Bản tin thời sự sáng 8/11

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là đề xuất sớm bổ sung một đường băng ở sân bay Long Thành; Quảng Ninh có thêm khu du lịch sinh thái gần 70 ha trên đảo; Hải Dương dôi dư hơn 400 cán bộ và 28 trụ sở sau sắp xếp; Khánh Hòa sẽ thu hồi gần 230 ha đất làm dự án khu đô thị hỗn hợp…

Đề xuất sớm bổ sung một đường băng ở sân bay Long Thành

Chính phủ đề xuất xây đường băng số 3 ngay trong giai đoạn một để có thể sớm khai thác hai đường băng ở sân bay Long Thành, tỉnh Đồng Nai.

Diện mạo nhà ga sân bay Long Thành sau một năm thi công

Diện mạo nhà ga sân bay Long Thành sau một năm thi công

Tại Kỳ họp thứ 8, Chính phủ sẽ trình Quốc hội điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành (sân bay Long Thành).

Theo tờ trình, thời điểm trình duyệt chủ trương đầu tư dự án sân bay năm 2015, việc xác định vốn đầu tư giai đoạn một còn khó khăn nên Quốc hội quyết định chỉ xây một đường băng ở phía Bắc sân bay. Giai đoạn hai gồm đường băng số 2 ở phía Nam và giai đoạn ba gồm 2 đường băng số 3 ở phía Bắc và đường băng số 4 ở phía Nam.

Quá trình triển khai, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam nhận thấy, việc xây dựng đường băng số 3 cách đường băng số 1 đang xây dựng 400 m về phía Bắc sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn. Việc này giúp sân bay có thể khai thác 2i đường băng ngay trong giai đoạn một, tránh phải nhờ sân bay Tân Sơn Nhất hỗ trợ khi đường băng duy nhất gặp sự cố hoặc phải sửa chữa.

Chính phủ cho rằng, việc thi công hai đường băng sẽ không làm gián đoạn khai thác đường băng số 1 khi phải đấu nối hạ tầng kỹ thuật. Nền đường băng số 3 đã san gạt để đảm bảo tĩnh không khai thác đường băng số 1 nên chi phí đầu tư khoảng 3.300 tỷ đồng, không vượt quá tổng mức đầu tư dự án.

Bên cạnh bổ sung 1 đường băng cho giai đoạn một, Chính phủ cũng kiến nghị Quốc hội điều chỉnh thời gian hoàn thành, đưa vào khai thác sân bay Long Thành giai đoạn một chậm nhất là cuối năm 2026 thay vì năm 2025. Chính phủ cũng đề xuất được tổ chức phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh giai đoạn một của Dự án theo thẩm quyền mà không phải báo cáo Quốc hội thông qua.

Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành rộng 5.000 ha, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 336.630 tỷ đồng. Giai đoạn một, sân bay xây một đường cất hạ cánh, nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ với công suất 25 triệu khách mỗi năm, dự kiến hoàn thành năm 2026.

Theo báo cáo ACV, đến tháng 9 các dự án thành phần ở sân bay tiến độ rất tốt. Tháp không lưu đã cất nóc, đang hoàn thiện. Gói thầu nhà ga hành khách đến nay đạt trên 8.300 tỷ đồng, tương đương 25% giá trị hợp đồng, dự kiến hoàn thành trước 12/2025. Công trình đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ đạt khoảng 2.015 tỷ đồng, tương đương 27%, vượt 3 tháng so với kế hoạch.

Quảng Ninh có thêm khu du lịch sinh thái gần 70 ha trên đảo

Khu nghỉ mát, du lịch sinh thái đảo Đá Dựng vừa được chấp thuận chủ trương đầu tư với quy mô gần 70 ha tại huyện Đầm Hà.

