Nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng gần đây đang gióng lên hồi chuông phải bắt buộc mua bảo hiểm trong hoạt động xây dựng. Ảnh: Lê Tiên |
Sự việc khiến dư luận nhớ lại vụ sập giàn giáo tại dự án Formosa Vũng Áng, Hà Tĩnh khiến 13 người tử vong, gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp và người lao động. Lúc này, việc bắt buộc chủ đầu tư, nhà thầu mua bảo hiểm xây dựng cho công trình và người lao động để hạn chế rủi ro có lẽ không chỉ dừng lại ở sự cần thiết.
Giải pháp chia sẻ rủi ro
Ông Bùi Xuân Thu, Giám đốc Tổng công ty CP Bảo hiểm Bưu Điện (PTI) cho rằng: “Các công trình xây dựng thường phải đối mặt với nhiều nguy cơ rủi ro khác nhau. Thứ nhất là giá trị xây lắp rất lớn. Thứ hai là số lượng người tham gia vào dự án (bộ phận quản lý, tư vấn, kỹ sư và công nhân) nhiều. Thứ ba là phạm vi công việc chiếm diện tích rộng, trải dài. Đặc biệt, do nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa và chịu tác động trực tiếp của ổ bão châu Á - Thái Bình Dương, 1 trong 5 ổ bão lớn của thế giới, nên Việt Nam sẽ chịu tác động trực tiếp và ảnh hưởng của các hiện tượng biến đổi khí hậu. Các công trình xây dựng (đặc biệt ở khu vực ven biển, khu vực thường xuyên chịu tác động của thiên tai, các công trình liên quan đến rủi ro ẩm ướt) là những đối tượng chịu rủi ro rất cao. Do vậy, việc chuyển giao rủi ro thông qua bảo hiểm được đánh giá là một giải pháp hiệu quả”.
Việc mua bảo hiểm, theo ông Bùi Xuân Thu, sẽ giúp các công trình xây dựng đảm bảo duy trì nguồn tài chính để bù đắp, chi trả cho những mất mát, thiệt hại đối với các rủi ro bất ngờ, không lường trước được trong quá trình xây dựng công trình. Đồng thời, góp phần giảm thiểu rủi ro, tổn thất thông qua các chương trình quản lý rủi ro, đề phòng hạn chế tổn thất được tư vấn bởi các tổ chức/chuyên gia có kinh nghiệm không những ở trong nước, mà còn của các nhà tái bảo hiểm quốc tế đứng sau các doanh nghiệp bảo hiểm hỗ trợ, hợp tác, mang lại sự yên tâm cho các chủ đầu tư, chủ thầu và bảo toàn vốn nhà nước.
Cần nhưng chưa được coi trọng đúng mức
Nhận thức được tầm quan trọng của việc quản lý hiệu quả rủi ro tại các công trình xây dựng, từ năm 2014, Bộ Tài chính đã ban hành quy tắc, biểu phí bảo hiểm xây dựng, lắp đặt. Mặc dù không phải là quy định bắt buộc đối với tất cả các công trình xây dựng nhưng quy định này đã tạo một hành lang quan trọng để các nhà đầu tư, nhà thầu và các doanh nghiệp bảo hiểm có căn cứ thực hiện đối với các công trình xây dựng. Tuy nhiên, trên thực tế, ngoài các công trình đặc thù theo Luật Xây dựng và một số các công trình có nguồn vốn tài trợ của các tổ chức nước ngoài (sử dụng nguồn vốn của WB, ADB…), hầu hết ở các công trình xây dựng khác, chủ đầu tư và nhà thầu chưa thực sự quan tâm và chú trọng đến việc mua bảo hiểm.
Để khắc phục bất cập này, ngày 13/1/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 119/2015/NĐ-CP quy định bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động xây dựng. Trong đó, Nghị định số 119/2015/NĐ-CP quy định bắt buộc chủ đầu tư, nhà thầu phải mua bảo hiểm công trình trong thời gian xây dựng; nhà thầu tư vấn phải mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp tư vấn đầu tư xây dựng đối với công việc khảo sát xây dựng và thiết kế xây dựng công trình xây dựng từ cấp II trở lên; nhà thầu thi công phải mua bảo hiểm đối với người lao động thi công trên công trường.
Dự thảo Thông tư hướng dẫn cụ thể việc thi hành Nghị định số 119/2015/NĐ-CP đang được Bộ Tài chính xây dựng và lấy ý kiến hoàn thiện. Trong đó, Dự thảo Thông tư quy định về biểu phí bảo hiểm đối với từng loại đối tượng khác nhau. Cụ thể, đối với công trình trong thời gian xây dựng có giá trị dưới 1.000 tỷ đồng, mức khấu trừ bảo hiểm tối đa là 700 triệu đồng, tối thiểu là 20 triệu đồng, tùy thuộc vào từng loại rủi ro khác nhau. Còn đối với các công trình có giá trị từ 1.000 tỷ đồng trở lên thì mức khấu trừ là do các bên tự thỏa thuận.
Biểu phí bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp tư vấn trong hoạt động xây dựng được được chia thành 2 mức, bao gồm: công trình có giá trị dưới 1.000 tỷ đồng và công trình có giá trị từ 1.000 tỷ đồng trở lên. Trong đó, đối với công trình có giá trị dưới 1.000 tỷ đồng, phí bảo hiểm được tính bằng tỷ lệ % của mức trách nhiệm bảo hiểm (giá trị hợp đồng tư vấn), mức miễn thường tối thiểu 200 triệu đồng hoặc 1% mức trách nhiệm tùy theo mức nào cao hơn; tối đa là 1,2% và tối thiểu là 0,4%. Còn đối với công trình có giá trị từ 1.000 tỷ đồng trở lên thì phí bảo hiểm sẽ do doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm thỏa thuận và được xác định trên cơ sở tỷ lệ phí bảo hiểm của một công ty đứng đầu nhận tái bảo hiểm được các tổ chức định giá quốc tế xếp hạng có khả năng tài chính tốt cung cấp.
Còn với biểu phí bảo hiểm đối với người lao động thi công trên công trường, Dự thảo Thông tư này quy định 4 loại tương ứng với tỷ lệ % trên 100 triệu đồng/năm. Đối với gói bảo hiểm ngắn hạn từ 3 đến 9 tháng, mức phí bảo hiểm được điều chỉnh tương ứng với thời hạn bảo hiểm.