Bản tin thời sự sáng 24/5

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là quản lý thị trường thu giữ nhiều vàng, trang sức không rõ nguồn gốc; Hậu Giang xây cầu 1.600 tỷ đồng kết nối Cần Thơ, Kiên Giang; Chủ tịch Trung Nam Group bị tạm hoãn xuất cảnh do nợ thuế; Việt Nam đứng thứ 3 trong danh sách những điểm đến châu Á thu hút khách châu Âu…

Quản lý thị trường thu giữ nhiều vàng, trang sức không rõ nguồn gốc

Lực lượng quản lý thị trường phạt nhiều đơn vị kinh doanh vàng tại TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cà Mau... vì bán hàng không rõ nguồn gốc, vi phạm về giá.

Từ đầu tháng 4 đến nay, cơ quan quản lý thị trường đã đồng loạt kiểm tra nhiều tiệm vàng trên cả nước
Từ đầu tháng 4 đến nay, cơ quan quản lý thị trường đã đồng loạt kiểm tra nhiều tiệm vàng trên cả nước

Theo Cục Quản lý thị trường Bà Rịa - Vũng Tàu, từ 8/4 - 17/5, cơ quan này kiểm tra đột xuất 49 doanh nghiệp kinh doanh vàng trang sức mỹ nghệ. Kết quả kiểm tra cho thấy, các doanh nghiệp đều vi phạm bán hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Họ cũng bán cao hơn giá niêm yết hoặc không niêm yết giá.

Cục Quản lý thị trường Bà Rịa - Vũng Tàu đã xử phạt 31 doanh nghiệp, gần 865 triệu đồng. Số vụ còn lại đang được cơ quan này xác minh làm rõ, xử lý theo quy định.

Tại TP.HCM, tính đến ngày 14/5, lực lượng chức năng đã kiểm tra 35 cơ sở kinh doanh, giữ 719 sản phẩm vàng nữ trang (nhẫn, dây chuyền, lắc đeo tay, mặt dây chuyền...). Số hàng trên không có hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc, trong đó một số mặt hàng có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu.

Cục Quản lý thị trường TP.HCM đã xử phạt 21 vụ, số tiền gần 1,3 tỷ đồng và tịch thu toàn bộ hàng hóa vi phạm.

Trước đó, cơ quan chức năng Cà Mau cũng kiểm tra đột xuất 8 tiệm vàng, phát hiện 2 tiệm vi phạm về giá và 6 nơi có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu. Các cửa hàng bị xử phạt 272 triệu đồng. Hay tại Tiền Giang, một tháng qua, lực lượng quản lý thị trường đã phạt 12 tiệm vàng, số tiền 180 triệu đồng vì vi phạm biển hiệu.

Thời gian qua, lực lượng quản lý thị trường tại nhiều địa phương cũng kiểm tra nhiều doanh nghiệp kinh doanh vàng. Các tỉnh Nghệ An, Bình Phước, Long An... đều phát hiện nhiều đơn vị vi phạm trong kinh doanh và tiến hành xử phạt hàng chục triệu đồng.

Hậu Giang xây cầu 1.600 tỷ đồng kết nối Cần Thơ, Kiên Giang

Cầu Nguyễn Chí Thanh bắc qua kênh xáng Xà No, TP. Vị Thanh (tỉnh Hậu Giang), vốn đầu tư 1.600 tỷ đồng giúp kết nối các tuyến giao thông đi Cần Thơ, Kiên Giang.

Phối cảnh cầu Nguyễn Chí Thanh bắc qua kênh xáng Xà No

Phối cảnh cầu Nguyễn Chí Thanh bắc qua kênh xáng Xà No

Công trình có điểm đầu nối Quốc lộ 61 C tại Phường 7, điểm cuối giao đường 19 Tháng 8, thuộc xã Vị Tân, TP. Vị Thanh. Trong đó, phần cầu gần 400 m, rộng 29 m; đường nối hai bên cầu chính khoảng 6.600 m, rộng 40 m.