Khu nghỉ mát, du lịch sinh thái đảo Đá Dựng vừa được chấp thuận chủ trương đầu tư

Khu nghỉ mát, du lịch sinh thái đảo Đá Dựng vừa được chấp thuận chủ trương đầu tư

Theo quyết định, Khu nghỉ mát, du lịch sinh thái đảo Đá Dựng nằm trên đảo Đá Dựng, xã Đầm Hà, huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh. Quy mô dự án khoảng 66,4 ha, trong đó gần 38 ha diện tích đất rừng tự nhiên được yêu cầu không can thiệp, tác động, không được chuyển đổi mục đích sử dụng.

Phần diện tích gần 26 ha nằm ngoài không gian lâm nghiệp, không có rừng tự nhiên được đầu tư xây dựng các hạng mục công trình. Còn lại diện tích 3 ha thực hiện thủ tục giao mặt nước làm cầu tàu và vùng nước cho tàu quay đầu cập bến.

Dự án hoạt động 50 năm kể từ tháng 12/2021, thời điểm UBND Tỉnh quyết định cho thuê đất đợt 1. Tiến độ triển khai trong 24 tháng từ ngày hoàn thành thủ tục giao đất. Vốn đầu tư Dự án do nhà đầu tư xác định.

Sau khi hoàn thành, Dự án sẽ trở thành khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp theo tiêu chuẩn quốc tế với hệ thống khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng, văn hóa thể thao, vui chơi giải trí, nhà hàng.

Quyết định đồng thời chấp thuận Công ty CP Đầu tư phát triển Bảo Nguyên là chủ đầu tư Dự án. Doanh nghiệp này được thành lập từ tháng 9/2006, do ông Lưu Danh Quang làm giám đốc kiêm đại diện pháp luật, trụ sở chính tại phường Cửa ông, TP. Cẩm Phả.

Quảng Ninh là tỉnh có nhiều lợi thế phát triển khu du lịch sinh thái bởi đặc trưng địa hình hơn 80% diện tích là đồi núi, hơn 6.000 km2 mặt biển và cảnh quan thiên nhiên đẹp. Nhờ lợi thế về du lịch, thời gian qua, bất động sản nghỉ dưỡng phát triển nhanh với nhiều loại sản phẩm như condotel, nhà phố, biệt thự...

Hải Dương dôi dư hơn 400 cán bộ và 28 trụ sở sau sắp xếp

Từ ngày 1/12, tỉnh Hải Dương sẽ giảm số đơn vị hành chính cấp xã từ 207 xuống còn 179 nên dôi dư 424 cán bộ và 28 trụ sở UBND cấp xã.

Trụ sở xã Thạch Lỗi cũ chuyển cho Ban Chỉ huy quân sự thị trấn Cẩm Giang và Trường Mầm non thị trấn Cẩm Giang

Trụ sở xã Thạch Lỗi cũ chuyển cho Ban Chỉ huy quân sự thị trấn Cẩm Giang và Trường Mầm non thị trấn Cẩm Giang

Theo Nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính 21 tỉnh thành của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tỉnh Hải Dương sẽ có 9 huyện, một thị xã và hai thành phố; 151 xã, 46 phường và 10 thị trấn. Sau sắp xếp, Hải Dương giảm 26 xã, một phường và dôi dư 28 trụ sở UBND xã phường.

Tỉnh Hải Dương quyết định chuyển 14 trụ sở dôi dư thành nơi làm việc của công an, Ban Chỉ huy quân sự; 10 trụ sở làm trường học; số còn lại được bố trí làm trạm y tế, nhà văn hóa, nơi làm việc của các đoàn thể.

Ngoài ra, Hải Dương cũng dôi dư 424 cán bộ, công chức, viên chức đang làm việc tại các đơn vị trong diện sắp xếp. Tỉnh đã lên phương án cho 41 cán bộ, công chức nghỉ hưu; 147 người được vận động nghỉ trước tuổi, nghỉ chờ về hưu hoặc tinh giản biên chế.

Số còn lại sẽ được tiếp nhận làm công chức cấp huyện hoặc điều động sang các xã còn thiếu trên cùng huyện. Lộ trình đến năm 2025, tỉnh sẽ giảm khoảng 60 người; các năm 2026 - 2028 sẽ giảm 106 và năm 2029 giảm 70 người.

