Lãi suất cao sẽ chồng thêm khó khăn cho nền kinh tế. Ảnh: Lê Tiên |
Chủ tịch Fed Jerome Powell vừa đưa ra cảnh báo, lãi suất điều hành của cơ quan này có thể phải tăng lên mức cao hơn so với kỳ vọng trước đó. Số liệu kinh tế từ đầu năm đến nay cho thấy diễn biến lạm phát không còn xu hướng giảm như cuối năm ngoái, trong khi đó, các chỉ báo về việc làm, lao động cho thấy “sức khỏe” của kinh tế Mỹ tích cực hơn dự báo. Vì vậy, giới phân tích cho rằng, Chủ tịch Fed đưa ra thông điệp tiếp tục chính sách tiền tệ thắt chặt là hợp lý.
Cuộc họp chính sách tiền tệ tiếp theo của Fed sẽ diễn ra vào ngày 21-22/3 với dự đoán Fed có thể tiếp tục tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm hoặc 0,5 điểm phần trăm. Cuối năm ngoái, nhiều tổ chức nghiên cứu cho rằng, lãi suất điều hành của Fed có thể sẽ tăng lên mức đỉnh 5,1%. Tuy nhiên, thông điệp của Fed mới đây khiến nhiều dự báo phải xem lại, trong đó Ngân hàng Goldman Sachs nâng dự báo về lãi suất cực đại của Fed lên 5,5-5,75%.
Ông Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch Tập đoàn Sunhouse cho rằng, nếu lãi suất của Fed lên đến 5,5% thì lãi suất cho vay USD tại Việt Nam thấp nhất cũng sẽ là 8% và lãi suất cho vay bằng VND sẽ ở trên 10%. “Lãi suất cao sẽ chồng thêm khó khăn cho nền kinh tế. Doanh nghiệp khó trả nợ vay. Dòng tiền đổ vào tiết kiệm thay vì lựa chọn đầu tư. Kết quả là, hệ số nhân tiền trong nền kinh tế sẽ giảm nhiều do hoạt động sản xuất kinh doanh suy giảm. Các ngành hàng sẽ gặp nhiều khó khăn, kéo theo ngân hàng sẽ gặp nhiều khó khăn do nhiều khách vay không trả được nợ”, ông Phú nói.
Theo TS. Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Tài chính, Đại học Kinh tế TP.HCM, ở mặt bằng lãi suất hiện nay, doanh nghiệp đã rất khó khăn. Song thông điệp của Fed cho thấy giữ mặt bằng lãi suất như hiện nay là khó khăn trong thời gian tới. Thực tế cho thấy, khi Fed tăng lãi suất, dòng tiền từ các nền kinh tế mới nổi, trong đó có Việt Nam, sẽ tìm về Mỹ, buộc ngân hàng trung ương các nước tính toán việc tăng lãi suất để giữ chân dòng tiền. Tại Việt Nam, chính sách tiền tệ nói chung, chính sách lãi suất và tỷ giá của Việt Nam nói riêng cũng bị ảnh hưởng bởi các động thái điều hành của Fed.
Chính sách lãi suất và tỷ giá của Việt Nam bị ảnh hưởng bởi các động thái điều hành của Fed. Ảnh: Lê Tiên |
“Nhiều ý kiến cho rằng, lãi suất của Fed ở mức 5% thì lãi suất VND khoảng 10% là hợp lý, song cần lưu ý, đó là mức phù hợp với kỳ vọng VND chỉ mất giá dưới 5%. Nếu VND mất giá cao hơn mức này thì mức lãi suất VND đòi hỏi phải cao hơn nữa”, ông Huân nói.
Tuy nhiên, theo ông Huân, trong ngắn hạn, Ngân hàng Nhà nước vẫn nên xem xét nới lỏng chính sách tiền tệ bằng việc giảm nhẹ lãi suất điều hành để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế. Bên cạnh đó, để cân đối với việc nới lỏng tiền tệ, có thể để VND mất giá một chút vừa có lợi cho xuất khẩu của Việt Nam, vừa không tác động đáng kể đến các yếu tố khác. Theo thống kê, dòng vốn ngoại vẫn chảy ổn định vào Việt Nam, khi kênh đầu tư gián tiếp (trên TTCK), khối ngoại mua ròng khoảng 1,2 tỷ USD năm 2022. Với kênh đầu tư trực tiếp (FDI), vốn FDI đăng ký vào Việt Nam năm 2022 đạt 27,7 tỷ USD; 2 tháng đầu năm 2023 cũng đạt 1,76 tỷ USD, cao gấp 2,8 lần cùng kỳ năm 2022.
Ở góc nhìn khác, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia cho rằng, việc Fed thể hiện quan điểm tiếp tục tăng lãi suất là có thể hiểu được, khi các chỉ báo việc làm, lao động tại Mỹ khá tích cực, nhưng chỉ số lạm phát vẫn chưa về được mức mục tiêu.
Động thái của Fed chắc chắn có tác động đến chính sách tiền tệ của Việt Nam, song không quá đáng ngại, bởi xu hướng tăng lãi suất của Fed đã được dự báo từ trước và mức tăng không lớn. Tại Việt Nam, ông Lực cho rằng, diễn biến tích cực là nhiều ngân hàng đang giảm lãi suất huy động và cắt giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay. “Các bước điều chỉnh khác, nếu có, nên được tính toán hết sức thận trọng”, ông Lực nói.