Bản tin thời sự sáng 4/2

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là lập 4 Đảng bộ trực thuộc Trung ương; động đất ở Hà Nội; giá vàng nhẫn lên sát đỉnh 89 triệu đồng; khối ngoại bán ròng mạnh phiên sau Tết…

Lập 4 Đảng bộ trực thuộc Trung ương

Sáng 3/2, Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì hội nghị công bố các quyết định của Bộ Chính trị về việc thành lập, chỉ định nhân sự 4 Đảng bộ trực thuộc Trung ương và 3 cơ quan Đảng ở Trung ương.

Tổng Bí thư Tô Lâm trao quyết định thành lập Đảng bộ, tổ chức bộ máy, chức năng nhiệm vụ và chỉ định Bí thư, các Phó Bí thư Đảng ủy Chính phủ nhiệm kỳ 2020 - 2025

Tổng Bí thư Tô Lâm trao quyết định thành lập Đảng bộ, tổ chức bộ máy, chức năng nhiệm vụ và chỉ định Bí thư, các Phó Bí thư Đảng ủy Chính phủ nhiệm kỳ 2020 - 2025

Tại hội nghị, Ban Tổ chức Trung ương thông báo các quyết định về việc kết thúc hoạt động của Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương; Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương; Ban cán sự đảng Chính phủ; Đảng đoàn Quốc hội; Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; các Đảng đoàn, Ban cán sự đảng ở Trung ương do Ban Bí thư thành lập; Ban Đối ngoại Trung ương.

Ban Tổ chức Trung ương cũng thông báo các quyết định thành lập đảng bộ mới và việc hợp nhất, đổi tên gồm: Lập Đảng bộ các cơ quan Đảng Trung ương; Đảng bộ Chính phủ; Đảng bộ Quốc hội; Đảng bộ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương.

Bộ Chính trị chỉ định Ban Chấp hành Đảng bộ các cơ quan Đảng Trung ương nhiệm kỳ 2020 - 2025 gồm 30 người; Ban Thường vụ Đảng ủy các cơ quan Đảng Trung ương nhiệm kỳ 2020 - 2025 gồm 17 người. Ông Trần Cẩm Tú, Thường trực Ban Bí thư giữ chức Bí thư Đảng ủy các cơ quan đảng Trung ương nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Ban Chấp hành Đảng bộ Chính phủ nhiệm kỳ 2020 - 2025 gồm 57 người; Ban Thường vụ Đảng ủy Chính phủ nhiệm kỳ 2020 - 2025 gồm 17 người, do Thủ tướng Phạm Minh Chính làm Bí thư Đảng ủy.

Ban Chấp hành Đảng bộ Quốc hội nhiệm kỳ 2020 - 2025 gồm 39 người; Ban Thường vụ Đảng ủy Quốc hội nhiệm kỳ 2020 - 2025 gồm 21 người; Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn giữ chức Bí thư Đảng ủy Quốc hội nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Ban Chấp hành Đảng bộ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương nhiệm kỳ 2020 - 2025 gồm 29 người; Ban Thường vụ Đảng ủy Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương nhiệm kỳ 2020 - 2025 gồm 12 người. Bí thư Đảng ủy là ông Đỗ Văn Chiến, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Quyết định hợp nhất Ban Tuyên giáo Trung ương và Ban Dân vận Trung ương; đổi tên Ban Kinh tế Trung ương thành Ban Chính sách, chiến lược Trung ương, cũng được công bố.

Bộ Chính trị phân công ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương giữ chức Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương.

Ông Trần Lưu Quang, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, giữ chức Trưởng ban Chính sách, chiến lược Trung ương.

Động đất ở Hà Nội

Trận động đất mạnh 2,6 độ gây rung lắc ở một số xã ngoại thành thuộc huyện Chương Mỹ, Mỹ Đức và Hoài Đức, tối 3/2.

Chấm đỏ là vị trí xảy ra động đất tối 3/2

Chấm đỏ là vị trí xảy ra động đất tối 3/2

Viện Vật lý địa cầu cho biết, động đất xảy ra lúc 19h52, độ sâu chấn tiêu khoảng 8 km, tâm chấn tại xã Thủy Xuân Tiên, huyện Chương Mỹ, nằm trên ranh giới TP. Hà Nội và tỉnh Hòa Bình.

Người dân nhiều xã ở huyện Chương Mỹ, Mỹ Đức, Hoài Đức, cách trung tâm Hà Nội khoảng 30 - 50 km, chia sẻ cảm nhận rung lắc nhẹ khoảng 3 - 5 giây, chưa ghi nhận thiệt hại.

