Bản tin thời sự sáng 23/4

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là 2 nút giao trên cao tốc Bắc - Nam tạm dừng hoạt động do “chưa đủ điều kiện an toàn”; ôtô được phép qua đèo Cả sau sự cố sạt lở hầm Bãi Gió; đề xuất EVN mua bao tiêu 70% sản lượng dự án điện khí LNG; thêm gần 6.900 ngôi nhà hư hại do giông lốc…

Hai nút giao trên cao tốc Bắc - Nam tạm dừng hoạt động do “chưa đủ điều kiện an toàn”

Sau 2 ngày thông xe, nút giao Thiệu Giang và Đồng Thắng thuộc Dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 buộc dừng khai thác khẩn cấp do “chưa đủ điều kiện an toàn”.

Nút giao ĐồngThắng bị rào chắn ngày 22/4

Nút giao ĐồngThắng bị rào chắn ngày 22/4

Ông Trịnh Huy Triều, Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Thanh Hóa cho biết, 2 nút giao cơ bản hoàn thành, sau khi được đơn vị chuyên môn thẩm định, cho phép đưa vào khai thác. Tuy nhiên, Ban Quản lý dự án Thăng Long (Chủ đầu tư Dự án cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45) lại gửi văn bản cho Sở thông báo tạm dừng hoạt động 2 nút giao với lý do "một số điều kiện chưa đảm bảo an toàn".

"Điện chiếu sáng và một số hạng mục chưa hoàn thiện, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn nên cần có thời gian khắc phục", ông Triều nói.

Ngày 23/4, Sở Giao thông vận tải sẽ thông báo chính thức việc tạm ngừng sử dụng 2 nút giao Thiệu Giang và Đồng Thắng. Phương tiện lưu thông trên cao tốc Bắc - Nam được lưu ý chuyển hướng ra các nút Đông Xuân, Vạn Thiện hoặc Gia Miêu.

Nút giao Đồng Thắng có tổng mức đầu tư gần 166 tỷ đồng, được khởi công tháng 8/2023, do Bộ Giao thông vận tải làm chủ đầu tư. Nút giao Thiệu Giang là hạng mục thuộc Dự án đường nối Quốc lộ 1A với Quốc lộ 45, chiều dài 14,6 km, tổng mức đầu tư hơn 1.400 tỷ đồng. Dự án do Sở Giao thông vận tải tỉnh Thanh Hóa, huyện Thiệu Hóa và Hoằng Hóa làm chủ đầu tư với 3 tiểu dự án thành phần.

Cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45 dài hơn 63 km, tổng mức đầu tư hơn 12.100 tỷ đồng. Dự án thông xe kỹ thuật đầu tuyến từ Mai Sơn đến nút giao Đông Xuân (dài 53 km) cuối năm 2022. Tháng 4/2023, Dự án hoàn thành 10 km còn lại, nối thông với cao tốc Quốc lộ 45 - Nghi Sơn.

Cao tốc Mai Sơn - quốc lộ 45 có 7 nút giao gồm Mai Sơn, Đồng Giao, Gia Miêu, Hà Lĩnh, Thiệu Giang, Đông Xuân và Đồng Thắng. Đồng Thắng và Thiệu Giang là những nút giao cuối cùng thông xe ở cung đường này.

Ôtô được phép qua đèo Cả sau sự cố sạt lở hầm Bãi Gió

Từ 18h ngày 22/4, tuyến đường Quốc lộ 1 qua đèo Cả, nối hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa được thông xe trở lại sau 8 ngày bị cấm để xử lý sự cố sạt lở hầm Bãi Gió.

Tuyến đường đèo Cả (Quốc lộ 1) nằm trên hầm đường sắt Bãi Gió

Tuyến đường đèo Cả (Quốc lộ 1) nằm trên hầm đường sắt Bãi Gió

Thông tin được ông Tạ Thanh Tình, Trưởng Văn phòng Quản lý đường bộ III.3 cho biết sau khi cùng các đơn vị liên quan của Phú Yên và Khánh Hoà đánh giá tình trạng an toàn của đường qua đèo Cả.

"Các đơn vị đã tháo dỡ hệ thống biển báo cắm chốt chặn trước đó để tổ chức phân luồng giao thông bình thường trở lại", ông Tình nói.

10 ngày trước, trong khi nhà thầu phá dỡ bêtông vỏ hầm cũ thì xảy ra sụt lở vòm hầm, làm gián đoạn tuyến đường sắt Bắc - Nam, ảnh hưởng hàng chục nghìn hành khách, hàng hóa ách tắc. Vì hầm nằm dưới đường đèo Cả, nên ngành giao thông sau đó đã cấm ôtô qua tuyến này nhằm giảm rung chấn và thiệt hại trong qua trình gia cố.

