Bản tin thời sự sáng 22/5

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là chủ mỏ cát Tịnh An - Nghĩa Dũng tại Quảng Ngãi bất ngờ báo giảm 43% trữ lượng; phê duyệt giá tạm tính cho 15 dự án điện gió, mặt trời chuyển tiếp; công ty điều hành sàn HoSE, HNX lãi hơn 2.000 tỷ đồng; ngày 25/5, xét xử cán bộ công an TP.HCM “chủ mưu” nhập lậu 1.280 container hàng…

Chủ mỏ cát Tịnh An - Nghĩa Dũng tại Quảng Ngãi bất ngờ báo giảm 43% trữ lượng

Chủ mỏ cát Tịnh An - Nghĩa Dũng (Quảng Ngãi) thông báo trữ lượng đã giảm 1,5 triệu m3, trong khi ban đầu được đánh giá khoảng 3,4 triệu m3. Điều này được đánh giá là bất thường.

Xe tải từng xếp hàng chờ mua cát ở xã Nghĩa Dũng, TP. Quảng Ngãi

Xe tải từng xếp hàng chờ mua cát ở xã Nghĩa Dũng, TP. Quảng Ngãi

Theo lãnh đạo Công ty CP Đầu tư Phát triển và Thương mại Bình Minh Miền Trung, kết quả khảo sát thăm dò mỏ cát Tịnh An - Nghĩa Dũng bất ngờ sụt giảm khoảng 43% so với con số 3,4 triệu m3 như đấu giá ban đầu.

Ông Trần Phước Hiền, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, cũng đã phê duyệt trữ lượng sau thăm dò của mỏ cát này đến ngày 27/4 được phép đưa vào thiết kế khai thác chưa đến 2 triệu m3.

Như vậy so với trữ lượng cát dự báo ban đầu mà cơ quan chức năng Quảng Ngãi đưa ra để tổ chức thông báo bán đấu giá giảm gần 1,5 triệu m3.

Việc sụt giảm trữ lượng gần 1,5 triệu m3 (giảm khoảng 43% so với dự báo) sau khi tổ chức thăm dò trúng đấu giá đồng nghĩa với việc doanh nghiệp phải nộp ngân sách nhà nước sẽ giảm xuống cả trăm tỷ đồng.

Theo các chuyên gia, trữ lượng dự báo mỏ khoáng sản trước đấu giá và trữ lượng khi khảo sát, thăm dò ở mỏ Tịnh An - Nghĩa Dũng chênh lệch đến 43% như vậy là quá lớn, bất thường. Thông thường trước khi các doanh nghiệp tham gia đấu giá mỏ cát thì họ đã thuê một số đơn vị đơn vấn khảo sát, đánh giá sơ bộ nên khó có mức chênh lệch lớn như vậy.

Trước đó đầu năm 2023, mỏ cát Tịnh An - Nghĩa Dũng có diện tích 53,4 ha được UBND tỉnh Quảng Ngãi đưa ra đấu giá. Đơn vị trúng đấu giá là Công ty Bình Minh Miền Trung với số tiền hơn 380 tỷ đồng, vượt gần 15 lần so với giá khởi điểm là 25,9 tỷ đồng.

Phê duyệt giá tạm tính cho 15 dự án điện gió, mặt trời chuyển tiếp

Bộ Công Thương vừa phê duyệt giá tạm tính cho 15 nhà máy điện gió, mặt trời chuyển tiếp, công suất 1.200 MW và số này đang hoàn thiện thủ tục, kỹ thuật để phát lên lưới.

Một dự án điện gió tại Ninh Thuận

Một dự án điện gió tại Ninh Thuận

Theo ông Trần Việt Hòa, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), giá tạm tính của các dự án được áp dụng cho tới khi EVN và các chủ đầu tư đạt được thỏa thuận giá chính thức.

"Giá tạm tính các dự án bằng 50% so với khung giá cho các dự án điện tái tạo chuyển tiếp của Bộ Công Thương. 15 dự án này đang hoàn tất hồ sơ để phát điện lên lưới", ông Hòa cho biết.

Theo khung giá điện của Bộ Công Thương, giá mua điện các dự án chuyển tiếp dao động 1.508 - 1.816 đồng một kWh, giá tạm tính của các dự án trên khoảng 754 - 908 đồng một kWh (chưa gồm thuế VAT).

Ông Hòa nói thêm, tuần tới Bộ Công Thương sẽ phê duyệt thêm giá tạm tính cho 6 nhà máy đã được chủ đầu tư và EVN thống nhất giá tạm tính.

Một trong những vướng mắc trong đàm phán giá điện tái tạo chuyển tiếp từng được EVN và các chủ đầu tư nêu là do chưa rõ phương pháp tính giá từ Bộ Công Thương. Ông Hòa cho hay, hiện 24 chủ đầu tư thống nhất áp dụng cách tính giá theo chiết khấu dòng tiền, tương tự hướng dẫn tại Thông tư 57/2020 của bộ này.

