Bản tin thời sự sáng 3/3

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là TP.HCM bỏ quy định xét nghiệm toàn bộ học sinh của lớp có F0; nhà mạng đề xuất thu phí SMS Banking đồng giá 11.000 đồng; cấp giấy phép kinh doanh hàng không cho Sun Air; Lạng Sơn thí điểm giao nhận hàng hoá không tiếp xúc với Trung Quốc; bắt giữ gần 500 tấn dầu mập mờ nguồn gốc trên sông Sài Gòn…

TP.HCM bỏ quy định xét nghiệm toàn bộ học sinh của lớp có F0

Theo quy định mới được điều chỉnh, khi lớp xuất hiện trường hợp F0, cơ sở y tế chỉ xét nghiệm nhanh hoặc test PCR đối với giáo viên, học sinh có triệu chứng nghi nhiễm.

Khi lớp có F0, chỉ học sinh, giáo viên có triệu chứng nghi nhiễm SARS-CoV-2 mới cần xét nghiệm. Ảnh minh họa

Khi lớp có F0, chỉ học sinh, giáo viên có triệu chứng nghi nhiễm SARS-CoV-2 mới cần xét nghiệm. Ảnh minh họa

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh là F1 đi học trở lại sau khi hoàn thành cách ly y tế tại nhà, UBND TP.HCM vừa ban hành văn bản điều chỉnh nội dung quy định tại bước 3 trong quy trình xử lý khi phát hiện trường hợp F0 tại cơ sở giáo dục.

Cụ thể, thay vì xét nghiệm nhanh kháng nguyên mẫu gộp cho toàn bộ F1, học sinh, giáo viên của lớp có F0, nếu mẫu gộp dương tính, tiến hành giải gộp ngay bằng xét nghiệm nhanh kháng nguyên như quy định trước đây, trạm y tế cấp xã hoặc cơ sở y tế phối hợp cơ sở giáo dục tổ chức xét nghiệm nhanh kháng nguyên hoặc test RT-PCR cho trường hợp học sinh, giáo viên có triệu chứng nghi mắc Covid-19 của lớp có F0.

Bên cạnh đó, quy định về việc xét nghiệm đối với trường hợp F1 sau khi hoàn thành cách ly y tế tại nhà cũng được điều chỉnh. Việc xét nghiệm nhanh sẽ không cần do nhân viên y tế thực hiện hay giám sát như quy định trước.

Với sự điều chỉnh này, phụ huynh tự thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên cho học sinh tại nhà vào ngày thứ 5 nếu đã tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19 hoặc ngày thứ 7 nếu chưa tiêm đủ liều.

Sau đó, phụ huynh thông báo kết quả xét nghiệm cho giáo viên chủ nhiệm lớp bằng cách gửi hình ảnh xét nghiệm qua email, Zalo hay tin nhắn điện thoại.

Trường hợp gia đình không có điều kiện thực hiện test nhanh cho con tại nhà, phụ huynh có thể đưa học sinh đến trạm y tế để được nhân viên y tế thực hiện. Phụ huynh hoặc nhân viên y tế thông báo kết quả xét nghiệm cho giáo viên chủ nhiệm. Kết quả âm tính gửi đến giáo viên được xem như đủ điều kiện cho học sinh quay trở lại trường học.

Nhà mạng đề xuất thu phí SMS Banking đồng giá 11.000 đồng

Nhà mạng đưa ra mức thu SMS Banking 11.000 đồng một tháng nhưng một số lãnh đạo ngân hàng cho rằng với mức này, họ vẫn phải bù lỗ như trước.

Khách hàng nhận tin nhắn báo mã OTP

Khách hàng nhận tin nhắn báo mã OTP

Hiện nay nhiều ngân hàng thu từ 7.700 đồng đến 13.500 đồng cho phí SMS Banking. Một số nhà băng có tệp khách hàng đông đảo mới đây đã áp dụng mức thu cao hơn theo biểu luỹ tiến, cao nhất là 82.500 đồng một người.

Trước khi tăng phí, các ngân hàng đã nhiều lần đề xuất nhà mạng giảm phí SMS Banking. Hai bên gần đây đã có cuộc trao đổi để tìm ra phương án thu phí hợp lý hơn. Sau cuộc họp được Hiệp hội Ngân hàng (VNBA) đứng ra tổ chức, giải pháp được đưa ra là thu trọn gói thay vì tính phí trên từng tin nhắn như hiện nay.

Phó Cục trưởng Viễn Thông (Bộ Thông tin & Truyền Thông) Trần Duy Hải cho biết, các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp viễn thông đã thống nhất phương án thu trọn gói một mức cố định 11.000 đồng một tháng (đã bao gồm VAT) và không giới hạn số lượng tin nhắn khi dùng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.

Nếu áp dụng mức thu đồng giá này, ông Hải tính toán, doanh thu cước SMS Banking của doanh nghiệp viễn thông sẽ giảm 20 - 30%.