Hầm Bãi Gió thuộc xã Đại Lãnh, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa, dài hơn 400 m, cao 5 m, rộng 4 m, được Pháp xây năm 1930, hoạt động năm 1936. Đến tối 21/4, hầm đường sắt được gia cố hoàn thiện. Sau đó, liên tiếp các đoàn tàu thử tải chạy qua hầm và không xảy ra sự cố nào nên ngành đường sắt ra quyết định "chính thức thông hầm". Tuy nhiên, ôtô chưa thể đi trên đèo do đợi lớp bêtông gia cố trong hầm được kết dính ổn định.

Ông Lê Quang Chính, Phó Giám đốc Chi nhánh Vận tải đường sắt Nha Trang cho biết, từ lúc hầm đường sắt Bắc Nam được thông tuyến, đến nay có khoảng 12 đoàn tàu với hơn 3.500 khách đi qua an toàn. "Hành trình tàu khách đã được thực hiện như ngày thường và không có trở ngại nào khi đi qua hầm", ông Chính nói.

Đề xuất EVN mua bao tiêu 70% sản lượng dự án điện khí LNG

Bộ Công Thương đề xuất tỷ lệ EVN cam kết bao tiêu điện khí LNG tối thiểu 70%, tối đa 7 năm để bảo đảm dự án khả thi, tránh tác động tới giá bán lẻ.

Đề xuất EVN mua bao tiêu 70% sản lượng dự án điện khí LNG

Đề xuất EVN mua bao tiêu 70% sản lượng dự án điện khí LNG

Nội dung trên nêu tại dự thảo Nghị định cơ chế phát triển các dự án điện dùng khí thiên nhiên, khí hóa lỏng (LNG) được Bộ Công Thương lấy ý kiến.

Theo Quy hoạch điện VIII đến năm 2030, nguồn nhiệt điện khí phải đầu tư mới trên 30.420 MW, trong đó 75% là khí LNG (22.824 MW). 13 dự án dùng LNG được phát triển tới 2030, song có thể khó kịp tiến độ nếu không hoàn thành đàm phán hợp đồng mua bán (PPA) và thu xếp vốn vay trước năm 2027.

Số dự án này cũng gặp khó do thiếu cơ sở pháp lý cam kết bao tiêu sản lượng dài hạn, cơ chế chuyển ngang giá khí sang giá điện. Đây cũng là lý do dự án Nhơn Trạch 3 và 4 đạt 70% tiến độ, nhưng chưa đàm phán xong PPA với EVN.

Tại dự thảo, Bộ Công Thương đề xuất từ nay đến năm 2030, Chính phủ quy định bên mua - EVN có thể cam kết mua bao tiêu 70% sản lượng từ các dự án điện khí. Nhưng thời hạn duy trì tỷ lệ này tối đa 7 năm, để bảo đảm khả thi thu hút đầu tư và tránh tác động lên giá bán lẻ.

Mức bao tiêu đề xuất này cao hơn 5% so với tỷ lệ EVN đề nghị (65%), nhưng thấp hơn 2 - 20% ngưỡng các nhà đầu tư mong muốn trong toàn bộ thời gian hợp đồng.

Tỷ lệ cam kết về bao tiêu sản lượng nhằm đảm bảo dòng tiền ổn định để chủ đầu tư trả nợ vay dự án. Các bên cung ứng và vận chuyển khí cũng thường yêu cầu tỷ lệ này để tính toán ổn định về lượng và giá nhiên liệu trong dài hạn.

Trước đó, EVN lo ngại, cam kết mức mua bao tiêu cao trong dài hạn có thể gây rủi ro, làm tăng giá điện. Cụ thể, LNG có giá thành cao, mức 12 - 14 USD một triệu BTU nhập về Việt Nam. Giá thành loại nguồn điện này dao động 2.400 - 2.800 đồng một kWh, cao hơn nhiều so với các nguồn điện khác.

Thêm gần 6.900 ngôi nhà hư hại do giông lốc

Miền Bắc ba ngày qua tiếp tục xuất hiện giông lốc, mưa đá làm 6.900 ngôi nhà đổ sập, tốc mái và hư hại.

Nhà dân ở Cao Bằng bị đổ sập

Nhà dân ở Cao Bằng bị đổ sập

Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai cho biết từ đêm 19 đến ngày 21/4, 11 tỉnh gồm Hà Giang, Lào Cai, Tuyên Quang, Yên Bái, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Sơn La, Phú Thọ và Quảng Ninh xuất hiện giông lốc, mưa đá.