Lần gần nhất huyện Hoài Đức xảy ra động đất vào tháng 3/2024, mạnh 4 độ.

Huyện Mỹ Đức và Chương Mỹ nằm trên đứt gãy sông Hồng. Đới đứt gãy này dài khoảng 1.560 km, bắt đầu từ Vân Nam (Trung Quốc) kéo đến vịnh Bắc Bộ. Kết quả nghiên cứu của Viện Vật lý địa cầu cho thấy, Chương Mỹ, Mỹ Đức cũng như vùng trũng Hà Nội có thể xảy ra động đất với độ lớn dưới 5,3.

Theo thang độ lớn mô men, động đất 2,5 - 5,4, người dân cảm nhận được và chỉ gây hư hại nhỏ. Độ lớn 5,5 - 6 gây thiệt hại cho các tòa nhà; 6,1 - 6,9 có thể gây thiệt hại đáng kể cho khu đông dân cư; từ 7 trở lên gây thiệt hại nghiêm trọng.

Giá vàng nhẫn lên sát đỉnh 89 triệu đồng

Mỗi lượng vàng nhẫn tăng hơn nửa triệu đồng ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán và ở gần vùng đỉnh 89 triệu đồng.

Giá vàng nhẫn lên sát đỉnh 89 triệu đồng

Giá vàng nhẫn lên sát đỉnh 89 triệu đồng

Sáng 3/2, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng nhẫn 87 - 88,7 triệu đồng một lượng, cao hơn 700.000 đồng so với trước Tết. Còn tại Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI, nhẫn trơn lên 87,6 - 89 triệu đồng một lượng. Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) công bố giá nhẫn trơn tại 87 - 88,7 triệu đồng.

Cùng lúc, giá vàng miếng tại SJC cũng lên 87,3 - 89,3 triệu đồng, tăng 500.000 đồng một lượng so với trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Các ngân hàng quốc doanh cũng nâng giá bán vàng miếng ra thị trường lên 89,3 triệu đồng một lượng.

Giá vàng trong nước tăng trong bối cảnh kim loại quý trên thị trường quốc tế những ngày qua tăng mạnh và xác lập kỷ lục mới. Ngày 31/1, giá vàng thế giới lập đỉnh 2.815 USD một ounce trước khi hạ nhiệt về vùng 2.780 USD.

Quy đổi theo tỷ giá bán Vietcombank, giá vàng thế giới sáng 3/2 tương đương 85,4 triệu đồng một lượng. Chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới hiện xoay quanh 3,5 - 4 triệu đồng một lượng.

Khối ngoại bán ròng mạnh phiên sau Tết

Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng gần 1.500 tỷ đồng trong phiên chứng khoán giảm hơn 12 điểm sau kỳ nghỉ Tết.

Khối ngoại bán ròng mạnh phiên sau Tết

Khối ngoại bán ròng mạnh phiên sau Tết

Từ lúc mở cửa, khối ngoại đã liên tục xả cổ phiếu. Các lệnh bán chiếm áp đảo và liên tục được đưa lên sàn HoSE. Cả phiên, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng khoảng 1.461 tỷ đồng. Nếu trừ phiên 16/1 do có giao dịch thỏa thuận thoái vốn của VIC, đây là mức cao nhất kể từ giữa tháng 11/2024, tức gần 3 tháng qua.

Khối ngoại bán ra mạnh nhất ở FPT. Mã này bị xả ròng hơn 508 tỷ đồng. Dưới áp lực trên, cổ phiếu này giảm 5,1% về 145.500 đồng. FPT cũng dẫn đầu về thanh khoản với 1.874 tỷ đồng, chiếm hơn 13% tổng giá trị giao dịch sàn HoSE. Hơn 59% khớp lệnh đến từ bên bán chủ động.

VNM cũng là cổ phiếu bị xả mạnh với mức bán ròng hơn 315 tỷ đồng. Mã này giảm 2,7% về 40.500 đồng. Thanh khoản đứng thứ ba thị trường với 443 tỷ đồng. Bên bán chủ động chiếm hơn 54% khớp lệnh.

FPT và VNM là hai cổ phiếu nằm trong nhóm những mã ảnh hưởng tiêu cực nhất đến chứng khoán hôm nay. Chỉ số sàn HoSE đi dưới tham chiếu cả ngày và đóng cửa ở trên 1.253 điểm, giảm hơn 12 điểm.

Thị trường có 308 cổ phiếu giảm, nhiều hơn hẳn 166 cổ phiếu tăng. Ngoài FPT và VNM, nhóm bluechip nói chung ảnh hưởng rất lớn tới chứng khoán. Rổ VN30 ghi nhận 25 mã đi lùi khiến chỉ số đại diện rơi hơn 22 điểm.