Tỉnh Hải Dương sẽ công bố nghị quyết về sắp xếp tại cấp huyện trước ngày 15/11. UBND cấp huyện sẽ phối hợp với Công an tỉnh trong việc cấp đổi con dấu, giấy tờ cho người dân bảo đảm nhanh chóng, kịp thời, không để ảnh hưởng đến hoạt động của các đơn vị, người dân, doanh nghiệp.

Khánh Hòa sẽ thu hồi gần 230 ha đất làm dự án khu đô thị hỗn hợp

Địa phương sẽ thu hồi gần 230 ha tại xã Vĩnh Thái và phường Phước Long để làm Dự án Khu đô thị hỗn hợp TP. Nha Trang.

TP. Nha Trang dự kiến thu hồi 229,12 ha tại xã Vĩnh Thái và phường Phước Long để làm dự án Khu đô thị hỗn hợp TP. Nha Trang

TP. Nha Trang dự kiến thu hồi 229,12 ha tại xã Vĩnh Thái và phường Phước Long để làm dự án Khu đô thị hỗn hợp TP. Nha Trang

HĐND tỉnh Khánh Hòa thông qua nghị quyết về danh mục dự án phải thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Theo đó, dự án là Khu đô thị hỗn hợp TP. Nha Trang, diện tích thu hồi đất gần 230 ha, ở xã Vĩnh Thái và phường Phước Long.

Dự án là khu đô thị có công năng phục vụ hỗn hợp, thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia, công cộng theo Điều 79 Luật Đất đai 2024.

Theo Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa đến năm 2040 được Thủ tướng phê duyệt, khu vực đề xuất thực hiện dự án gồm các ô đất thuộc quy hoạch công trình văn hóa cấp đô thị, đất dịch vụ đô thị, công viên công cộng, bãi đỗ xe, công viên chuyên đề, giao thông...

Còn theo đồ án điều chỉnh Quy hoạch phân khu (tỷ lệ 1/2000) Khu đô thị - công viên - trung tâm hành chính mới tỉnh Khánh Hòa (rộng hơn 654 ha), đã được UBND Tỉnh phê duyệt, nơi làm dự án khu đô thị hỗn hợp gồm các ô đất đã được quy hoạch. Việc thu hồi đất nhằm đảm bảo cơ sở để thực hiện thủ tục đầu tư dự án thông qua đấu thầu chọn nhà đầu tư có sử dụng đất.

Công ty VNTel gọi điện quấy rối bị phạt 70 triệu đồng

Công ty VNTel bị Bộ Thông tin và Truyền thông phạt tiền và đình chỉ dịch vụ 2 tháng vì thực hiện cuộc gọi rác để đòi nợ.

Một người nhận được cuộc gọi từ số điện thoại lạ, nghi quảng cáo trên iPhone

Một người nhận được cuộc gọi từ số điện thoại lạ, nghi quảng cáo trên iPhone

Quyết định được Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành và vừa được công bố. Trước đó, Công ty CP viễn thông tin học Việt Nam (VNTel) bị phát hiện "thực hiện cuộc gọi rác với mục đích bôi nhọ, quấy rối, đòi nợ" vào tháng 7.

Theo Nghị định số 15/2020 và Nghị định số 14/2022 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, đơn vị này bị phạt 70 triệu đồng và đình chỉ hoạt động cung cấp dịch vụ hai tháng.

VNTel được thành lập năm 2015, được giới thiệu là đơn vị chuyên cung cấp sản phẩm dịch vụ về viễn thông, tổng đài VoiP cho khách hàng Việt Nam và quốc tế.

Thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã kiểm tra và phạt nhiều doanh nghiệp về hành vi liên quan đến tin nhắn, cuộc gọi rác.

