Bắt bí nhà thầu vì tài liệu của ngân hàng, nên không?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thời gian qua, nhiều nhà thầu bị đánh giá không đáp ứng tính hợp lệ, không đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu (HSMT) liên quan đến các tài liệu do ngân hàng cung cấp. Trong nhiều trường hợp, việc đánh giá tính hợp lệ của bảo đảm dự thầu, sự phù hợp của cam kết tín dụng tại một số chủ đầu tư, bên mời thầu chưa tuân thủ quy định, chưa đáp ứng các nguyên tắc trong đấu thầu là cạnh tranh, minh bạch, hiệu quả.
Bảo đảm dự thầu, cam kết tín dụng không hợp lệ là lý do khiến nhiều nhà thầu bị loại. Ảnh minh họa: Nhã Chi
Bảo đảm dự thầu, cam kết tín dụng không hợp lệ là lý do khiến nhiều nhà thầu bị loại. Ảnh minh họa: Nhã Chi

Theo báo cáo đánh giá hồ sơ dự thầu (HSDT) Gói thầu Thi công xây dựng thuộc Dự án Hồ thủy lợi Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk (giai đoạn 2), Liên danh HTL Ea Tam có giá dự thầu giảm hơn 10 tỷ đồng nhưng không đáp ứng tính hợp lệ của HSDT. Lý do là, tên nhà thầu (Liên danh Công ty CP Vật tư thiết bị và Xây dựng công trình 624 - Công ty CP Đầu tư xây dựng Số 1 Mê Kông - Công ty CP PCCC Đại Tín) trong Bảo đảm dự thầu số MD2427100002 do Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) - Chi nhánh Đà Nẵng phát hành ngày 27/9/2024 không đúng với tên của nhà thầu (Liên danh HTL Ea Tam) trong Thỏa thuận liên danh ngày 24/9/2024, không đáp ứng đủ các cam kết theo quy định tại HSMT.

Tại Gói thầu số 02 Thi công xây dựng các hạng mục và lắp đặt thiết bị thuộc Dự án Quy hoạch, sắp xếp ổn định dân cư xã Xuân Minh, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang (61 tỷ đồng), có 3 nhà thầu bị đánh giá không đáp ứng yêu cầu về tư cách hợp lệ với cùng 1 lý do: bảo đảm dự thầu không hợp lệ (bảo đảm dự thầu phát hành trước ngày ký thỏa thuận liên danh dự thầu).

Đối với các trường hợp trên, một số chuyên gia đấu thầu cho rằng, việc đánh giá nhà thầu vi phạm tính hợp lệ của HSDT (bảo đảm dự thầu không hợp lệ) là chưa đúng quy định hiện hành. Điểm d khoản 3 Điều 24 Nghị định số 24/2024/NĐ-CP quy định, HSDT hợp lệ phải có bảo đảm dự thầu với giá trị, thời hạn hiệu lực và đơn vị thụ hưởng đáp ứng yêu cầu của HSMT. Bảo đảm dự thầu được coi là hợp lệ khi không vi phạm một trong các trường hợp: có giá trị thấp hơn, thời gian có hiệu lực ngắn hơn so với yêu cầu của HSMT, không đúng tên đơn vị thụ hưởng, không có chữ ký hợp lệ, ký trước khi phát hành HSMT, có kèm các điều kiện gây bất lợi cho chủ đầu tư, bên mời thầu. Pháp luật về đấu thầu không quy định việc bảo đảm dự thầu phải phát hành sau thời điểm ký thỏa thuận liên danh. Việc lựa chọn tên gọi của liên danh khi dự thầu là thỏa thuận nội bộ của nhà thầu.

Ngoài bảo đảm dự thầu, cam kết tín dụng không hợp lệ cũng là lý do khiến nhiều nhà thầu bị loại một cách khiên cưỡng. Đơn cử, tại Gói thầu số 08 có giá 176,079 tỷ đồng thuộc Dự án Xây dựng Đài Phát thanh - Truyền hình Lâm Đồng (đóng thầu ngày 7/12/2023), một nhà thầu bị đánh giá không đáp ứng yêu cầu về năng lực và kinh nghiệm do cam kết cấp tín dụng có điều kiện số 1762/NHNN0BD-KHDN của Ngân hàng Agribank - Chi nhánh Bình Dương không hợp lệ. Văn bản trên được phát hành ngày 3/10/2023, nhưng tại thời điểm đó, Chủ đầu tư/Bên mời thầu chưa thực hiện công tác nào liên quan đến việc tổ chức lựa chọn nhà thầu Gói thầu số 08. Tuy là nội dung thuộc phần đánh giá năng lực và kinh nghiệm, nhưng Bên mời thầu không cho phép nhà thầu làm rõ (từ phía ngân hàng) để đáp ứng yêu cầu của HSMT.

Thời gian qua, Báo Đấu thầu còn tiếp nhận một số phản ánh về tình trạng yêu cầu nhà thầu cung cấp cam kết tín dụng vô điều kiện từ các ngân hàng, hoặc phủ nhận các văn bản cam kết tín dụng do ngân hàng thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Gần đây nhất, tại Gói thầu Xây dựng thuộc Dự án Sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư tại chỗ xã Đăk Sao, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum, nhà thầu đính kèm cam kết tín dụng có giá trị 3,37 tỷ đồng, hiệu lực đến ngày 30/9/2026 và được đại diện hợp pháp của BIDV - Chi nhánh Quảng Ngãi ký tên, đóng dấu, nhưng vẫn bị đánh giá không đáp ứng. Theo làm rõ của nhà thầu và xác nhận của Ngân hàng, phía BIDV khẳng định, việc đưa ra các điều kiện trong cam kết của nhà thầu là phù hợp với hoạt động tín dụng được quy định bởi Ngân hàng Nhà nước và được áp dụng cho tất cả khách hàng của BIDV, kể cả với điều kiện quyền hủy ngang.

Chuyên gia đấu thầu cho rằng, đối với nội dung cam kết tín dụng, khi đánh giá HSDT, bên mời thầu phải tiến hành làm rõ, tiếp nhận văn bản, tài liệu làm rõ, giải trình của nhà thầu để tiếp tục đánh giá đầy đủ. Các quy định của cam kết tín dụng cần tuân theo mẫu HSMT ban hành kèm theo Thông tư số 06/2024/TT-BKHĐT (trước đây) và Thông tư số 22/2024/TT-BKHĐT (từ 1/12/2024). Hiện nay, các tổ chức tín dụng khi phát hành cam kết đều có ràng buộc bởi các điều kiện. Tuy nhiên, mọi cam kết được nêu là trách nhiệm, nghĩa vụ ràng buộc giữa nhà thầu và ngân hàng trên cơ sở quy định của mỗi tổ chức tín dụng và pháp luật liên quan, không ảnh hưởng đến việc đánh giá về năng lực tài chính của nhà thầu. Do đó, cơ sở để loại nhà thầu vì những nội dung này là bất cập, có thể dẫn tới kiến nghị.

Tin cùng chuyên mục