Trong phiên giảm điểm, thanh khoản toàn sàn HoSE tăng hơn 1.700 tỷ đồng so với phiên trước Tết. Tổng giá trị giao dịch ghi nhận xấp xỉ 14.000 tỷ đồng. Tuy nhiên bên bán lại chiếm phần lớn.

Hơn 25.000 chuyến bay được điều hành an toàn dịp Tết

Dịp nghỉ Tết 2025, số lượng chuyến bay đạt kỷ lục hơn 25.000 chuyến được điều hành an toàn.

Kíp trực Điều hành bay tại Đài Kiểm soát không lưu Tân Sơn Nhất dịp Tết

Kíp trực Điều hành bay tại Đài Kiểm soát không lưu Tân Sơn Nhất dịp Tết

Ngày 3/2, đại diện Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) cho biết, trong suốt kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, từ ngày 25/1/2025 đến hết ngày 3/2/2025, VATM đã điều hành thành công 25.328 chuyến bay, với tổng số chuyến bay đạt kỷ lục 3.005 chuyến vào ngày 25/1/2025 (tức 26 Tết), ngày có sản lượng điều hành bay cao nhất trong dịp Tết.

Ngày cuối của kỳ nghỉ Tết, các sân bay quốc tế lớn như Tân Sơn Nhất, Nội Bài và Đà Nẵng đã đón số chuyến bay cất và hạ cánh tăng mạnh.

Tại Tân Sơn Nhất, số chuyến bay đạt 978 lần (ngày 2/2 tức mùng 5 Tết), Nội Bài đón 570 chuyến (ngày 2/2) và Đà Nẵng ghi nhận 269 chuyến bay (ngày 2/2).

"Với sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị hàng không, cơ quan khí tượng và các cơ quan chức năng, tình hình điều hành bay trong dịp Tết diễn ra ổn định và an toàn. Hệ thống thông tin, dẫn đường, giám sát hoạt động bay được duy trì ổn định và thông suốt, góp phần quan trọng trong việc giảm thiểu tình trạng tàu bay phải bay chờ tại các sân bay có mật độ bay đông", đại diện VATM thông tin.

Bộ Tài chính đề xuất miễn, giảm tiền thuê đất cho dự án nông nghiệp

Để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào dự án nông nghiệp, nông thôn, Bộ Tài chính đề xuất miễn, giảm tiền thuê đất từ 5 - 15 năm cho nhóm này.

Bất động sản TP.HCM với các khu đất nông nghiệp

Bất động sản TP.HCM với các khu đất nông nghiệp

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo quy định các trường hợp được miễn, giảm tiền sử dụng đất, thuê đất chưa được quy định trong Luật Đất đai 2024. Trong đó, Bộ đề xuất miễn, giảm tiền thuê đất cho các doanh nghiệp đầu tư vào dự án nông nghiệp, nông thôn.

Cụ thể, các dự án nông nghiệp ưu đãi đầu tư, dự án nông nghiệp khuyến khích đầu tư sẽ được miễn tiền thuê đất trong suốt thời gian xây dựng cơ bản. Sau thời điểm này, các dự án nông nghiệp ưu đãi đầu tư sẽ tiếp tục được miễn tiền thuê đất trong 15 năm và giảm 50% tiền thuê trong 7 năm tiếp theo.

Còn các dự án nông nghiệp khuyến khích đầu tư sẽ được miễn tiền thuê đất thêm 11 năm và giảm 50% tiền thuê trong 5 năm kế tiếp. Với nhóm doanh nghiệp đầu tư dự án nông nghiệp nhỏ và vừa, Bộ đề xuất được miễn tiền thuê đất 5 năm, giảm 50% tiền thuê đất trong 10 năm tiếp theo.

Ngoài ra, các trường hợp được thuê đất hàng năm sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối mà bị thiên tai, hỏa hoạn cũng sẽ được miễn, giảm tiền thuê đất theo từng mức thiệt hại cụ thể.

Trước đó, Bộ Tài chính cũng đề xuất Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết kéo dài thời gian miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp thêm 5 năm, đến hết 2030.

Đề xuất miễn thuế thu nhập cho nhà khoa học nghiên cứu công nghệ đường sắt

Bộ Giao thông vận tải đề xuất miễn thuế thu nhập từ nhiệm vụ khoa học, công nghệ phục vụ dự án đường sắt đô thị cho các tổ chức, cá nhân.