Lốc giật sập ngôi nhà ở xã Sủng Trái, huyện Đồng Văn (Hà Giang) làm cháu bé 5 tuổi tử vong. 8 người khác bị thương, gồm 3 người ở Sơn La; Yên Bái, Hà Giang mỗi nơi 2 người; Phú Thọ một người.

Gần 6.900 ngôi nhà bị sập đổ, tốc mái. Riêng trận giông lốc chiều và đêm qua đã làm gần 5.100 nhà hư hại. Sơn La chịu thiệt hại nặng nhất với gần 3.500 nhà, Cao Bằng, Bắc Kạn, Phú Thọ mỗi tỉnh trên dưới 900 căn.

Giông gió cũng khiến 53 điểm trường, 26 trụ sở cơ quan, 11 nhà xưởng, 7 nhà văn hóa bị tốc mái, hư hỏng. 17 cột viễn thông, 29 cột đèn chiếu sáng, gần 200 cột điện bị gãy đổ. Do hư hỏng đường điện 110kV, huyện Phù Yên (Sơn La) bị mất điện toàn huyện từ chiều 20/4 đến sáng 22/4 chưa có lại. Ngoài ra, hơn 1.500 ha lúa, hoa màu, hơn 200 ha cây lâm, công nghiệp thiệt hại.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết gần một tuần qua miền Bắc xuất hiện giông lốc, mưa đá do rãnh áp thấp trục 24-26 độ vĩ bắc bị nén bởi khối không khí mát từ Trung Quốc tràn xuống. Dự báo, tình trạng này duy trì đến hết ngày mai, tập trung ở các tỉnh miền núi vào chiều và đêm.

Trước đó ngày 17 - 19/4, giông lốc, mưa đá đã khiến 2 người ở Sơn La mất tích, 5.300 ngôi nhà, 30 trường học hư hại. Hà Nội ghi nhận hơn 250 cây bị gãy đổ, đè lên hàng chục ôtô, xe máy sau cơn giông tối 20/4.

Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây bị cắt điện vì 'nợ tiền'

Công ty vận hành không thanh toán chi phí, cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây bị các đơn vị thành viên của điện lực Đồng Nai cắt điện tại hai nút giao.

Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đi qua địa bàn Đồng Nai

Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đi qua địa bàn Đồng Nai

Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai vừa yêu cầu, điện lực huyện Xuân Lộc báo cáo việc cắt điện trên cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây dẫn đến nguy cơ tai nạn, đặc biệt ở các nút giao mật độ ôtô qua lại lớn như ĐT 765, quốc lộ 1A.

Theo công ty này, sau khi cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây khai thác, ngành điện đã hợp đồng với Công ty CP Dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VEC E) với mục đích cấp điện cho tuyến. Tuy nhiên, VEC E không thanh toán tiền theo hợp đồng, điện lực Xuân Lộc và Cẩm Mỹ thông báo ngừng cung cấp điện. Hiện VEC E nợ điện lực Xuân Lộc 19 triệu đồng và Cẩm Mỹ 27,7 triệu đồng.

Lúc 18h ngày 12/4, điện lực Xuân Lộc đã cắt điện ở 2 nút giao cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây với ĐT 765 ở xã Xuân Hiệp và nút giao Quốc lộ 1A ở xã Xuân Tâm. Sau 5 phút, nhận thấy việc này "thiếu sót", đơn vị đã cấp điện trở lại. Trong khi đó, điện lực Cẩm Mỹ chỉ thông báo chứ chưa cắt.

Đại diện lãnh đạo Công ty Điện lực Đồng Nai cho biết, ngành điện không có chủ trương thực hiện ngưng cung cấp điện đối với hệ thống chiếu sáng tại các nút giao đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đoạn qua địa bàn Tỉnh. Thay vào đó đơn vị sẽ có văn bản báo cáo Ban An toàn giao thông Tỉnh nhằm giải quyết vướng mắc.

"Chúng tôi đã yêu cầu điện lực huyện Xuân Lộc chấn chỉnh, rút kinh nghiệm, không để xảy ra sự việc tương tự", đại diện Công ty Điện lực Đồng Nai nói.

