Bộ Tài chính không đồng tình giảm toàn bộ thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trước ý kiến cho rằng cần giảm toàn bộ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng, Bộ Tài chính cho rằng, hiện nay thuế tiêu thụ đặc biệt mặt hàng này đang ở mức trung bình thấp so với nhiều nước, nhất là các nước có chung đường biên giới với nước ta.
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Bộ Tài chính vừa hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm mức thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với xăng và thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với xăng dầu gửi lấy ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp trước khi trình Chính phủ trình Quốc hội.

Về ý kiến đề nghị xem xét nghiên cứu, đánh giá tác động của chính sách miễn giảm toàn bộ thuế TTĐB đối với mặt hàng xăng trong trường hợp giá xăng trên thế giới tăng cao bất thường, Bộ Tài chính cho biết, theo quy định của Luật Thuế TTĐB thì chỉ thu thuế TTĐB đối với xăng, không thu thuế TTĐB đối với dầu các loại. Mức thuế suất thuế TTĐB đối với xăng là 10%, xăng E5 là 8% và xăng E10 là 7%. Luật Thuế TTĐB không quy định giảm thuế, miễn thuế đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB. Về thẩm quyền, việc thực hiện điều chỉnh đối với thuế TTĐB thuộc thẩm quyền của Quốc hội nên phải trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Cũng theo Bộ Tài chính, xăng là nhiên liệu gốc hóa thạch, không tái tạo cần phải sử dụng tiết kiệm nên hầu hết các nước đều thu thuế TTĐB đối với mặt hàng xăng.

Như tại Pháp đang áp dụng 0,6629 EUR/lít đối với xăng E10 và 0,6829 EUR/lít đối với xăng khoáng; Đức áp dụng 0,3545 EUR/lít; Italy thu 0,4784 EUR/lít; Hàn Quốc áp mức 311 Won/lít thuế tuyệt đối và thuế tỷ lệ 15%; Trung Quốc thu 1,52 Nhân dân tệ/lít, tương đương tỷ lệ 15,6%; Campuchia thu thuế suất 15%; Lào áp dụng thuế suất 16%...

Như vậy, mức thuế suất thuế TTĐB đối với xăng của Việt Nam hiện ở mức trung bình thấp so với các nước, đặc biệt thấp hơn so với các nước có chung đường biên giới với Việt Nam như Lào, Campuchia, Trung Quốc.

Trước đó, ngày 23/9/2022, Bộ Tài chính đã có công văn xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương… về Dự án Nghị quyết của Quốc hội về giảm mức thuế TTĐB đối với xăng và thuế GTGT đối với xăng dầu.

Theo dự thảo Nghị quyết của Quốc hội, Bộ Tài chính trình Chính phủ trình Quốc hội quyết định: Giảm tối đa 50% mức thuế TTĐB đối với xăng (bao gồm cả xăng E5, E10) và giảm tối đa 50% mức thuế GTGT đối với xăng các loại, nhiên liệu bay, dầu diesel, dầu hỏa, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn; giao UBTVQH quyết định mức giảm cụ thể thuế TTĐB đối với xăng và thuế GTGT đối với xăng dầu cũng như thời gian áp dụng giảm thuế cụ thể.

Góp ý cho dự thảo này, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, về lâu dài, đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục xem xét nghiên cứu, đánh giá tác động của chính sách miễn giảm toàn bộ thuế TTĐB đối với mặt hàng xăng. Theo VCCI, chính sách giảm 50% thuế TTĐB như đề xuất hiện nay đã tích cực nhưng có thể phương án miễn giảm toàn bộ sẽ cần thiết trong bối cảnh thế giới có nhiều yếu tố bất ổn có thể xảy ra trong thời gian tới.

Tin cùng chuyên mục