Đây là cây cầu đầu tiên được thi tuyển phương án kiến trúc, thể hiện nét tiêu biểu, đặc trưng của tỉnh Hậu Giang. Công trình có tổng mức đầu tư 1.600 tỷ đồng, từ vốn ngân sách, dự kiến khởi công năm 2025, xong sau 3 năm. Khi hoàn thành, Nguyễn Chí Thanh là cầu thứ 5 bắc qua kênh xáng Xà No trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, sau 4 cầu tại TP. Vị Thanh và huyện Châu Thành A.

Theo phương án thiết kế được chọn, phần cầu chính có 9 nhịp bằng bêtông cốt thép. Trong đó, 3 nhịp giữa dài 140 m (50 - 40 - 50 m), được lắp đặt vòm thép với biểu tượng "quăng chài kéo lưới" tượng trưng cho cổng chào trên kênh xáng Xà No. Hình ảnh quăng chài kéo lấy ý tưởng từ cá thát lát - đặc sản của Hậu Giang và lưới chài là nét đặc trưng của người dân địa phương, thể hiện một mùa thu hoạch bội thu.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Nguyễn Văn Hòa cho biết, công trình sẽ tạo điểm nhấn, ấn tượng thẩm mỹ, cũng như đóng góp phát triển kinh tế - xã hội cho TP. Vị Thanh và tỉnh Hậu Giang. Khi hoàn thành và đưa vào khai thác, cầu giúp hình thành trục kết nối với Quốc lộ 61C, tuyến giao thông huyết mạch nối Cần Thơ - Hậu Giang. Công trình cũng tạo điều kiện thuận lợi kết nối khu vực bờ bắc kênh xáng Xà No với tỉnh Kiên Giang.

Chủ tịch Trung Nam Group bị tạm hoãn xuất cảnh do nợ thuế

Ông Nguyễn Tâm Thịnh - Chủ tịch HĐQT Trung Nam Group vừa bị tạm hoãn xuất cảnh do doanh nghiệp nợ thuế hơn 21 tỷ đồng.

Nhà máy điện gió Trung Nam, một trong các dự án năng lượng tái tạo của Trung Nam Group

Nhà máy điện gió Trung Nam, một trong các dự án năng lượng tái tạo của Trung Nam Group

Cục Hải quan Khánh Hòa mới đây có thông báo gửi Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) đề nghị tạm hoãn xuất cảnh với ông Nguyễn Tâm Thịnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Xây dựng Trung Nam (Trung Nam Group) từ ngày 6/5.

Nguyên nhân do ông Thịnh là người đại diện theo pháp luật của Trung Nam Group, doanh nghiệp đang bị cưỡng chế thuế do nợ hơn 21 tỷ đồng.

Theo đại diện của Trung Nam Group, khoản nợ thuế này mới phát sinh, liên quan tới Dự án điện mặt trời Thuận Nam 450 MW. Hiện tiền điện thanh toán cho Dự án về chậm khiến Công ty gặp nhiều khó khăn.

"Công ty sẽ thanh toán khoản nợ thuế hải quan này sau khi nhận được khoản thanh toán từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam", đại diện Trung Nam Group thông tin.

Trước đó, cuối tháng 1, Cục Hải quan TP.HCM cũng có quyết định cưỡng chế dừng làm thủ tục hải quan với hàng hóa xuất, nhập khẩu của doanh nghiệp này do nợ thuế hơn 27,5 tỷ đồng quá thời hạn nộp 90 ngày. Khoản nợ thuế này đã được doanh nghiệp thanh toán, theo đại diện Trung Nam Group.

Trung Nam là doanh nghiệp đa ngành, trong đó năng lượng là mảng chủ chốt với nhiều nhà máy thủy điện và các dự án năng lượng tái tạo, đứng đầu khối doanh nghiệp tư nhân trong ngành công nghiệp này.

Việt Nam đứng thứ 3 trong danh sách những điểm đến châu Á thu hút khách châu Âu

Theo Agoda, 3 điểm đến tại Việt Nam được du khách châu Âu tìm kiếm nhiều nhất là TP.HCM, Hội An (tỉnh Quảng Nam) và Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa).

Khách du lịch châu Âu khám phá Hội An

Khách du lịch châu Âu khám phá Hội An

Việt Nam đứng thứ ba trong danh sách những điểm đến châu Á thu hút du khách châu Âu nhất dựa trên lượt tìm kiếm chỗ ở. Đây là thông tin được Nền tảng du lịch kỹ thuật số Agoda công bố ngày 23/5.