Đường sắt trên cao tuyến Nhổn - ga Hà Nội

Đường sắt trên cao tuyến Nhổn - ga Hà Nội

Bộ Giao thông vận tải đang xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống đường sắt đô thị tại TP. Hà Nội và TP.HCM đến năm 2035.

Bên cạnh việc miễn thuế thu nhập, Bộ đề xuất nhiều chính sách mới nhằm phát triển công nghiệp đường sắt đô thị nội địa. Cụ thể, tổ chức, cá nhân chủ trì hoạt động khoa học công nghệ phục vụ dự án đường sắt đô thị được quyết định việc đấu thầu hạn chế, chỉ định thầu, đặt hàng để lựa chọn nhà thầu cung ứng dịch vụ, hàng hóa. Tổ chức, cá nhân tham gia đào tạo phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao thuộc các dự án đường sắt đô thị được hưởng các chính sách ưu đãi theo quy định pháp luật về công nghệ cao.

Ngoài ra, tổng thầu, nhà thầu phải ưu tiên sử dụng các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ mà trong nước có thể sản xuất, cung cấp. Đối với gói thầu được đấu thầu quốc tế, hồ sơ mời thầu phải có điều kiện cam kết của tổng thầu, nhà thầu nước ngoài về việc chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực cho đối tác Việt Nam. Việc này nhằm giúp doanh nghiệp trong nước làm chủ công tác quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì; từng bước làm chủ công nghệ.

Tại Hà Nội, tuyến 2A, đoạn Cát Linh - Hà Đông, sử dụng công nghệ và tiêu chuẩn Trung Quốc. Tuyến 3, đoạn Nhổn - ga Hà Nội, sử dụng công nghệ và tiêu chuẩn châu Âu. Tuyến 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, sử dụng công nghệ và tiêu chuẩn Nhật Bản và châu Âu.

Những chính sách ưu đãi đặc thù cho doanh nghiệp, nhà khoa học trong nước nghiên cứu, làm chủ và nhận chuyển giao công nghệ được kỳ vọng khắc phục tình trạng bất nhất về công nghệ. Cùng với đó, việc làm chủ công nghệ sẽ thúc đẩy các ngành công nghiệp phụ trợ phục vụ đường sắt đô thị, được ước tính trị giá hàng tỷ USD.

Ngoài chính sách về công nghệ, dự thảo Nghị quyết cũng hướng đến đơn giản hóa trình tự, thủ tục đầu tư; phát triển công nghiệp đường sắt, chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực; chính sách vật liệu xây dựng và bãi đổ thải; phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Dự thảo cũng dành ra một chương bổ sung chính sách riêng cho TP.HCM để tăng tốc dự án đường sắt đô thị đang và sắp triển khai.

Khởi công cầu Bà Cả ở cửa ngõ phía Đông TP.HCM

Cầu Bà Cả kết nối Quốc lộ 13, TP. Thủ Đức, tổng vốn hơn 232 tỷ đồng khởi công sáng 3/2, góp phần giảm ùn tắc nút giao Gò Dưa và chỉnh trang đô thị khu Đông Thành phố.

Xe, máy xúc được huy động chuẩn bị thi công công trình

Xe, máy xúc được huy động chuẩn bị thi công công trình

Dự án có tổng chiều dài hơn 1,1 km, kết nối từ Quốc lộ 13 đến đường số 11, thuộc địa bàn hai phường Tam Bình và Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức. Công trình gồm xây mới cầu bắc qua nhánh rạch Gò Dưa hiện hữu, dài 25 m, rộng 13 m, thay cầu cũ nhỏ hẹp, xuống cấp.

Ngoài phần cầu, dự án còn nhiều hạng mục xây mới 200 m và cải tạo gần 900 m đường cũ; cải tạo hệ thống thoát nước, chiếu sáng, cây xanh...

Trong tổng mức đầu tư dự án, chi phí xây dựng chiếm hơn 70 tỷ đồng, giải phóng mặt bằng và di dời hạ tầng kỹ thuật hơn 141 tỷ đồng, còn lại là chi phí dự phòng, quản lý...

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực TP. Thủ Đức (chủ đầu tư), Dự án cầu Bà Cả trước đây được phê duyệt từ năm 2016 nhưng chưa triển khai. Tháng 9/2024, TP. Thủ Đức điều chỉnh lại Dự án, công trình dự kiến hoàn thành sau 1 năm, giúp thay thế cầu cũ tạo thuận lợi cho người dân đi lại khu vực quanh nút giao Gò Dưa thuộc phường Tam Bình và Hiệp Bình Phước.