Cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây dài 54 km, là tuyến giao thông cấp đặc biệt, có tốc độ lưu thông 120 km/h. Ảnh: Tiên Giang |
Gói thầu trên sử dụng nguồn vốn quản lý khai thác tuyến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây theo phương án tài chính 5 dự án được Bộ Giao thông vận tải (GTVT) phê duyệt, do VEC làm Chủ đầu tư, trực tiếp mời thầu.
Ngày 16/10/2023, Gói thầu O&M-HLD-2023 Công tác duy tu bảo dưỡng và quản lý vận hành tuyến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây năm 2023 - 2024 được mời thầu (giá gói thầu 34,75 tỷ đồng), dự kiến đóng thầu ngày 7/11/2023. Ngày 27/10/2023, Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (Vidifi) có văn bản đề nghị làm rõ yêu cầu về hợp đồng tương tự được nêu trong hồ sơ mời thầu (HSMT) về cung cấp dịch vụ quản lý, bảo dưỡng thường xuyên đường bộ cao tốc (bao gồm bảo dưỡng thường xuyên hệ thống ITS - giao thông thông minh). Ngày 6/11/2023, VEC thông báo gia hạn đóng thầu đến ngày 13/11/2023.
Trao đổi với phóng viên, cán bộ của VEC cho biết, lý do VEC không phản hồi yêu cầu làm rõ HSMT của Vidifi là Gói thầu O&M-HLD-2023 được điều chỉnh phạm vi thực hiện, theo đó kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng từ 15 tháng đến 24 tháng. Tại thời điểm đóng thầu, không có nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu (HSDT) nên sau đó VEC phải thông báo hủy thầu.
Ngày 16/2/2024, VEC thông báo mời thầu qua mạng Gói thầu O&M-HLD-2024 Công tác duy tu bảo dưỡng và quản lý vận hành tuyến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây trong thời gian 24 tháng (giá gói thầu 62,9 tỷ đồng), dự kiến đóng thầu ngày 5/3/2024.
Trong quá trình mời thầu lần 2, nhà thầu nhiều lần đề nghị làm rõ HSMT vì cho rằng có nhiều yếu tố kém cạnh tranh. Chẳng hạn, HSMT yêu cầu, hợp đồng có tính chất tương tự về cung cấp dịch vụ quản lý, bảo dưỡng thường xuyên đường bộ cao tốc (bao gồm các hạng mục công việc: quản lý vận hành, bảo dưỡng thường xuyên cầu, đường, cây xanh, an toàn giao thông, nhà trạm thu phí, hệ thống điện, hệ thống ITS) có tốc độ khai thác tối đa 120 km/h trở lên và chiều dài tối thiểu 28 km.
Nhà thầu phản ánh cho rằng, các hạng mục công việc theo yêu cầu là quá chi tiết, gây khó khăn cho nhà thầu vì không phải tuyến cao tốc nào cũng được đầu tư đầy đủ các hạng mục trên. Lần đấu thầu đầu tiên với các yêu cầu tương tự đã phải hủy thầu vì không có nhà thầu tham gia. Đến lần đấu thầu thứ 2 lại thêm tiêu chí “có tốc độ khai thác tối đa 120 km/h trở lên và chiều dài tối thiểu 28 km” sẽ càng làm khó nhà thầu…
Sau nhiều tranh luận giữa các bên, ngày 4/3/2024, VEC đã có quyết định phê duyệt điều chỉnh HSMT, trong đó sửa đổi yêu cầu về hợp đồng tương tự, bỏ tiêu chí “có tốc độ khai thác tối đa 120 km/h trở lên và chiều dài tối thiểu 28 km”, gia hạn đóng thầu tới ngày 14/3/2024.
Tại thời điểm đóng thầu, Công ty CP Dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam là nhà thầu duy nhất nộp HSDT và trúng thầu.
Trao đổi với phóng viên, cán bộ của VEC cho biết, Chủ đầu tư đã ký hợp đồng với Công ty CP Dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam và nhà thầu sẽ triển khai thực hiện hợp đồng ngay trong tháng 4/2024. Cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây dài 54 km, là tuyến giao thông cấp đặc biệt, có tốc độ lưu thông 120 km/h, lưu lượng xe lưu thông trên đường khá lớn nên việc xử lý sự cố, vận hành trong quá trình duy tu, bảo dưỡng không đơn giản và đòi hỏi nhà thầu thực hiện phải có kinh nghiệm để bảo đảm an toàn.
Trước đây, phần công việc duy tu bảo dưỡng và quản lý vận hành tuyến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây do Công ty CP Quản lý và đầu tư xây dựng công trình giao thông 238 thực hiện và đã hết hạn hợp đồng từ cuối năm 2023. Tuy nhiên, do lần đấu thầu vào tháng 10/2023 không thành công, VEC phải tiến hành gia hạn thực hiện hợp đồng với nhà thầu này để bảo đảm tính liên tục của công tác duy tu, bảo dưỡng và vận hành tuyến cao tốc.