Bất đồng về bảo hiểm nhân sự chủ chốt

(BĐT) - Nhà thầu cho rằng chủ đầu tư cố tình đưa ra tiêu chí “nhà thầu phải đóng bảo hiểm cho nhân sự chủ chốt” trong hồ sơ mời thầu (HSMT) là để hạn chế sự tham gia của nhà thầu...
HSMT đưa ra tiêu chí “nhà thầu phải đóng bảo hiểm cho nhân sự chủ chốt” là không phù hợp quy định. Ảnh: Lê Tiên
HSMT đưa ra tiêu chí “nhà thầu phải đóng bảo hiểm cho nhân sự chủ chốt” là không phù hợp quy định. Ảnh: Lê Tiên

Trong khi bên mời thầu (BMT) lại cho rằng đây là yêu cầu cần thiết để chứng minh khả năng huy động nhân sự cho việc thực hiện gói thầu. Các chuyên gia nói gì về điều này?

Nhà thầu kêu về việc yêu cầu đóng bảo hiểm

Mới đây, Nhà thầu Công ty TNHH Xây dựng và Cầu đường Đại Việt đã phản ánh đến Báo Đấu thầu về HSMT Gói thầu số 7: Thi công xây dựng công trình đường giao thông vào trung tâm cụm Sóc Cầu, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh do Ban QLDA đầu tư xây dựng (ĐTXD) huyện Tiểu Cần là BMT. Cụ thể, về sổ bảo hiểm xã hội (BHXH) cho nhân sự chủ chốt và công nhân lành nghề, BMT yêu cầu phải có văn bản xác nhận của cơ quan BHXH tối thiểu từ tháng 3/2015 đến tháng 7/2016. Nhà thầu cho rằng yêu cầu như vậy là không hợp lý và đặt câu hỏi tại sao lại ấn định thời gian cụ thể như vậy?

Trong khi đó, chủ đầu tư cho rằng: “Yêu cầu về sổ BHXH và văn bản xác nhận thời gian tham gia BHXH nhằm chứng minh các nhân sự này thuộc biên chế của nhà thầu”.

Tương tự, một nhà thầu tại tỉnh Phú Yên phản ánh: Trong hồ sơ yêu cầu (HSYC) chào hàng cạnh tranh Gói thầu số 06: Toàn bộ phần xây lắp thuộc Công trình hạ tầng kỹ thuật Khu tái định cư phường 9, hạng mục: San nền, đường giao thông và hệ thống thoát nước (3 khu G, Q, H) do Ban Quản lý các dự án ĐTXD TP. Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên phát hành cũng đưa ra yêu cầu về đóng BHXH. Cụ thể, tại Điểm a Mục 2.2 Chương II - Tiêu chuẩn đánh giá năng lực về nhân sự chủ chốt của HSYC chào hàng cạnh tranh gói thầu nêu trên có nêu: Các nhân sự chủ chốt đều phải đóng BHXH liên tục từ năm 2014 đến tháng 6/2016. Riêng chỉ huy trưởng thì phải đóng BHXH từ năm 2013 đến tháng 6/2016.

Một số nhà thầu nghi vấn, liệu chủ đầu tư có cố tình đưa ra yêu cầu như vậy nhằm hạn chế các nhà thầu tham dự thầu và tạo điều kiện cho “nhà thầu ruột” trúng thầu? Một số khác cho rằng, quy định như vậy không phù hợp và đề xuất, những yêu cầu trên, nếu có thì chỉ nên đưa vào tiêu chí chấm điểm để ưu tiên cho những nhà thầu có năng lực mạnh, chứ không thể đưa vào điều kiện tiên quyết làm hạn chế nhà thầu tham dự thầu. 

Chuyên gia nói gì?