Cụ thể, theo dữ liệu tìm kiếm từ Agoda trong tháng 4 vừa qua, Malaysia ghi nhận lượng tìm kiếm tăng 89%. Nhật Bản đứng thứ hai với mức tăng trưởng 71% so với năm trước. Riêng Việt Nam đứng thứ ba, ghi nhận số lượng tìm kiếm tăng 66% từ du khách châu Âu.

Ông Vũ Ngọc Lâm, Giám đốc Quốc gia Agoda Việt Nam cho biết, sự gia tăng trong lượt tìm kiếm về du lịch Việt Nam năm 2024 so với năm trước thể hiện sức hút ngày càng lớn của Việt Nam đối với khách châu Âu. Đặc biệt, ngày càng có nhiều du khách châu Âu lựa chọn Việt Nam làm điểm đến cho kỳ nghỉ Hè.

Điển hình, một số nước tại châu Âu có lượng tìm kiếm du lịch Việt Nam nhiều nhất trong tháng Tư vừa qua có thể kể đến là Pháp, Đức, Anh, Hà Lan và Tây Ban Nha.

Trong khi đó, 3 điểm đến tại Việt Nam được du khách châu Âu tìm kiếm nhiều nhất là TP.HCM, Hội An (tỉnh Quảng Nam) và Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) vì mang đến sự kết hợp hoàn hảo giữa nghỉ dưỡng, phiêu lưu và văn hóa. Ba điểm đến này cũng là lựa chọn lý tưởng cho du khách muốn tận hưởng tối đa kỳ nghỉ Hè dài ngày ở Việt Nam.

TP.HCM 'phạt nguội' gần 13.500 xe máy vi phạm giao thông

4 tháng đầu năm, Công an TP.HCM phát hiện 13.458 xe máy vi phạm giao thông qua hình ảnh nên ra quyết định phạt nguội chủ phương tiện.

Xe máy vẫn là phương tiện di chuyển được nhiều người dân lựa chọn ở TP.HCM

Xe máy vẫn là phương tiện di chuyển được nhiều người dân lựa chọn ở TP.HCM

Nội dung được Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó phòng Tham mưu Công an TP.HCM, nói tại họp báo tình hình kinh tế - xã hội Thành phố, chiều 23/5. Tính đến cuối tháng 4, qua hình ảnh, CSGT phát hiện hơn 42.200 trường hợp vi phạm giao thông nên ra quyết định "phạt nguội", trong đó số lượng xe máy là 13.458, chiếm tỷ lệ 31,8%.

Theo Thượng tá Lê Mạnh Hà, hình ảnh người đi xe máy vi phạm giao thông được tiếp nhận qua nhiều kênh như người dân cung cấp qua ứng dụng VneID của Bộ Công an, đăng tải lên mạng xã hội; hoặc cảnh sát giao thông phát hiện xe máy vi phạm nhưng không dừng được để xử lý ngay ở hiện trường nên quay lại clip làm cơ sở.

Các hành vi được ghi nhận xử phạt thường là nguyên nhân dẫn đến tai nạn và ùn tắc giao thông, như chạy xe quá tốc độ quy định, không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu, chạy ngược chiều, đường, khu vực cấm, dừng, đỗ không đúng quy định.

Theo ông Hà, mặc dù ra quyết định "phạt nguội" gần 13.500 trường hợp, nhưng đến nay chỉ có 325 chủ xe đến đóng phạt với số tiền trên 236 triệu đồng.

Đại diện Công an TP.HCM cho rằng, việc "phạt nguội" đối với xe máy vẫn còn nhiều khó khăn. Lý do đầu tiên là người mua, bán xe không sang tên nên chủ phương tiện không nhận được thông báo xử phạt. Ngoài ra, khác với ôtô, xe máy, môtô không phải đăng kiểm, chủ xe vi phạm thường không tự nguyện lên cơ quan chức năng để phối hợp giải quyết vụ việc.

Để khắc phục tình trạng chủ xe máy vi phạm không nộp phạt, thời gian tới lực lượng cảnh sát giao thông sẽ kết hợp giữa "phạt nguội" và tuần tra, kiểm soát để phát hiện, xử lý vi phạm. Các lực lượng cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác đảm bảo an ninh trật tự và phát hiện, xử lý vi phạm luật giao thông.