Hồi tháng 4, ba nhà mạng Viettel, CMC Telecom, FPT Telecom bị phạt mỗi đơn vị 140 triệu đồng vì vi phạm quy định tại điều 9 của Nghị định 91 về chống tin nhắn, thư điện tử, cuộc gọi rác, bị đánh giá "chưa thực hiện triệt để biện pháp ngăn chặn cuộc gọi quảng cáo đến Danh sách không quảng cáo Do Not Call (DCN)". Hồi tháng 9, nhiều công ty cũng bị phạt và thu hồi tên miền, đình chỉ hoạt động dịch vụ do phát tán tin nhắn, cuộc gọi rác qua tên định danh (brandname).

Thống kê từ hệ thống tiếp nhận phản ánh qua đầu số 5656/156 trong 6 tháng đầu năm đã nhận 479.398 phản ánh. Để tránh bị làm phiền từ tin nhắn, cuộc gọi quảng cáo sử dụng brandname, người dùng có thể đăng ký vào danh sách không quảng cáo (DNC) thông qua trang khongquangcao.ais.gov.vn, hoặc nhắn tin miễn phí theo cú pháp DNC gửi 5656.

Chủ Công ty NIPPON EPC 'mất tích' sau khi nhận 170 tỷ đồng làm các gói thầu

Ông Đoàn Quốc Bảo, chủ Công ty NIPPON EPC, bị cáo buộc nhận 4 gói thầu hơn 170 tỷ đồng rồi bỏ trốn; nhiều công nhân đập phá công trình vì không nhận được tiền.

Ông Đoàn Quốc Bảo bị cơ quan điều tra truy tìm

Ông Đoàn Quốc Bảo bị cơ quan điều tra truy tìm

Ngày 7/11, ông Đoàn Quốc Bảo bị Công an TP.HCM phát thông báo truy tìm để điều tra dấu hiệu hành vi Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Theo cơ quan điều tra, ông Bảo có cổ phần 51%, là đại diện Công ty CP Kỹ thuật Xây dựng NIPPON EPC (viết tắt NEPC, trụ sở đường Nguyễn Văn Trỗi, quận Phú Nhuận). Doanh nghiệp này là đối tác thường xuyên của Công ty TNHH MTV Hiraiwa Việt Nam trong việc thực hiện các dự án.

Mới đây, ông Ochi Yutaka (53 tuổi, quốc tịch Nhật Bản, đại diện Công ty TNHH MTV Hiraiwa Việt Nam) gửi đơn tố cáo Bảo có hành vi đưa ra thông tin gian dối, để nhận tiền thi công các công trình của doanh nghiệp mình.

Cụ thể, Hiraiwa đã ký hợp đồng 4 gói thầu với Công ty Nippon EPC. Tổng giá trị hợp đồng là hơn 170 tỷ đồng, đã được đối tác Nhật Bản thanh toán.

Các gói thầu bao gồm: nhà máy mới Kyouwa Việt Nam tại Lô 3A-27, đường số 10, Khu công nghiệp Long Hậu 3, xã Long Hậu, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An; nhà máy mới Okura Việt Nam tại Lô CII-6, đường Tân Cảng Chân Mây, Khu công nghiệp và khu phi thuế quan Sài Gòn - Chân Mây, xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế; nhà kho mở rộng tại Lô 87b, Khu công nghiệp Nội Bài, xã Quảng Tiến, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội và Nhà máy Nichirei Suco tại ấp Hòa Bình, xã Bình Nghị, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang.

Điều tra bước đầu cho thấy, sau khi ký hợp đồng và nhận tiền, ông Bảo tiếp tục đại diện Nippon EPC ký hợp đồng thầu phụ với Công ty TNHH MTV VEC (do vợ là bà Nguyễn Thị Kim Ngân đại diện, nhưng do ông này điều hành). Tiếp đó, Bảo lại dùng pháp nhân doanh nghiệp này ký với các thầu phụ làm sắt thép, gạch lót nền, gạch ốp lát, sơn nước, điện, nước... hoặc đội nhóm công nhân để xây dựng các công trình thỏa thuận với Hiraiwa.