Tuy nhiên hiện còn 48 dự án chuyển tiếp chưa nộp hồ sơ đàm phán cho EVN, 11 hồ sơ phải bổ sung, hoàn thiện.

Theo Luật Điện lực, các dự án trước khi được vận hành cần có giấy phép hoạt động điện lực. Tuy nhiên, đến nay mới có 19% dự án chuyển tiếp được cấp giấy phép này. Bộ Công Thương đang thẩm định hồ sơ xin cấp giấy phép điện lực của 12 dự án.

Hiện tổng công suất số dự án điện tái tạo bị chậm vận hành tiến độ là hơn 4.600 MW. Trong đó, gần 2.100 MW của 34 dự án chuyển tiếp đã hoàn thành thi công, thử nghiệm.

Công ty điều hành sàn HoSE, HNX lãi hơn 2.000 tỷ đồng

Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam (VNX) năm ngoái ghi nhận doanh thu và lãi ròng đều tăng hai chữ số so với cùng kỳ, lần lượt đạt 3.420 tỷ đồng và 2.090 tỷ đồng.

Công ty điều hành sàn HoSE, HNX lãi hơn 2.000 tỷ đồng

Công ty điều hành sàn HoSE, HNX lãi hơn 2.000 tỷ đồng

Cụ thể, báo cáo tài chính vừa được VNX công bố cuối tuần này cho thấy, doanh thu năm ngoái tăng 66% so với 2021. Kết quả này vượt xa mục tiêu doanh thu tăng 4% lên 2.137 tỷ đồng do ban lãnh đạo đề ra trước đó.

Nguồn thu chủ yếu đến từ dịch vụ giao dịch chứng khoán được hợp nhất từ hai công ty con là Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX). Ngoài ra, VNX còn có doanh thu hơn 110 tỷ đồng từ tiền gửi ngân hàng.

Sau khi trừ chi phí quản lý doanh nghiệp, VNX lãi trước thuế 2.600 tỷ đồng và lãi sau thuế xấp xỉ 2.090 tỷ đồng, đều gấp rưỡi so với cùng kỳ năm ngoái.

Kết quả này có thể xem là đột biến trong bối cảnh thị trường chứng khoán năm 2022 biến động mạnh, thể hiện qua việc VN-Index giảm gần 33% và giá trị giao dịch bình quân giảm 22%. Khoảng 60% doanh thu và lợi nhuận của VNX được ghi nhận trong nửa đầu năm - giai đoạn thị trường chứng khoán sôi động với thanh khoản thường xuyên đạt hơn 30.000 tỷ đồng mỗi phiên và chỉ số có lúc lập đỉnh 1.528 điểm. Trong nửa cuối năm, thanh khoản lao dốc với nhiều phiên giao dịch dưới 10.000 tỷ đồng.

Tính đến cuối năm ngoái, VNX có tổng tài sản 4.040 tỷ đồng, giảm hơn 500 tỷ đồng so với đầu năm. Hơn phân nửa tài sản là các khoản tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn lẫn không kỳ hạn.

Ngày 25/5, xét xử cán bộ công an TP.HCM “chủ mưu” nhập lậu 1.280 container hàng

Hoàng Duy Tiến khi là cán bộ Phòng Cảnh sát kinh tế đã thành lập 47 công ty, chủ mưu nhập lậu 1.280 container máy móc cũ, trị giá hơn 217 tỷ đồng, theo cáo trạng.

Hải quan TP.HCM phát hiện container hàng điện máy cũ nát (cấm nhập khẩu), tháng 7/2021

Hải quan TP.HCM phát hiện container hàng điện máy cũ nát (cấm nhập khẩu), tháng 7/2021

Hoàng Duy Tiến, nguyên cán bộ Đội 7 Phòng Cảnh sát kinh tế (PC03) Công an TP.HCM và 24 đồng phạm sẽ bị TAND TP.HCM xét xử về tội Buôn lậu theo Khoản 4 Điều 188 Bộ luật Hình sự, khung hình phạt 12 - 20 năm tù, vào ngày 25/5. Phiên xử dự kiến kéo dài đến 30/5.

Riêng bị cáo Võ Văn Đông (nguyên trung tá PC03) bị truy tố theo Khoản 3 Điều 188 Bộ luật Hình sự, có thể bị phạt tiền 1,5 - 5 tỷ đồng hoặc phạt tù 7 - 15 năm.

