Với gói thầu bị chấm dứt hợp đồng, VNECO7 chào giá chỉ bằng khoảng một nửa giá gói thầu. Ảnh: Thế Anh |
Trong khi đó, VNECO7 đang dính vào “tâm bão” nợ lương, bảo hiểm xã hội của người lao động, nợ đối tác... lên tới hơn 20 tỷ đồng, Giám đốc ôm con dấu bỏ trốn.
Chấm dứt hợp đồng vì thi công chậm tiến độ
BQLDA cho biết, Gói thầu ADB-EVNHCMC-NMN-W01 Xây dựng toàn trạm, móng thiết bị và trụ thép, hệ thống đường nội bộ, hệ thống chiếu sáng, phòng cháy chữa cháy, hệ thống camera, hệ thống tiếp địa thuộc Dự án Trạm biến áp 110 kV Nhà máy Nước Thủ Đức và đường dây đấu nối. Gói thầu này sử dụng nguồn vốn tài trợ của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) thông qua Quỹ Hạ tầng ASEAN nên việc tổ chức lựa chọn nhà thầu thực hiện theo quy định của ADB.
Hợp đồng thực hiện gói thầu này được BQLDA và Công ty CP Xây dựng điện VNECO7 (địa chỉ tại số 51 Phạm Như Xương, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng) ký kết vào ngày 28/12/2016.
Theo hợp đồng, thời gian thực hiện Gói thầu là 6 tháng, tức là phải hoàn thành vào tháng 6/2017. Tuy nhiên, Công ty CP Xây dựng điện VNECO7 thi công rất chậm so với tiến độ cam kết, ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công các gói thầu khác của Dự án cũng như việc nghiệm thu đóng điện công trình trong tháng 12/2017.
Một cán bộ phụ trách đấu thầu của BQLDA tự giới thiệu tên Trọng cho biết, đến nay, Nhà thầu VNECO7 mới chỉ thực hiện được 20 - 30% khối lượng công việc của Gói thầu.
Theo ông Lê Viết Toản - Giám đốc BQLDA, trước Tết Nguyên đán Mậu Tuất năm 2018, Chủ đầu tư và VNECO7 đã có văn bản thống nhất là chấm dứt hợp đồng do VNECO7 không đủ năng lực để thi công tiếp. Nhà tài trợ cũng đã có thư không phản đối về việc chấm dứt hợp đồng đối với nhà thầu này.
Đối với phần công việc chưa hoàn thành của Gói thầu, ông Lê Viết Toản cho biết, BQLDA đang tổ chức đấu thầu lại để lựa chọn nhà thầu khác thực hiện. Thời điểm đóng thầu là ngày 9/5/2018. Giá dự toán sẽ dựa vào chi phí và đơn giá mới.
Doanh nghiệp nợ lương, Giám đốc bỏ trốn
Theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu (HSMT) Gói thầu ADB-EVNHCMC-NMN-W01, nhà thầu tham dự phải đáp ứng doanh thu xây dựng trung bình hàng năm (trong vòng 3 năm) tối thiểu 50 tỷ đồng. Cùng với tiêu chí này, nhà thầu còn phải có ít nhất 2 hợp đồng tương tự và đã hoàn thành hoặc cơ bản hoàn thành trong vòng 5 năm qua, trong đó giá trị tham gia của nhà thầu trong mỗi hợp đồng phải bằng hoặc lớn hơn 20 tỷ đồng.
Trong khi đó, từ giữa năm 2016, VNECO7 đã có dấu hiệu hoạt động “èo uột”. Theo phản ánh của người lao động, việc nợ lương nhân viên được đẩy lên đỉnh điểm là vào trước Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, khi Giám đốc Công ty là ông Đỗ Quang Thân bỗng nhiên biến mất cùng với con dấu của Công ty. Hàng chục công nhân, nhân viên của Công ty bị nợ tới 9 tháng tiền lương. Biểu hiện của tình trạng sa sút này đã bắt đầu có từ năm 2016. Công ty đã từng dồn tiền lương 2 quý cuối năm 2016 để thanh toán 1 lần vào trước Tết Nguyên đán năm 2017.