Nếu các nhân sự chủ chốt do nhà thầu đề xuất có năng lực, kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu nêu trong HSMT và sẵn sàng huy động để tham gia thực hiện gói thầu nếu nhà thầu trúng thầu thì được coi là đáp ứng yêu cầu về nội dung nhân sự chủ chốt. 
Liên quan đến các yêu cầu nêu trên, thông tin với Báo Đấu thầu, một chuyên gia của Trung tâm Hỗ trợ đấu thầu, Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) viện dẫn quy định tại Khoản 2 Điều 23 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP: “Trong HSMT không được nêu bất cứ điều kiện nào nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng.”

Cùng với đó, đối với yêu cầu trong HSYC, vị chuyên gia viện dẫn Khoản 2.2 Mục 2 Chương II Mẫu số 03: Hồ sơ yêu cầu chào hàng cạnh tranh xây lắp ban hành kèm theo Thông tư số 11/2015/TT-BKHĐT ngày 27/10/2015 của Bộ KH&ĐT. Theo hướng dẫn tại Thông tư thì chỉ yêu cầu nhà thầu kê khai nhân sự dự kiến huy động có năng lực, kinh nghiệm phù hợp với vị trí đảm nhiệm, đáp ứng yêu cầu của HSYC.

Còn tại Mục 1 Chương III Mẫu HSMT gói thầu xây lắp ban hành kèm Thông tư số 03/2015/TT-BKHĐT ngày 06/5/2015 của Bộ KH&ĐT cũng nêu một trong các nội dung đánh giá về năng lực và kinh nghiệm của nhà thầu là nhân sự chủ chốt. Theo đó, căn cứ quy mô, tính chất của gói thầu và pháp luật về xây dựng mà BMT quy định yêu cầu về nhân sự chủ chốt như chỉ huy trưởng công trình, chủ nhiệm kỹ thuật thi công, chủ nhiệm thiết kế bản vẽ thi công, đội trưởng thi công, giám sát kỹ thuật, chất lượng… và số năm kinh nghiệm tối thiểu của nhân sự chủ chốt đó cho phù hợp.

Như vậy, trong các mẫu HSMT, HSYC không có quy định về tiêu chí đóng BHXH cho người lao động, mà chỉ yêu cầu nhà thầu kê khai nhân sự dự kiến huy động có năng lực, kinh nghiệm phù hợp với vị trí đảm nhiệm, đáp ứng yêu cầu của HSMT, HSYC.

Đại diện Trung tâm Hỗ trợ đấu thầu cho rằng, việc HSMT quy định nhân sự tham gia gói thầu phải là nhân sự thuộc biên chế nhà thầu, đóng BHXH tại nhà thầu trong một khoảng thời gian trước khi tham dự thầu là không cần thiết và có thể làm hạn chế sự tham gia của các nhà thầu. Theo đó, chỉ cần quy định nhà thầu phải kê khai những nhân sự chủ chốt có năng lực đáp ứng các yêu cầu quy định tại HSMT và có thể sẵn sàng huy động cho gói thầu, mà không bắt buộc nhân sự đó phải được chính nhà thầu đóng BHXH.

Vị chuyên gia nói trên cũng khẳng định, việc đóng BHXH cho người lao động phải tuân thủ theo quy định của pháp luật về lao động. Trong các trường hợp nêu trên, nếu các nhân sự chủ chốt do nhà thầu đề xuất có năng lực, kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu nêu trong HSMT và sẵn sàng huy động để tham gia thực hiện gói thầu nếu nhà thầu trúng thầu thì được coi là đáp ứng yêu cầu về nội dung nhân sự chủ chốt. Trường hợp cần thiết, BMT có thể yêu cầu nhà thầu nộp các tài liệu như: hợp đồng lao động giữa nhà thầu với nhân sự chủ chốt, sổ BHXH của nhân sự chủ chốt, hợp đồng với công ty cung cấp lao động (trong trường hợp nhà thầu sử dụng nhân sự chủ chốt của công ty cung cấp lao động)… để làm rõ, chứng minh khả năng huy động nhân sự chủ chốt của nhà thầu.

Tin cùng chuyên mục