Cáo trạng xác định, Tiến nắm rõ Nhà nước cho phép nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyển sản xuất đã qua sử dụng (không quá 10 năm) để phục vụ chính doanh nghiệp nhập (Quyết định 18 của Thủ tướng). Đại uý cảnh sát chống buôn lậu đã lợi dụng chính sách này, thỏa thuận với các chủ hàng nhập thiết bị, máy móc cũ tại Nhật Bản, Trung Quốc (đã sản xuất trên 10 năm với giá rẻ) giao lại cho họ mua bán để kiếm lời. Chủ hàng phải trả cho Tiến 78 - 90 triệu đồng cho mỗi container, trong đó bao gồm cả phí "lót tay" cán bộ kiểm hóa của hải quan...

Tiến thuê người thành lập tổng cộng 47 công ty, sử dụng các pháp nhân này để làm hồ sơ nhập khẩu, thủ tục thông quan. Để che giấu hành vi, mỗi lần thông quan, Tiến chỉ đạo nhân viên sử dụng một pháp nhân.

Ngày 24/5/2021, khi Tiến cùng nhân viên đang làm thủ tục nhập lậu 7 container máy móc thiết bị tại cảng Cát Lái thì bị cảnh sát phát hiện. Khám xét các kho hàng ở quận Bình Tân, Bình Thạnh... cảnh sát thu giữ nhiều vật chứng liên quan.

Nhà chức trách xác định, Hoàng Duy Tiến là người có vai trò chủ mưu trong vụ án. Từ tháng 9/2019 đến tháng 5/2021, Tiến và đồng phạm đã sử dụng tư cách pháp nhân của 45/47 công ty, mở 1.146 bộ tờ khai hải quan, nhập lậu trót lọt về Việt Nam 1.280 container hàng, với tổng trị giá hơn 217 tỷ đồng. Quá trình điều tra, các bị can khai nhận hành vi như cáo buộc.

Chưa thể dùng cát biển xây cao tốc trước năm 2025

Đến cuối năm nay, việc thí điểm cát biển mới có kết quả, vì vậy từ nay đến năm 2024, nguồn vật liệu san lấp chủ yếu là cát sông, theo Bộ Giao thông vận tải (GTVT).

Tuyến chính cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết tại đoạn qua huyện Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận).

Tuyến chính cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết tại đoạn qua huyện Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận).

Trong báo cáo vừa gửi Quốc hội về kết quả chất vấn tại Kỳ họp thứ ba, Bộ GTVT cho biết, cơ quan chuyên môn đã thí nghiệm mẫu cát biển lấy tại Trà Vinh và Sóc Trăng để phục vụ Dự án cao tốc Bắc - Nam. Kết quả cho thấy, cát biển tại đây đạt chỉ tiêu cơ lý cơ bản, đáp ứng yêu cầu cho cát đắp nền đường.

Bộ đã cho thí điểm sử dụng cát biển trên tuyến ĐT978 thuộc dự án thành phần Hậu Giang - Cà Mau, dự kiến hoàn thành trong tháng 5. Cơ quan chuyên môn sẽ quan trắc đến tháng 11, nhanh nhất đến cuối năm mới có thể xác định được khả năng đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của cát biển.

"Vì vậy, trước mắt trong năm 2023 và 2024 nguồn vật liệu san lấp cho các dự án cao tốc chủ yếu vẫn là cát sông", báo cáo nêu.

Bộ GTVT cho biết, theo khảo sát về trữ lượng cát biển, tỉnh Trà Vinh đã cấp phép khai thác một mỏ với 1,1 triệu m3, công suất khai thác 0,4 triệu m3/năm. Ngoài ra, có ba vị trí mỏ đang được quy hoạch. Trong đó, trữ lượng lớn nhất là mỏ tại tỉnh Sóc Trăng quy mô 13,9 tỷ m3, nằm cách bờ biển 40 km và hai mỏ ở Trà Vinh 2,1 triệu m3.

Cùng với việc thí nghiệm của Bộ GTVT, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phê duyệt và triển khai nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp quốc gia "Nghiên cứu sử dụng cát nhiễm mặn làm vật liệu san, đắp nền đường". Nghiên cứu đang ở giai đoạn phòng, bắt đầu chuyển sang thực địa.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đang nghiên cứu tiềm năng khai thác cát biển, đáp ứng nhu cầu san lấp cho dự án giao thông, đô thị vùng Đồng bằng sông Cửu Long trên khu vực biển nằm cách bờ 10 - 25 km, độ sâu 10 - 30 m. Kết quả thực hiện dự án sẽ làm rõ chất lượng, tiềm năng cát biển và khả năng khai thác để đáp ứng nguồn vật liệu san lấp đang khan hiếm hiện nay.

Tàu du lịch quốc tế đầu tiên quay lại Phú Quốc sau đại dịch Covid-19

Sau thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, việc tàu du lịch quốc tế Costa Serena đưa khách đến Phú Quốc hứa hẹn sẽ giúp ngành du lịch địa phương có bước phát triển mới.