Từ đầu tháng 5, Bảo không thi công theo tiến độ công trình, tắt điện thoại, không liên lạc với Công ty Hiraiwa, không trả tiền cho các thầu phụ, bỏ trốn khỏi nơi cư trú.

Thu hồi 26,2 tỷ đồng trong vụ mua bán hóa đơn ở Quảng Ninh

Công an tỉnh Quảng Ninh vừa triệt phá đường dây mua bán hóa đơn GTGT điện tử trái phép liên quan đến Công ty Dầu khí Quảng Ninh, thu hồi 26,2 tỷ đồng.

Cơ quan Cảnh sát điều tra và Viện KSND tỉnh Quảng Ninh thi hành các lệnh khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với Hoàng Văn Thoan

Cơ quan Cảnh sát điều tra và Viện KSND tỉnh Quảng Ninh thi hành các lệnh khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với Hoàng Văn Thoan

Ngày 7/11, Phòng Cảnh sát Kinh tế (Cơ quan Cảnh sát điều tra) Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết, đã hoàn tất điều tra giai đoạn 1 trong vụ án "Trốn thuế, mua bán trái phép hóa đơn" liên quan đến Công ty Dầu khí Quảng Ninh và một số doanh nghiệp khác trong và ngoài Tỉnh.

Cơ quan điều tra đã đề nghị truy tố 34 bị can. Tòa án Nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã đưa ra xét xử và thu hồi cho Nhà nước tổng số tiền 26,2 tỷ đồng.

Công ty Dầu khí Quảng Ninh là một trong những doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu lớn tại tỉnh Quảng Ninh, với hệ thống đại lý rộng khắp trên bộ và biển.

Trong quá trình hoạt động, công ty này đã bán trái phép số lượng lớn hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) điện tử, áp dụng thủ đoạn "xăng dầu đi một nơi, hóa đơn đi một nẻo".

Qua quá trình điều tra từ tháng 4/2023 - 7/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố vụ án hình sự và khởi tố 5 bị can, gồm Bùi Thị Phương (Phó Giám đốc), Đỗ Thị Thọ (Trưởng phòng Kinh doanh), Trương Thị Thúy Hằng (Kế toán trưởng), Nguyễn Bá Vịnh (nguyên nhân viên) và Hà Quốc Khánh (nhân viên Công ty Cổ phần Xăng dầu Dầu khí Cái Lân) về hành vi bán trái phép hóa đơn GTGT điện tử cho nhiều doanh nghiệp, thu lợi bất chính trung bình 8% trên trị giá hóa đơn.

Mở rộng điều tra, cơ quan chức năng tiếp tục khởi tố 29 bị can khác, gồm 9 người mua trái phép hóa đơn và 20 người trốn thuế. Các đối tượng này là đại lý bán lẻ xăng dầu, các đơn vị kinh doanh xây dựng, vận tải hàng hải, một số doanh nghiệp trong ngành than và xây dựng.

Các đối tượng đã lợi dụng việc các đại lý bán lẻ và doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu thực hiện hợp đồng mua bán với Công ty Dầu khí Quảng Ninh nhưng không lấy hóa đơn, để xuất bán trái phép hóa đơn GTGT điện tử với lượng dầu tương ứng cho các đơn vị khác để hưởng lợi bất chính

Trong năm 2020 - 2021, Công ty Dầu khí Quảng Ninh đã ghi hóa đơn bán hàng xuất khống trên 5,5 triệu lít dầu DO 0,05S-II cho khoảng 35 doanh nghiệp, số tiền hàng hóa ghi trên hóa đơn là trên 100 tỷ đồng.

Tiếp tục điều tra giai đoạn 2, ngày 8/10/2024, Cơ quan điều tra đã khởi tố và bắt tạm giam Hoàng Văn Thoan, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH DK Hoàng Dương, khởi tố Vũ Trường Thương (Trưởng phòng Kinh doanh của công ty này), với tội danh mua bán hóa đơn trái phép, đồng thời thu hồi số tiền hơn 1 tỷ đồng từ lợi nhuận bất chính.