuối tháng 5, tòa cũng đã phán quyết trả lại 33/35 container điều bị mất kiểm soát cho doanh nghiệp Việt. Số hàng này đã được đưa về Việt Nam hoặc bán cho đối tác nước ngoài. Như vậy, đến nay toàn bộ 35 container hạt điều bị mất chứng từ gốc đã được trả lại quyền sở hữu cho các doanh nghiệp.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Italy, đây là nỗ lực rất lớn của doanh nghiệp và các cơ quan, ban, ngành cũng như Chính phủ Việt Nam. Trước đó, tại cuộc điện đàm với Thủ tướng Mario Draghi, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề nghị phía Italy hỗ trợ điều tra và xử lý nhanh vụ việc.

35 container mất chứng từ nằm trong số 100 container điều xuất sang Italy trong tháng 2. Vụ việc được phát hiện từ đầu tháng 3 khi 5 doanh nghiệp xuất khẩu nhận thấy nhiều dấu hiệu lừa đảo trong lúc gửi hồ sơ nhờ thu tiền từ ngân hàng Việt Nam đến ngân hàng Thổ Nhĩ Kỳ. Số SWIFT (mã riêng của từng ngân hàng được sử dụng trong các giao dịch liên ngân hàng trên toàn cầu) bị thay đổi nhiều lần. Doanh nghiệp Việt chưa nhận được tiền, còn người mua, bằng cách nào đó, đã lấy được bộ chứng từ gốc.

Trước rủi ro bị lừa đảo, giữa tháng 3, doanh nghiệp xuất khẩu đã gửi đơn cầu cứu tới Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) để nhờ can thiệp. Ngay khi nhận được thông tin và xác minh, Vinacas gửi công văn khẩn tới Thương vụ Việt Nam tại Italy, Bộ Công Thương và Thủ tướng Chính phủ đề nghị nhà chức trách vào cuộc hỗ trợ.

Đề xuất Cục Đường bộ cao tốc quản lý hơn 1.000 km đường

Cục Đường bộ cao tốc nếu được tách ra từ Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ đảm nhận quản lý hơn 1.000 km cao tốc hiện có.

Tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương do Nhà nước đầu tư

Tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương do Nhà nước đầu tư

Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã trình Bộ Giao thông vận tải đề án tách Tổng cục Đường bộ thành Cục Đường bộ Việt Nam và Cục Đường bộ cao tốc Việt Nam. Đề án chỉ nghiên cứu về tổ chức bộ máy, không điều chỉnh các quy định của pháp luật về giao thông - vận tải đường bộ.

Cục Đường bộ cao tốc Việt Nam có khối tham mưu gồm 5 phòng là Tổ chức - Hành chính; Pháp chế - Thanh tra - An toàn; Quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cao tốc; Kế hoạch - Tài chính và Quản lý đầu tư xây dựng. Bên dưới có 3 Chi cục Quản lý đường bộ cao tốc 1, 2, 3 và Trung tâm Điều hành giao thông đường bộ cao tốc (ITS).

Cục sẽ theo dõi, bảo trì, khai thác và quản lý nhà nước trên các tuyến cao tốc hiện có, gồm 209 km do Nhà nước đầu tư; 245 km theo hình thức BOT và khoảng 773 km do địa phương và Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đầu tư.

Cục Đường bộ Việt Nam có khối phòng ban tham mưu tương tự, thêm phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái; Khoa học công nghệ, Môi trường và Hợp tác quốc tế. Bên dưới Cục có 7 chi cục là I, II, III, IV, V, VI và Chi cục Quản lý đầu tư xây dựng đường bộ.

Quảng Ngãi chi 400 tỷ đồng xây kè sông Trà Khúc

Chính quyền Quảng Ngãi quyết định chi 400 tỷ đồng thực hiện hai dự án xây kè dọc sông Trà Khúc để chống xói lở và tạo cảnh quan cho Thành phố.

Sông Trà Khúc qua xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh

Sông Trà Khúc qua xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh

Theo UBND Quảng Ngãi cho biết, cơ quan này đã trình HĐND Tỉnh thông qua việc xây kè chống sạt lở bờ bắc sông Trà Khúc, huyện Sơn Tịnh. Kè dài 4,5 km, vốn 200 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương (chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội), dự kiến triển khai năm 2022 - 2023.

Đây là dự án xây kè thứ hai mà Tỉnh dự kiến thực hiện, nhằm chống sạt lở sông Trà Khúc qua các xã Tịnh Hà, Tịnh Sơn; đảm bảo an toàn cho khoảng 260 hộ dân ven sông, bảo vệ khu trung tâm huyện Sơn Tịnh mới... Thời gian qua, mưa lũ khiến các cánh đồng ven sông Trà Khúc qua hai xã này ngập úng, xói lở, nhà cửa hư hỏng, thiệt hại cho người dân.

Trước đó, Dự án xây kè chống sạt lở và tôn tạo cảnh quan bờ nam sông Trà Khúc ở địa bàn TP. Quảng Ngãi đã được Tỉnh thông qua. Kè dài 1,2 km, vốn đầu tư 200 tỷ đồng, điểm đầu giáp cầu Trà Khúc 1, điểm cuối giáp đường Trường Sa, đi qua bến Tam Thương; triển khai giai đoạn 2022 - 2025.

Trà Khúc là sông lớn nhất Tỉnh, dài 135 km, chảy qua các huyện Sơn Hà, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, TP. Quảng Ngãi.

TP.HCM muốn mở làn riêng cho xe đạp trên xa lộ Hà Nội

Sở Giao thông vận tải TP.HCM dự kiến mở làn đường riêng cho xe đạp, người đi bộ trên xa lộ Hà Nội - trục huyết mạch cửa ngõ phía đông Thành phố.

Xa lộ Hà Nội đoạn qua TP. Thủ Đức. Mảng xanh dọc tuyến sẽ được nghiên cứu mở làn cho xe đap

Xa lộ Hà Nội đoạn qua TP. Thủ Đức. Mảng xanh dọc tuyến sẽ được nghiên cứu mở làn cho xe đap

Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM Trần Quang Lâm vừa giao Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ cùng các đơn vị liên quan nghiên cứu mở làn đường riêng cho xe đạp và người đi bộ trên xa lộ Hà Nội. Các phương án tổ chức phải gửi về sở trong tháng 7 tới.

Động thái trên được đưa ra sau khi Chính phủ có Nghị quyết 48 đảm bảo trật tự an toàn giao thông và chống ùn tắc, trong đó giao TP.HCM nghiên cứu thí điểm làn riêng dành cho xe đạp. Hiện, xe đạp đi chung làn xe máy trên xa lộ.

Khu vực dự tính mở làn riêng cho xe đạp và người đi bộ là phần đất giữa đường chính và song hành của tuyến xa lộ, dài gần 4 km từ cầu Rạch Chiếc đến cầu Sài Gòn, TP. Thủ Đức. Đây cũng là vị trí thuộc Dự án tăng cường mảng xanh dọc xa lộ Hà Nội và Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên).

Xa lộ Hà Nội được đánh giá cảnh quan đẹp, nhiều cây xanh, dọc hai bên có các khu đô thị, trung tâm thương mại... nên việc nghiên cứu mở làn đường riêng cho xe đạp là phù hợp.