Từ phía góc độ VNBA, ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký Hiệp hội cho biết, một số nhà băng đồng thuận với mức thu này nhưng nhiều đơn vị vẫn chưa đồng tình. Mỗi ngân hàng sẽ phải làm việc trực tiếp và ký hợp đồng với từng nhà mạng để chốt phương án sau cùng.

Theo đại diện VNBA, mức giá cước trọn gói của nhà mạng đưa ra là 11.000 đồng cũng là giá cước trung bình mà các ngân hàng đang áp dụng. Với cách tính này, khách hàng sử dụng ít hay nhiều tin nhắn vẫn trả 11.000 đồng thay vì chia thành các gói nhỏ như trước.

Cấp giấy phép kinh doanh hàng không cho Sun Air

Ngày 2/3, Bộ Giao thông vận tải vừa cấp giấy phép kinh doanh hàng không cho Sun Air, hãng hàng không trực thuộc Sun Group.

Hình ảnh thương hiệu máy bay Sun Air.

Hình ảnh thương hiệu máy bay Sun Air.

Đại diện Sun Group cho biết, hãng hàng không Sun Air sẽ cung cấp hai loại hình, dịch vụ quản lý tàu bay tư nhân và dịch vụ bay thuê chuyến, bay tham quan ngắm cảnh, du lịch bằng trực thăng và thủy phi cơ.

Theo lộ trình, từ quý III/2022, hãng sẽ khai thác 2 máy bay phản lực thương gia Gulfstream G650ER. Giai đoạn 2023-2025, hãng dự kiến đưa vào vận hành 4 máy bay Gulfstream G650ER, 1 máy bay Gulfstream G700, một trực thăng và hai thuỷ phi cơ.

Hãng hướng tới nhóm khách hàng thượng lưu có khả năng chi trả cao như các doanh nhân, cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước đi giao dịch công tác, khảo sát dự án, chữa bệnh, tham quan, du lịch và nghỉ dưỡng. Hãng hàng không của Sun Group cũng đặt mục tiêu trở thành hãng cung cấp chuyên cơ toàn cầu, sử dụng các loại tàu bay tốc độ nhất thế giới.

Đến ngày 31/12/2021, cả nước có 6 doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh vận chuyển hàng không là Vietnam Airlines, Pacific Airlines, VASCO, Vietjet, Bamboo Airways, Vietravel Airlines và 4 đơn vị có giấy phép kinh doanh hàng không chung là Công ty CP Hàng không lưỡng dụng Ngôi Sao Việt, Công ty CP Hàng không Hành tinh xanh, Tổng công ty Trực thăng Việt Nam và Công ty CP Hàng không Hải Âu.

Lạng Sơn thí điểm giao nhận hàng hoá không tiếp xúc với Trung Quốc

Phương thức giao nhận hàng hoá "không tiếp xúc" được tỉnh Lạng Sơn và tỉnh Bằng Tường (Trung Quốc) thí điểm tại cửa khẩu Hữu Nghị.

Conainer chở hàng nằm chờ tại bãi xe Bảo Nguyên, gần cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn)

Conainer chở hàng nằm chờ tại bãi xe Bảo Nguyên, gần cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn)

Giao nhận hàng hoá không tiếp xúc có 5 bước. Trước tiên, mỗi lượt xe xuất hàng của Việt Nam vào hai bãi chờ xuất khẩu trên tuyến đường chuyên dụng vận tải (cột mốc 1119-1120). Bãi chờ xuất hàng sẽ cắt container, còn bãi chờ nhập sẽ cẩu container. Việc cắt và cẩu container do lao động người Việt thực hiện.

Sau đó, tài xế điều khiển đầu kéo rời khỏi bãi để lực lượng y tế khử khuẩn, làm sạch. Chỉ có công nhân vận hành cẩu được trang bị quần áo bảo hộ, khẩu trang... được ở lại. Buồng lái xe cẩu hàng phải được niêm phong.

Phía Trung Quốc sẽ bố trí lượng xe tương ứng tại hai bãi chờ xuất này. Nhân viên Trung Quốc sẽ thực hiện toàn bộ quy trình nối container, cẩu container lên phương tiện. Sau khi hoàn thành lái xe chuyên trách Trung Quốc sẽ kéo xe hàng về phía Trung Quốc, giao hàng qua đường chuyên dụng vận tải hàng hoá khu vực mốc 1119-1120.

Sau khi hoàn thành việc giao hàng, lái xe chuyên trách Trung Quốc điều khiển phương tiện đi theo đường xuất nhập cảnh (khu vực mốc 1116-1117) và trả container rỗng (không có hàng hoá) tại bãi xe phía sau cửa hàng miễn thuế.

Trả xong container rỗng, lái xe chuyên trách Trung Quốc đưa xe đầu kéo vào hai bãi để nhận tiếp hàng hoặc quay về Trung Quốc theo đường xuất nhập cảnh.

