“Bẫy” thương thảo hợp đồng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thương thảo hợp đồng là khâu quan trọng để đi đến ký kết hợp đồng thực hiện gói thầu giữa nhà thầu và chủ đầu tư (CĐT). Các nguyên tắc thương thảo hợp đồng đã được quy định rõ trong Nghị định 63/2014/NĐ-CP. Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều nhà thầu, khâu trọng yếu này bị một số CĐT lợi dụng hòng làm khó, tạo “chốt chặn” cuối cùng khiến nhà thầu xếp hạng thứ nhất bỏ cuộc.
Khâu đối chiếu tài liệu, thương thảo hợp đồng bắt buộc thực hiện trực tiếp. Ảnh: Nhã Chi
Khâu đối chiếu tài liệu, thương thảo hợp đồng bắt buộc thực hiện trực tiếp. Ảnh: Nhã Chi

Từ hành trình nhiều rủi ro…

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, một nhà thầu tại TP.HCM bức xúc cho biết, xếp hạng thứ nhất tại 1 gói thầu ở huyện Đức Trọng (Lâm Đồng), Nhà thầu được CĐT mời thương thảo. “Tham gia đấu thầu nhiều năm, việc bố trí cán bộ chuyên môn để trực tiếp đối chiếu tài liệu, thương thảo hợp đồng đã được nhà thầu chuẩn bị. Tuy nhiên, chúng tôi không ngờ rơi vào một hành trình đầy rủi ro, tốn kém”, Nhà thầu chia sẻ.

Theo Nhà thầu, do phải di chuyển 300 km để thương thảo, mọi tài liệu cần thiết đã được chuẩn bị kỹ càng. Tuy nhiên, trong lần thương thảo thứ nhất, sau khi đối chiếu tài liệu và thống nhất, CĐT không lập biên bản mà yêu cầu Nhà thầu phải… công chứng giấy ủy quyền mới hợp lệ. Từ hướng dẫn này, Nhà thầu quay lại TP.HCM để công chứng giấy ủy quyền. Lần thương thảo thứ hai, khi đại diện Nhà thầu đến, CĐT lại… vắng mặt, không tiếp, không lập biên bản và từ chối làm việc do “không đúng thành phần” khiến đại diện Nhà thầu phải ra về. Sau đó, Nhà thầu đã gửi đơn kiến nghị về những bất cập khi thương thảo. Lần thương thảo thứ ba, đích thân đại diện pháp luật của Nhà thầu đến trụ sở của CĐT. Tại đây, CĐT thu giữ điện thoại của đại diện Nhà thầu, yêu cầu ký văn bản rút đơn kiến nghị, chứ không tiến hành thương thảo hợp đồng.

“Nhà thầu kiên quyết không ký văn bản rút đơn được CĐT soạn sẵn vì cho rằng, Nhà thầu được mời đến để thương thảo hợp đồng. Sau đó, CĐT mời Nhà thầu về và công bố hủy thầu”, Nhà thầu cho biết.

Tháng 8/2023 tại huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai), sau khi được mời đến thương thảo hợp đồng gói thầu xây lắp quy mô gần 20 tỷ đồng, một nhà thầu phản ánh đến phóng viên Báo Đấu thầu tình trạng bị đe dọa, quấy rối. “Không hiểu từ nguồn tin nào mà nhiều đối tượng biết rõ thời gian, địa điểm thương thảo hợp đồng. Trước ngày thương thảo, hàng chục cuộc điện thoại gọi đến hăm dọa, nhiều xe biển số lạ vây quanh địa chỉ Công ty. Sáng ngày diễn ra cuộc thương thảo, hành trình di chuyển đến nơi tổ chức thương thảo rất vất vả và bị cản trở dọc đường”, Nhà thầu cho biết.

Việc đấu thầu qua mạng đã giảm thiểu tiếp xúc trực tiếp giữa nhà thầu và CĐT. Tuy nhiên, khâu đối chiếu tài liệu, thương thảo hợp đồng bắt buộc thực hiện trực tiếp. Từ đây có thể phát sinh những hành động gây bất lợi cho nhà thầu xếp hạng thứ nhất. Đầu tiên là những cản trở trực tiếp từ CĐT (né tránh, gây khó dễ, kéo dài thời gian). Tiếp theo là việc lộ thông tin dẫn tới nhà thầu bị các đối tượng lạ mặt cản trở, quấy nhiễu.

… đến những cuộc thương thảo bất thường

Việc thương thảo hợp đồng phải tuân thủ quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 19 Nghị định 63/2014/NĐ-CP. Nguyên tắc thương thảo hợp đồng là không tiến hành thương thảo các nội dung mà nhà thầu đã chào thầu theo đúng yêu cầu của hồ sơ mời thầu (HSMT).

Thực tế tại bước này, không ít CĐT đẩy nhà thầu xếp hạng thứ nhất vào thế bất lợi, bế tắc. “Có CĐT mời nhà thầu đến thương thảo nhưng thực chất là “đánh bài ngửa”, không cần giao hàng, chỉ cần xuất hóa đơn (có %). Chịu thì làm, không chịu thì hủy thầu, vì gói thầu thực chất đã có nhà thầu thực hiện xong, chỉ hợp thức hóa hồ sơ”, một nhà thầu cung cấp hàng hóa tại TP.HCM cho biết.

Trong khi đó, nhiều cuộc thương thảo hợp đồng thành… “cuộc chiến” giữa nhà thầu và CĐT do những đòi hỏi hoàn toàn ngoài HSMT, thậm chí ngoài phạm vi của gói thầu. CĐT mua 1.000 hộp mực in, phạm vi cung cấp của nhà thầu là mực in, không có hạng mục lắp mực. Thế nhưng khi thương thảo, CĐT yêu cầu nhà thầu cử nhân sự lắp mực in cho CĐT tổng cộng 50 máy in trong vòng 30 ngày. Nhà thầu không thể chấp nhận đòi hỏi ngoài hợp đồng như vậy nên thương thảo đi vào bế tắc.

Ngoài ra, nhiều nhà thầu cho biết, không hiếm CĐT đòi hỏi nhà thầu cung cấp những tài liệu không có trong HSMT, bắt bẻ, gây khó dễ dồn nhà thầu vào thế phải bỏ cuộc để đưa nhà thầu xếp hạng thấp hơn vào thương thảo.

Trong diễn biến mới nhất, Liên danh Công ty Phát triển công nghệ hành chính ADDJ - Trung tâm Đào tạo nghiên cứu khoa học và quản lý vừa có đơn kiến nghị về kết quả thương thảo hợp đồng tại Văn phòng UBND tỉnh Lâm Đồng. Nhà thầu bức xúc vì sau 2 cuộc thương thảo hợp đồng không thành do có nhiều nội dung yêu cầu mới ngoài HSMT. Báo Đấu thầu sẽ tiếp tục tìm hiểu và thông tin đến bạn đọc.

Tin cùng chuyên mục