Tàu du lịch quốc tế đầu tiên đến Phú Quốc sau dịch Covid-19

Tàu du lịch quốc tế đầu tiên đến Phú Quốc sau dịch Covid-19

Ngày 21/5, tàu du lịch quốc tế mang tên Costa Serena quốc tịch Italy đã cập bến Dương Đông, thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, sau khi xuất phát từ Thái Lan. Đây là chuyến tàu du lịch quốc tế đầu tiên quay lại thành phố Phú Quốc sau thời gian bị ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Tàu Costa Serena tiêu chuẩn 5 sao, chở 3.500 du khách từ 18 quốc gia, nhiều nhất là du khách đến từ Thái Lan, Malaysia, Indonesia và một số du khách đến từ châu Âu cùng 1.056 thuyền viên.

Công ty TNHH Dịch vụ vận tải hàng hải Thiên Ý là nhà cung cấp dịch vụ cho tàu Costa Serena.

Theo chương trình, sau khi cập bến, du khách đi tham quan, mua sắm tại các điểm du lịch trên đảo Phú Quốc. 17 giờ cùng ngày, du khách trở về tàu và rời Phú Quốc tiếp tục hành trình du lịch trên đại dương.

Sau thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, việc tàu du lịch quốc tế đưa khách đến Phú Quốc hứa hẹn sẽ giúp ngành du lịch địa phương có bước phát triển mới.

Quảng Nam dừng công tác tổ chức, tuyển dụng ở 2 huyện để sắp xếp lại

Kể từ ngày 15/5, hai huyện Nông Sơn và Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam phải tạm dừng thực hiện các nội dung liên quan về công tác tổ chức bộ máy, tuyển dụng và công tác cán bộ để sắp xếp lại.

Toàn cảnh thị trấn Tân Bình

Toàn cảnh thị trấn Tân Bình

Ông Phan Văn Bình - Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Quảng Nam vừa ký thông báo kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam về xác định đơn vị hành chính cấp huyện thuộc diện phải sắp xếp giai đoạn 2023 - 2025 và thời điểm tạm dừng thực hiện các nội dung liên quan.

Cụ thể, xét đề nghị của Ban Tổ chức Tỉnh ủy xin ý kiến về công tác cán bộ tại phiên họp ngày 12/5 vừa qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thống nhất xác định đơn vị hành chính cấp huyện thuộc diện phải sắp xếp giai đoạn 2023 - 2025 gồm 2 huyện Nông Sơn và Hiệp Đức.

Kể từ ngày 15/5, các huyện Nông Sơn, Hiệp Đức tạm dừng thực hiện các nội dung liên quan về công tác tổ chức bộ máy, tuyển dụng và công tác cán bộ cho đến khi nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đối với đơn vị hành chính có hiệu lực thi hành.

Trừ trường hợp khuyết người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị mà không bố trí được người phụ trách theo quy định của pháp luật, các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức đại hội hết nhiệm kỳ trong giai đoạn năm 2023 - 2025, đơn vị sự nghiệp giáo dục, y tế.

Huyện Nông Sơn và Hiệp Đức là 2 địa phương của tỉnh Quảng Nam thuộc diện phải sắp xếp lại theo Kết luận số 48 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030 do không đáp ứng tiêu chí về diện tích tự nhiên và dân số.

Công ty Giải pháp đầu tư Thái Sơn bị phạt hơn 870 triệu đồng vì giao dịch chui cổ phiếu

Công ty CP Giải pháp đầu tư Thái Sơn bị xử phạt hơn 870 triệu đồng do giao dịch cổ phiếu EIN vào cuối tháng 10/2022 nhưng không công bố thông tin.

Công ty Giải pháp Đầu tư Thái Sơn bị xử phạt hơn 870 triệu đồng do giao dịch chui cổ phiếu

Công ty Giải pháp Đầu tư Thái Sơn bị xử phạt hơn 870 triệu đồng do giao dịch chui cổ phiếu

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa xử phạt vi phạm hành chính với Công ty CP Giải pháp đầu tư Thái Sơn với số tiền hơn 870 triệu đồng.

Giải pháp đầu tư Thái Sơn đã bán ra 1,5 triệu cổ phiếu EIN của Công ty CP Đầu tư - Thương mại - Dịch vụ Điện lực ngày 19/10/2022 và mua vào hơn 1,4 triệu cổ phiếu sau đó ba ngày nhưng không công bố thông tin về việc dự kiến giao dịch. Công ty này là tổ chức liên quan đến ông Nguyễn Duy Tân, thành viên Hội đồng Quản trị EIN.

Ngoài phạt hành chính, Giải pháp đầu tư Thái Sơn cũng phải chịu hình thức phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động giao dịch chứng khoán ba tháng, tính từ ngày 19/5.