Nhà thầu thi công các gói thầu thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 1 được đầu tư theo hình thức đầu tư công gặp rất nhiều khó khăn. Ảnh: Lê Tiên |
Theo Hiệp hội Công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI), trong thời gian qua, các nguyên, vật liệu chính tăng cao, dẫn đến giá gói thầu tăng trung bình từ 18 - 30%. Tại các gói thầu thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 1 được đầu tư theo hình thức đầu tư công, mặc dù hợp đồng giữa nhà thầu với Bộ Giao thông vận tải quy định việc điều chỉnh giá, nhưng việc công bố chỉ số giá của địa phương chưa kịp thời, chưa sát với thực tế giá thị trường, chưa có chỉ số giá phù hợp với đặc tính của đường cao tốc và các công trình đặc thù như hầm đường bộ, gây nhiều khó khăn cho các nhà thầu thi công. Thậm chí nhiều nhà thầu thua lỗ nhưng vẫn phải làm do tuân thủ hợp đồng đã ký.
Bên cạnh đó, nhiều hạng mục, công việc chưa được xây dựng định mức hoặc đã được xây dựng trước đó nhưng đến nay Thông tư số 12/2021/TT-BXD ngày 31/8/2021 về việc ban hành định mức xây dựng không cho phép vận dụng. VARSI dẫn chứng là các bộ định mức về lắp đặt neo SN, IBO trong hầm, công tác đắp nền đường bằng đá hỗn hợp, công tác sản xuất đá dăm từ đá tận dụng công tác đào hầm, công tác đào hầm ngang trong đất... đã được Bộ Xây dựng chấp thuận áp dụng tại hầm Đèo Cả, hầm cao tốc Nội Bài - Lào Cai nhưng không được ban hành chính thức. Hệ thống định mức thiếu cập nhật theo công nghệ mới, thiếu các hệ số an toàn, thiếu định mức công tác bảo dưỡng, bảo trì đà giáo, thiết bị, dẫn đến khi thi công, nhà thầu phải tự bỏ chi phí để bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị.
Đối với đơn giá nhân công, ca máy, nhiều nhà thầu chia sẻ, trong khi huy động nhân công rất khó, giá tăng cao, đơn giá nhân công, ca máy được công bố chậm, thiếu cập nhật theo đơn giá của thị trường, không ban hành, không tính chi phí nhân công làm ca 3. Nhà thầu ví dụ, đối với công tác thi công cọc khoan nhồi, giá ca máy do Nhà nước ban hành là 13.089.905 đồng/ca, thực tế báo giá của các đơn vị cho thuê thiết bị đã là 33.000.000 đồng/ca. Nhân công theo công bố của Nhà nước chỉ 225.000 đồng/ngày cho bậc 3,5 thì nhà thầu phải trả 500.000 - 650.000 đồng/ngày. Đối với ca 3, nhà thầu phải trả chi phí bằng 1,3 lần tiền công ca ngày.
Theo Bộ Xây dựng, thời gian qua Bộ đã có nhiều công văn đôn đốc địa phương công bố giá vật liệu xây dựng kịp thời theo tháng, thậm chí công bố bổ sung giá theo tuần nếu cần thiết trong trường hợp có biến động giá bất thường. Tuy nhiên, theo số liệu trong Báo cáo phục vụ Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng của Bộ Xây dựng diễn ra ngày 15/7/2022, còn 3 địa phương gồm Hải Dương, Kiên Giang, Vĩnh Long chưa công bố chỉ số giá cho năm 2021; 36 tỉnh đã công bố chỉ số giá xây dựng quý I/2022. Về công bố giá vật liệu xây dựng, hầu hết địa phương thực hiện công bố giá vật liệu đến tháng 3/2022, có 22 tỉnh thực hiện công bố đến tháng 4/2022, 4 địa phương thực hiện công bố đến tháng 5/2022.
Số liệu thống kê này cho thấy vẫn còn nhiều địa phương chưa công bố giá vật liệu xây dựng theo tháng. Đây cũng là thực tế mà phóng viên Báo Đấu thầu đã tiếp nhận được từ phản ánh của nhiều nhà thầu.
Bộ Xây dựng cũng nhận định việc sửa đổi các quy định của pháp luật và ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn, định giá, đơn giá còn chậm, chưa theo kịp những vướng mắc trong thực tiễn.
Tổng hợp từ ý kiến của nhiều nhà thầu, nhà đầu tư, VARSI kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét chỉ đạo UBND các tỉnh chỉ đạo Sở Xây dựng công bố kịp thời giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng theo tháng, phù hợp giá cả thực tế của thị trường nơi xây dựng công trình làm cơ sở cho chủ đầu tư, nhà thầu thực hiện việc điều chỉnh giá hợp đồng. Riêng đối với hợp đồng theo đơn giá cố định, trong thời điểm này đề nghị Thủ tướng cho cơ chế đặc thù được điều chỉnh giá đối với một số vật tư chính để giảm bớt khó khăn cho các nhà thầu. Bộ Xây dựng rà soát, ban hành bổ sung các định mức còn thiếu, cập nhật công nghệ mới, các hệ số an toàn, công tác bảo dưỡng thiết bị vào các định mức; cập nhật lại đơn giá ca máy, nhân công phù hợp với chi phí các nhà thầu đang phải trả...