Tàu biển va chạm sà lan, 9 container rơi xuống sông Đồng Nai

Tàu Interasia Pursuit quốc tịch Singapore, trọng tải hơn 23.000 tấn chạy trên sông Đồng Nai tông trúng sà lan chở container làm 9 thùng hàng rơi xuống nước, chiều ngày 23/5.

Sà lan rơi xuống sông Đồng Nai sau va chạm, chiều 23/5

Sà lan rơi xuống sông Đồng Nai sau va chạm, chiều 23/5

Gần 14h, tàu Interasia Pursuit chở 468 container hành trình từ cảng Cát Lái, TP. Thủ Đức đi cảng Port Klang - Malaysia. Sau khi rời bến được một đoạn, tàu hàng va chạm với sà lan số hiệu SP-ITC 01, đang chở 63 container chạy hướng ngược lại về khu vực cảng quốc tế SP-ITC. Thời điểm xảy ra va chạm, khu vực trên đang có mưa lớn, gió giật mạnh.

Tai nạn không gây thương vong, nhưng sà lan chở container bị hư hại phần vỏ bên mạn trái. 9 thùng hàng trên phương tiện này cũng bị rơi xuống sông, trôi dạt ở khu vực gần cảng Cát Lái. Riêng tàu Interasia Pursuit được ghi nhận không thiệt hại sau vụ va chạm.

Ông Ngô Quang Hưng, Phó Giám đốc Cảng vụ Hàng hải TP.HCM cho biết, các thùng hàng rơi từ sà lan xuống sông Đồng Nai đều rỗng. Sau khi xảy ra tai nạn, Cảng vụ phối hợp các đơn vị liên quan huy động tàu, canô đến hiện trường và trục vớt được 8 container. Thùng hàng còn lại bị rách, nghi chìm xuống sông, đang tiếp tục được tìm kiếm không để ảnh hưởng đến luồng hàng hải. Vụ va chạm cũng không gây tràn dầu ảnh hưởng môi trường.

Chủ tịch Venus Phú Thọ bị cấm xuất cảnh

Hải quan gửi văn bản tới Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) thông báo việc tạm hoãn xuất cảnh với bà Lê Thị Thanh Sơn, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty TNHH Venus Phú Thọ.

Tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, phương tiện chuyên chở duy nhất được cấp phép là hệ thống xe ô tô điện

Tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, phương tiện chuyên chở duy nhất được cấp phép là hệ thống xe ô tô điện

Cơ quan CSĐT Công an TP Việt Trì (Phú Thọ) vừa khởi tố bị can, tạm giam ông Lê Trường Giang, Giám đốc Khu di tích lịch sử Đền Hùng, để điều tra về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Công an cho rằng, ông Giang đã để Công ty TNHH Venus Phú Thọ do ông Bùi Quốc Huy, Trưởng Phòng tổ chức hành chính của Khu di tích lịch sử Đền Hùng, điều hành, được hoạt động dịch vụ vận chuyển hành khách bằng xe ô tô điện tại khu di tích.

Công ty TNHH Venus Phú Thọ thành lập năm 2016, có trụ sở tại phường Nông Trang, TP. Việt Trì, Phú Thọ. Doanh nghiệp này hoạt động trong lĩnh vực vận tải hành khách đường bộ bằng xe điện trong các khu du lịch; bán buôn máy móc, thiết bị và phụ tùng máy móc và dịch vụ hỗ trợ kinh doanh khác.

Ngày 4/4 vừa qua, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng khu vực 2 (Cục Hải quan TP. Hải Phòng) có văn bản gửi Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) thông báo tạm hoãn xuất cảnh với bà Lê Thị Thanh Sơn, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty TNHH Venus Phú Thọ.

Bà Sơn là đại diện pháp luật của Công ty TNHH Venus Phú Thọ, đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính nhưng chưa chấp hành.

Hải quan nêu rõ, thời gian tạm hoãn xuất cảnh với bà Sơn được tính từ ngày 4/4 đến khi chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính vào ngân sách nhà nước.

Tin cùng chuyên mục