Phương thức giao nhận không tiếp xúc này, được lãnh đạo Sở Công Thương Lạng Sơn kỳ vọng sẽ giúp tăng năng lực thông quan tại các cửa khẩu của tỉnh này lên gấp đôi, hoặc ba hiện nay.

Hiện nay, Lạng Sơn vẫn dừng tiếp nhận xe chở hoa quả tươi lên cửa khẩu tới ngày 5/3, để giải phóng hết khoảng 1.500 xe đang ùn ứ tại các cửa khẩu, trong đó 64% là xe nông sản.

TP.HCM tăng gần 4.600 chuyến xe buýt mỗi ngày so với hồi tháng 1

Hệ thống xe buýt tại thành phố TP.HCM hiện hoạt động với khoảng 12.250 chuyến mỗi ngày, tăng gần 4.600 chuyến so với hồi tháng 1 đáp ứng nhu cầu đi lại tăng cao.

Xe buýt chạy trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh)

Xe buýt chạy trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh)

Theo Phó giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thuộc Sở Giao thông vận tải TP.HCM Lê Hoàn cho biết, hiện học sinh, sinh viên đến trường học trực tiếp nên nhu cầu đi xe buýt ở Thành phố dần phục hồi so với trước dịch. Những ngày cuối tháng 2, khách đi xe buýt bình quân hơn 163.000 lượt mỗi ngày, tăng 125% ngày thường hồi tháng 1 và 8% cùng kỳ năm ngoái.

Ngoài tăng chuyến, phía Trung tâm cho biết, thời gian hoạt động của xe buýt cũng được điều chỉnh dài hơn để đáp ứng nhu cầu đi lại. Nhiều tuyến hoạt động trong 5h - 21h mỗi ngày, thay vì chỉ đến 19h như trước.

Theo ông Lê Hoàn, hiện 90 tuyến xe buýt có trợ giá tại Thành phố đã có 88 tuyến hoạt động trở lại. Hai tuyến còn lại số 50 (Đại học Bách Khoa - Đại học Quốc gia) và 16 (Bến xe Chợ Lớn - Bến xe Tân Phú) dự kiến vận hành từ ngày 7/3, khi các trường trên lộ trình xe cho học sinh, sinh viên đi học trở lại. Riêng với 36 tuyến buýt không trợ giá đến nay cũng đã có 14 tuyến chạy lại.

TP.HCM hiện có gần 2.100 xe buýt hoạt động trên 126 tuyến, gồm 90 tuyến trợ giá và 36 tuyến không trợ giá.

Bắt giữ gần 500 tấn dầu mập mờ nguồn gốc trên sông Sài Gòn

Kiểm tra hai tàu, một xà lan trên sông Sài Gòn, lực lượng chức năng phát hiện gần 500 tấn dầu không có hóa đơn, chưa đầy đủ hóa đơn chứng từ kèm theo, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Khu vực phát hiện hai tàu và một xà lan chở gần 500 tấn dầu trên sông Sài Gòn

Khu vực phát hiện hai tàu và một xà lan chở gần 500 tấn dầu trên sông Sài Gòn

Ngày 2/3, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về Tham nhũng, Kinh tế, Buôn lậu - Bộ Công an đã phát hiện và phối hợp với Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan; Công an TP.HCM tiến hành kiểm tra các phương tiện và hoạt động kinh doanh vận tải xăng dầu của Công ty TNHH Thương mại vận tải xăng dầu Phúc Thọ.

Kiểm tra 2 tàu số hiệu SG9231, SG3190 và một xà lan chứa dầu tại khu vực sông Sài Gòn (phường Phú Thuận, Quận 7) của Công ty TNHH Thương mại vận tải xăng dầu Phúc Thọ, lực lượng chức năng ghi nhận hàng hóa chứa trên các phương tiện trên là gần 500 tấn dầu FO và DO.

Theo đó, tàu SG9231 chứa 306 tấn (tương đương 370.000 lít) dầu DO (chỉ có phiếu xuất kho của Tổng công ty Xăng dầu Nhà Bè), trong đó 120 tấn dầu DO không có hóa đơn chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa.

Lời khai thuyền trưởng tàu SG9231 và những người liên quan thể hiện, đây là lô hàng tái xuất cho tàu biển quốc tế. Hiện tại lô hàng trên chưa tái xuất, nhưng thực tế những người này đã phá niêm phong chì của Hải quan và cơ quan chức năng.

Tàu SG3190 chứa 96 tấn (tương đương 103.000 lít) dầu DO, trong đó 5 tấn dầu DO không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.

Xà lan chứa 77 tấn (tương đương 88.000 lít) dầu FO, không có hóa đơn chứng từ, có dấu hiệu nhập lậu thông qua hình thức tái xuất cho tàu biển quốc tế.

Cục Cảnh sát kinh tế đang phối hợp với Cục Điều tra chống buôn lậu, Công an TP.HCM tiếp tục xác minh, làm rõ.

Tin cùng chuyên mục