Theo VEC E, sau gần một năm khai thác, chi phí vận hành, bảo trì cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết hết hơn 10 tỷ đồng. Tuy nhiên, nguồn kinh phí chi trả đến nay chưa xác định nên đơn vị gặp khó khăn trong bảo đảm tiền lương, chính sách bảo hiểm cho người lao động làm việc trên tuyến. Ngoài ra các khoản tiền chiếu sáng, thiết bị chậm được tháo gỡ khiến Công ty không đủ kinh phí duy trì.

Dầu Giây - Phan Thiết là một đoạn trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, tổng mức đầu tư hơn 12.500 tỷ đồng.

Xin dừng đầu tư hai đô thị 260 ha tại An Giang

T&T Group xin dừng thực hiện khu đô thị mới Bình Khánh và Vàm Cống (tỉnh An Giang) vì gặp khó khăn về đất đai, giải phóng mặt bằng.

T&T Group xin dừng thực hiện khu đô thị mới Bình Khánh và Vàm Cống (tỉnh An Giang). Ảnh minh họa

T&T Group xin dừng thực hiện khu đô thị mới Bình Khánh và Vàm Cống (tỉnh An Giang). Ảnh minh họa

Thông tin được Sở Tài nguyên và Môi trường An Giang cho biết trong văn bản gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh này.

Hai dự án khu đô thị mới Bình Khánh và Vàm Cống của Công ty CP Tập đoàn T&T được UBND tỉnh An Giang chấp thuận đầu tư vào tháng 10/2019. Trong đó, dự án Bình Khánh quy mô 132, còn Vàm Cống rộng 128 ha. Doanh nghiệp đã nộp ký quỹ cho 2 dự án lần lượt 43,3 tỷ đồng và 37,3 tỷ đồng.

Tuy nhiên, Tập đoàn T&T xin dừng thực hiện 2 dự án trên sau hơn 3 năm được cấp phép đầu tư, do cơ chế chính sách về đất đai, giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn. Tập đoàn T&T đề nghị được hoàn trả số tiền ký quỹ hơn 80,6 tỷ đồng đã nộp vào ngân sách. Bên cạnh đó, Công ty cũng mong được đóng góp ý tưởng, đề xuất dự án đầu tư mới trong quá trình điều chỉnh quy hoạch chung TP. Long Xuyên.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường An Giang, 2 dự án này nằm trong danh sách 11 dự án khu đô thị, dân cư có quy mô trên 20 ha vướng mắc về thủ tục pháp lý đã được UBND Tỉnh thống nhất chủ trương dừng thực hiện, vận động nhà đầu tư lập thủ tục chấm dứt. Vì vậy, Sở này đề xuất UBND Tỉnh cho T&T dừng đầu tư vào 2 dự án Bình Khánh và Vàm Cống.

Về hoàn trả tiền ký quỹ cho T&T, cơ quan này đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư cho ý kiến, báo cáo UBND tỉnh An Giang xem xét, quyết định.

Trước đó, 2 khu đô thị này được UBND TP. Long Xuyên phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500, nằm trong kế hoạch sử dụng đất của thành phố năm 2023. Hai dự án cũng được Bộ Tài nguyên và Môi trường duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM).

Hà Nội lọt vào danh sách 100 thành phố thông minh nhất thế giới

Việt Nam có 2 thành phố là Hà Nội và TP.HCM góp mặt trong bảng xếp hạng, trong đó Hà Nội đứng ở vị trí thứ 97 (tăng 3 bậc so với năm 2023) và TP.HCM xếp ở vị trí thứ 105.

Một góc thành phố Hà Nội

Một góc thành phố Hà Nội

Viện Phát triển và Quản lý quốc tế (IMD) phối hợp Tổ chức Thành phố Thông minh bền vững thế giới (WeGO) đã công bố bảng xếp hạng các thành phố thông minh hàng đầu thế giới năm 2024.

Đáng chú ý, các thành phố châu Âu và châu Á đã vượt lên dẫn đầu, trong khi các thành phố ở Bắc Mỹ lại dần mất đi "chỗ đứng".

Các nhà nghiên cứu đã phân tích dữ liệu và khảo sát 120 cư dân ở mỗi thành phố trong số 142 thành phố trên thế giới, từ đó đưa ra đánh giá về cơ sở hạ tầng và công nghệ của thành phố đã tác động như thế nào đến hiệu suất tổng thể và chất lượng cuộc sống của người dân. Theo IMD, thành phố thông minh được định nghĩa là “môi trường đô thị áp dụng công nghệ để nâng cao lợi thế và giảm thiểu những hạn chế của quá trình đô thị hóa cho người dân”.

