Dù chưa từng vay nợ ngân hàng nhưng nhiều người vẫn có thể rơi vào hoàn cảnh trớ trêu. Ảnh minh họa |
Anh Ngọc (Cầu Giấy, Hà Nội) gần đây có nhu cầu vay bù đắp mua nhà theo gói 30.000 tỷ đồng đã tìm đến ngân hàng. Sau khi gần hoàn tất hồ sơ vay vốn, cán bộ tín dụng ngân hàng kiểm tra trên Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC) đã thông báo, anh đang có khoản vay gần 2 tỷ đồng tại một ngân hàng cổ phần. Khoản vay này đã quá hạn gần 2 năm và đã được nhà băng đó chuyển sang nhóm "Nợ có khả năng mất vốn".
Chia sẻ với VnExpress, anh Ngọc khẳng định chưa từng vay tiền từ tổ chức tín dụng nào, cũng chưa từng ký bất cứ một khế ước nhận nợ nào. Theo thông tin có được, khoản vay mà anh "bất đắc dĩ" đứng tên phát sinh từ vài năm trước. “Ai đó đã lấy thông tin trên chứng minh thư của tôi để lập hồ sơ vay khống này. Chữ ký tại hồ sơ vay vốn hoàn toàn là giả mạo. Hơn nữa nếu tôi có nợ xấu, tại sao không hề nhận được thông báo nào đòi nợ của ngân hàng trong suốt thời gian qua”, anh cho biết. Nguồn tin của VnExpress cho biết, ngoài anh Ngọc, còn có một số trường hợp khác "bỗng dưng" trở thành con nợ dù không vay vốn nhà băng.
Hiện vụ việc của anh Ngọc đã được chuyển sang cơ quan điều tra làm rõ do có liên quan tới đường dây lừa đảo của một công ty chứng khoán và có dấu hiệu vi phạm hình sự. Tuy nhiên, trước mắt, vì vướng khoản nợ từ trên trời rơi xuống mà người vay lỡ dở kế hoạch mua được căn nhà mơ ước. Với dư nợ này, hầu hết tất cả các nhà băng đều từ chối không cho anh vay tiền.
Chị Hải (Lý Thường Kiệt, Hà Nội) cũng gặp tình cảnh gần tương tự anh Ngọc nhưng may mắn hơn, “dư nợ” của chị chỉ là khoản vay thẻ tín dụng 100 triệu đồng. Khi có nhu cầu vay tiền, chị mới tìm đến nhà băng và lúc này mới được thông báo là chủ một thẻ tín dụng có hạn mức 100 triệu. Thực tế, chị Hải đã có thẻ tín dụng nhưng hạn mức chỉ bằng một phần năm số này và do nhà băng khác phát hành. “May mắn cho tôi là sau khi biết sự việc, đến ngân hàng mở hạn mức thẻ tín dụng 100 triệu đồng này trình báo đã được giải quyết. Vì chạy chỉ tiêu mở thẻ trong tháng mà một cán bộ đã lấy thông tin của tôi để tự ý mở. Sau đó, nhân viên này quên không đóng thẻ lại”, chị Hải kể.
Thực tế, những trường hợp nhân viên ngân hàng tự ý mở thẻ cho khách để đạt doanh số rồi sau đó đóng lại khi hết thời hạn không phải hiếm. Áp lực phát triển thẻ được xem là một trong những nguyên nhân khiến nhiều nhân viên trong ngành này làm liều. Tuy nhiên, kiểm soát viên của một ngân hàng cổ phần chia sẻ: "Chuyện một phòng giao dịch yêu cầu các nhân viên và cùng lắm là người nhà của họ mở thẻ tín dụng để đạt doanh số có xảy ra ở một số nơi nhưng hầu hết đều được sự đồng ý của chủ thẻ. Trường hợp cán bộ ngân hàng tự ý mở thẻ ảo rồi đóng lại như trường hợp này ít gặp hơn".
Hiện nay, các dữ liệu thông tin tín dụng của khách hàng trên CIC được xem là thông tin đầu vào quan trọng, được tất cả các ngân hàng tham khảo trước khi đưa ra quyết định vay vốn đối với cá nhân hay doanh nghiệp. Nhưng hầu hết các trường hợp chỉ biết mình là con nợ khi lần đầu hỏi vay tiền ngân hàng và kiểm tra trên CIC.
Tại một hội thảo về thông tin tín dụng với doanh nghiêp nhỏ và vừa gần đây, một lãnh đạo của CIC cũng nêu đây là một trong những bất cập. Ông kể, nhiều người bị lấy bí mật thông tin cá nhân để vay ở nhiều nơi. Có doanh nghiệp đến khi đi vay mới ngỡ ngàng bị dư nợ. Do đó, đại diện CIC cho biết, để mỗi cá nhân, doanh nghiệp có thể theo dõi được tình trạng tín dụng của mình, CIC sẽ cung cấp dữ liệu này tới từng khách hàng thay vì chỉ phục vụ các tổ chức tín dụng như trước đây.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo CIC, dự kiến đến năm 2016, cơ quan này mới áp dụng công nghệ cho phép xem trực tuyến qua mạng. Hiện tại, khách hàng vẫn phải đến tận CIC và xuất trình các giấy tờ cần thiết như CMND, giấy đăng ký kinh doanh... để được tra cứu.
Hiện cơ sở dữ liệu của CIC có thông tin của 15 triệu khách hàng vay có dư nợ với ngân hàng, trong đó có khoảng 110.000 doanh nghiệp vay tín dụng mỗi năm. Đồng thời, CIC cũng lưu giữ 3 triệu hồ sơ tài sản đảm bảo, 2 triệu thẻ tín dụng và 70.000 báo cáo tài chính của doanh nghiệp hàng năm.