Không chỉ nợ lương, Công ty còn nợ bảo hiểm xã hội hơn 1,2 tỷ đồng. Như vậy, tính cả số tiền nợ lương, bảo hiểm xã hội, mua vật tư, nợ các đối tác, nợ ngân hàng, tổng số nợ của Công ty lên tới trên 20 tỷ đồng.
Ngoài ra, quý IV/2017, Công ty CP Xây dựng điện Việt Nam (VNECO) quyết định thoái toàn bộ phần vốn của VNECO đầu tư tại VNECO7 - công ty liên kết.
Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Trọng cho biết, việc lựa chọn nhà thầu thực hiện gói thầu này thực hiện vào năm 2016. Trước đó, VNECO7 chưa từng thi công gói thầu nào tại BQLDA này. Thời điểm đó có khoảng 5 - 6 nhà thầu tham gia, trong đó VNECO7 bỏ giá thấp nhất, giữ khoảng cách với nhà thầu xếp hạng thứ 2 là 2 - 3 tỷ đồng. So với giá gói thầu (khoảng 26 tỷ đồng), giá trúng thầu của VNECO7 chỉ bằng một nửa (khoảng 14 tỷ đồng).
Lý giải điều này, ông Lê Viết Toản cho rằng nhà thầu đã tính toán sai dẫn đến việc bỏ giá thấp. Gói thầu yêu cầu một số thiết bị, vật tư đòi hỏi tính năng cao, khác với các gói thầu mà VNECO7 từng thi công. Do vậy, trong quá trình thi công công trình, nhà thầu trúng thầu không có khả năng để thực hiện. Được biết, một số gói thầu VNECO7 thực hiện tại Đà Nẵng cũng đang gặp khó khăn.
Theo ông Trọng, thời điểm đánh giá năng lực của VNECO7, hồ sơ dự thầu (HSDT) của nhà thầu này được đánh giá là hợp lệ và đủ năng lực theo yêu cầu của HSMT. Hiện nay, có thể do tình hình tài chính suy kiệt nên VNECO7 mới rơi vào tình trạng nợ nần như trên. Đến nay, BQLDA vẫn chưa thể liên lạc được với Giám đốc Công ty.
Trả lời Báo Đấu thầu về các biện pháp xử lý đối với nhà thầu này ngoài việc chấm dứt hợp đồng, ông Toản cho biết, BQLDA đã thu hồi bảo lãnh thực hiện hợp đồng tạm ứng khoảng 5 - 6 tỷ đồng. BQLDA sẽ tiến hành xử phạt theo hợp đồng đã ký kết và mức xử phạt tùy thuộc vào giá trị thanh, quyết toán hợp đồng, hiện chưa xác định được cụ thể.
Về việc xem xét trách nhiệm của Chủ đầu tư, ông Lê Viết Toản phân trần, chúng tôi chỉ đánh giá năng lực của nhà thầu qua HSDT. Nhà thầu chào giá thấp nhưng hồ sơ đủ năng lực thì cũng không thể nào loại khỏi cuộc thầu.
Thiết nghĩ, trường hợp này có thể xem là bài học đắt giá của câu chuyện bỏ thầu giá thấp để trúng thầu nhưng khi thi công lại không thể thực hiện nổi mà Báo Đấu thầu đã phản ánh bấy lâu nay. Việc chủ đầu tư xét thầu chỉ dựa vào “án tại hồ sơ” mà không có sự xác minh, kiểm chứng năng lực thực tế, mặc dù có những dấu hiệu nghi vấn bất thường... sẽ mang đến những rủi ro khôn lường. Và khi cuộc thầu bị “đứt gánh giữa đường”, ai là người phải chịu trách nhiệm vẫn là câu hỏi luôn mang tính thời sự.