Luật Đấu thầu 2023 đã tạo ra một khung pháp lý hiện đại, minh bạch và phù hợp với thông lệ toàn cầu, nâng cao hiệu quả đấu thầu mua sắm công, góp phần tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi và hoạt động hiệu quả cho các doanh nghiệp |
Tiếp thu kinh nghiệm quốc tế, tăng tính tường minh và dễ áp dụng
Luật Đấu thầu 2023 tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm và thực tiễn quốc tế để nâng cao chất lượng và bảo đảm công bằng trong quá trình tuyển chọn nhà thầu. Việt Nam đã nghiên cứu và áp dụng những tiêu chuẩn được phát triển và trải qua thử nghiệm trên thế giới, mang lại hiệu quả và minh bạch cao trong việc lựa chọn nhà thầu. Việc áp dụng những quy định quốc tế này sẽ tạo điều kiện cho các nhà thầu trong và ngoài nước cạnh tranh trên cùng mặt bằng, giúp tăng cường sự chuyên nghiệp và sự hấp dẫn của thị trường mua sắm công tại Việt Nam.
Một trong những điểm đáng chú ý liên quan đến đối tượng áp dụng là việc Luật Đấu thầu 2023 làm rõ các trường hợp được tự quyết định có áp dụng theo Luật này hay không. Tất nhiên, cơ quan mua sắm vẫn phải bảo đảm các nguyên tắc cơ bản của đấu thầu: công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế và trách nhiệm giải trình. Một số trường hợp có thể kể đến như: (i) Lựa chọn nhà thầu thực hiện gói thầu sử dụng vốn do tổ chức, cá nhân trong nước tài trợ mà nhà tài trợ yêu cầu không lựa chọn nhà thầu theo quy định của Luật Đấu thầu; gói thầu của đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng nguồn vốn vay, trừ vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước, vốn vay lại từ vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài; (ii) Tổ chức lựa chọn nhà thầu ở nước ngoài của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước trong một số trường hợp; (iii) Việc thuê, mua, thuê mua nhà, trụ sở, tài sản gắn liền với đất; (iv) Lựa chọn nhà thầu để bảo đảm tính liên tục cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và hoạt động thường xuyên của doanh nghiệp nhà nước; (v) Mua sắm hàng hóa, dịch vụ có giá bán do Nhà nước định giá cụ thể theo quy định của pháp luật về giá…
Về kỹ thuật pháp lý, việc liệt kê cụ thể các “trường hợp loại trừ” là một bước tiến để tăng tính tường minh, cụ thể hơn và dễ áp dụng hơn. Trên thực tế, cách tiếp cận này đã được sử dụng đối với Nghị định số 95/2020/NĐ-CP và Nghị định số 09/2022/NĐ-CP hướng dẫn về đấu thầu mua sắm theo Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA). Đối với các cam kết về đấu thầu trong ba hiệp định này, phạm vi điều chỉnh được chia thành hai phần riêng biệt: các gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh và các trường hợp không thuộc phạm vi điều chỉnh. Như vậy, không chỉ thể hiện ở mặt nội dung mà tư duy làm chính sách đấu thầu cũng đã có những đổi mới tích cực.
Cũng liên quan tới việc thực thi điều ước quốc tế, trong đó có các hiệp định mà Việt Nam có cam kết mở cửa trong lĩnh vực đấu thầu, Luật Đấu thầu 2023 đã làm rõ trường hợp gói thầu bao gồm cả nội dung mua sắm thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này và nội dung mua sắm thuộc phạm vi điều chỉnh của điều ước quốc tế (ví dụ CPTPP, EVFTA, UKVFTA). Đối với những tình huống “đan xen” như vậy, người có thẩm quyền có thể quyết định việc lựa chọn nhà thầu của toàn bộ gói thầu thực hiện thống nhất theo quy định của điều ước quốc tế.
Nội luật hóa cam kết từ các FTA, hội nhập quốc tế
Việt Nam là thành viên của nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) quan trọng như CPTPP, EVFTA và UKVFTA, trong đó bao gồm cam kết về đấu thầu ở mức độ cao. Sau khi được cụ thể hóa trong Nghị định số 95/2020/NĐ-CP và Nghị định số 09/2022/NĐ-CP, một số cam kết tiếp tục đi vào Luật Đấu thầu 2023 để áp dụng cho số lượng gói thầu lớn hơn rất nhiều thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này, qua đó nâng cao tiêu chuẩn công tác đấu thầu tổng thể tại Việt Nam. Điều này cũng khiến quy định của Luật và quy định của các FTA ngày càng tiệm cận nhau hơn, giúp tăng cường sự tin tưởng của nhà đầu tư và nhà thầu nước ngoài vào thị trường Việt Nam, tạo môi trường kinh doanh minh bạch và đầy sức hút.