Các thành phố nằm trong top 20 hầu hết nằm ở các khu vực có điều kiện kinh tế và xã hội tương đối ổn định, ngay cả trong bối cảnh bất ổn toàn cầu. Những thành phố này cũng đã thực hiện các sáng kiến nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống chung cho người dân, trong đó thường tập trung vào việc tạo ra không gian xanh, mở rộng cơ hội cho các sự kiện văn hóa và thúc đẩy sự gắn kết xã hội…

Có tới 7 trong số 10 thành phố thông minh nhất thế giới ở châu Âu, trong đó thành phố Zurich (Thụy Sỹ) đứng đầu bảng xếp hạng, tiếp đó là Oslo của Na Uy. Thành phố (Canberra) của Australia xếp ở vị trí thứ 3. Đáng chú ý, 2 thành phố của châu Á là Singapore và Abu Dhabi (Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất) cũng lọt top 10 thành phố thông minh nhất thế giới, lần lượt đứng ở vị trí thứ 5 và thứ 10. Singapore đã liên tục lọt vào top 10 kể từ năm 2019 và liên tục duy trì vị trí thứ 7 từ năm 2020 đến năm 2023 (trừ năm 2022 khi không công bố danh sách).

Việt Nam có 2 thành phố là Hà Nội và TP.HCM góp mặt trong bảng xếp hạng này, trong đó Hà Nội đứng ở vị trí thứ 97 (tăng 3 bậc so với năm 2023) và TP.HCM xếp ở vị trí thứ 105.

Hoàng Anh Gia Lai huy động được 1.300 tỷ đồng từ bán cổ phiếu

Hoàng Anh Gia Lai đã chào bán thành công 130 triệu cổ phiếu riêng lẻ thu về 1.300 tỷ đồng.

Hoàng Anh Gia Lai huy động được 1.300 tỷ đồng từ bán cổ phiếu

Hoàng Anh Gia Lai huy động được 1.300 tỷ đồng từ bán cổ phiếu

Thông tin vừa được Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai (HAG) công bố.

Ba nhà đầu tư gồm: ông Lê Minh Tâm - nhà đầu tư cá nhân đã mua 28 triệu cổ phiếu, chiếm 2,65% vốn cổ phần; Công ty chứng khoán LPBank đã mua 50 triệu cổ phiếu, chiếm 4,73% vốn và Tập đoàn Thaigroup mua 52 triệu cổ phiếu, chiếm 4,92%. Với giá chào bán 10.000 đồng một cổ phiếu, Công ty đã thu về 1.300 tỷ đồng.

Sau đợt chào bán cổ phiếu riêng lẻ, Công ty cũng thông qua việc sửa đổi điều lệ, nâng vốn từ gần 9.275 tỷ đồng lên gần 10.575 tỷ đồng.

Từ đầu năm đến nay, Hoàng Anh Gia Lai có nhiều thay đổi. Ngày 4/3, LPBank cũng rót vào Hoàng Anh Gia Lai 5.000 tỷ đồng thông qua hợp đồng tài trợ, với ưu tiên đầu tư cho nông nghiệp xanh.

Tháng 11/2023, LPBank ký kết hợp tác toàn diện với Học viện Bóng đá và Câu lạc bộ Bóng đá Hoàng Anh Gia Lai. Sau ký kết, Hoàng Anh Gia Lai công bố đổi tên Học viện và Câu lạc bộ thành Học viện Bóng đá LPBank - Hoàng Anh Gia Lai và Câu lạc bộ Bóng đá LPBank - Hoàng Anh Gia Lai.

Trong báo cáo thường niên năm 2023 cho biết, việc ký hợp tác toàn diện với LPBank giúp mang đến nguồn lực tài chính ổn định cho Hoàng Anh Gia Lai.

Năm 2024, Công ty dự kiến trồng thêm 2.000 ha chuối, nâng diện tích từ 7.000 ha lên 9.000 ha. Đồng thời, doanh nghiệp sẽ trồng thêm 500 ha sầu riêng, nâng diện tích từ 1.500 ha lên 2.000 ha.

Năm ngoái, Hoàng Anh Gia Lai đạt doanh thu thuần 6.932 tỷ đồng, tăng 36% so với năm liền trước. Lãi ròng của Hoàng Anh Gia Lai đạt hơn 1.817 tỷ đồng - mức cao nhất trong 13 năm kinh doanh gần đây. Tổng tài sản cuối năm 2023 là 21.527 tỷ đồng, tăng hơn 1.700 tỷ đồng sau một năm. Lỗ lũy kế của Công ty đã giảm một nửa, còn gần 1.700 tỷ đồng.

Tin cùng chuyên mục