Có thể kể ra một số trường hợp chỉ định thầu (khoản 1 Điều 23) được bổ sung so với Luật Đấu thầu 2013 như: (i) gói thầu mua sắm hàng hóa, dịch vụ phi tư vấn phải mua từ nhà thầu đã thực hiện trước đó hoặc từ hãng sản xuất, đại lý của hãng sản xuất do cần bảo đảm tính tương thích về công nghệ, bản quyền với các trang thiết bị, máy móc, phần mềm, dịch vụ sẵn có hoặc do các điều kiện bảo hành của nhà thầu, hãng sản xuất mà không thể mua được từ nhà thầu khác, hãng sản xuất khác; (ii) gói thầu chỉ có duy nhất một nhà thầu thực hiện được trên thị trường do yêu cầu về giải pháp công nghệ…
Ngoài ra, một chủ đề thu hút nhiều sự chú ý và được đánh giá sẽ thay đổi tư duy tổ chức đấu thầu của chủ đầu tư là “Tùy chọn mua thêm”. Đây là nội dung cam kết trong cả ba hiệp định CPTPP, EVFTA và UKVFTA, được luật hóa tại khoản 8 Điều 39 của Luật Đấu thầu 2023, là nội dung hoàn toàn mới trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Tùy chọn mua thêm được định nghĩa là khả năng chủ đầu tư mua bổ sung hàng hóa, dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn của gói thầu ngoài khối lượng nêu trong hợp đồng. Trường hợp gói thầu áp dụng tùy chọn mua thêm, kế hoạch lựa chọn nhà thầu phải ghi rõ khối lượng, số lượng, giá trị ước tính của phần tùy chọn mua thêm. Việc thực hiện tùy chọn mua thêm phải đáp ứng đầy đủ một số điều kiện như nhà thầu đã trúng thầu trước đó thông qua đấu thầu rộng rãi, đàm phán giá; khối lượng mua thêm không vượt 30% của khối lượng hạng mục tương ứng nêu trong hợp đồng; đơn giá của hàng hóa, dịch vụ mua thêm không được vượt đơn giá của các hàng hóa, dịch vụ tương ứng trong hợp đồng…
Luật Đấu thầu 2023 là một bước tiến quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả và hội nhập quốc tế của hoạt động đấu thầu tại Việt Nam trên cơ sở tổng kết thực tiễn, cập nhật xu hướng đấu thầu mới, áp dụng tối đa khoa học công nghệ hiện đại và tiếp thu kinh nghiệm quốc tế, trong đó có cam kết về đấu thầu trong các FTA mà Việt Nam là thành viên. Nhờ vậy, Luật Đấu thầu 2023 đã tạo ra một khung pháp lý hiện đại, minh bạch và phù hợp với thông lệ toàn cầu, nâng cao hiệu quả đấu thầu mua sắm công, góp phần tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi và hoạt động hiệu quả cho các doanh nghiệp.
Các nhóm chính sách sửa đổi, bổ sung tại Luật Đấu thầu 2023
Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15 được Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo, công bố vào ngày 17/7/2023. Luật gồm 10 chương, 96 điều, với các nhóm chính sách được sửa đổi, bổ sung gồm:
Một là, nhóm các quy định sửa đổi, bổ sung nhằm xác định rõ phạm vi điều chỉnh, nguyên tắc áp dụng Luật Đấu thầu.
Hai là, nhóm các quy định sửa đổi, bổ sung nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác đấu thầu, bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu.
Ba là, nhóm các quy định sửa đổi, bổ sung nhằm đơn giản hóa quy trình, thủ tục thực hiện hoạt động đấu thầu lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, cắt giảm thời gian, chi phí trong hoạt động đấu thầu.
Bốn là, nhóm các quy định sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện chính sách đấu thầu mua sắm hàng hóa trong nước, sản phẩm đổi mới sáng tạo, mua sắm xanh, mua sắm sản phẩm, dịch vụ được cung cấp bởi nhóm lao động yếu thế nhằm góp phần thúc đẩy sản xuất trong nước, phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.
Năm là, nhóm các quy định sửa đổi, bổ sung nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về đấu thầu; phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong hoạt động đấu thầu.