Trên thị trường chứng khoán, xu hướng dòng tiền rời bỏ những doanh nghiệp có dư nợ vay cao đang ngày càng nới rộng - Ảnh: Nguyễn Nam. |
Cho đến hết tháng 9-2018, tổng phương tiện thanh toán mới đạt 8.933.435 tỉ đồng, tăng 9,04% so với cuối năm ngoái. So với tháng 8-2018 số tuyệt đối tổng phương tiện thanh toán chỉ tăng xấp xỉ 45.000 tỉ đồng. Trong hai tháng 10 và 11, mức tăng tổng phương tiện thanh toán hầu như không có cải thiện nhiều so với các tháng của quí 3. Năm nay tổng phương tiện thanh toán về nhiều phương diện sẽ thấp hơn đáng kể chỉ tiêu đề ra.
Tiền gửi của dân cư từ tháng 7 trở lại đây vốn dĩ đã tăng trưởng chậm lại, nay càng tăng chậm hơn. Ba quí đầu năm chứng kiến tiền gửi của dân chỉ tăng 8,8%, trong đó tháng 7 và 8 chỉ tăng khoảng 0,5%/tháng. Xét về lý thuyết hoặc người dân đã sử dụng tiền để đầu tư - kinh doanh nhiều hơn, hoặc tiền nhàn rỗi không còn dư dả như trước do chi tiêu sinh hoạt. Nếu thực tế đúng như vậy, cả hai khía cạnh đều đáng mừng. Đầu tư - kinh doanh và tiêu dùng đều là động lực cho tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên vốn huy động tăng chậm thì ngân hàng gặp khó. Theo NHNN, đến hết tháng 10-2018 tỷ lệ cho vay trên tổng vốn huy động toàn hệ thống vẫn ở mức cao 88,19% trong đó tỷ lệ của các ngân hàng quốc doanh và nửa quốc doanh lên tới 95,33%, vượt quy định. Khi hạn mức tín dụng cạn, tỷ lệ cho vay/huy động cao và khả năng nâng vốn điều lệ của cả BIDV, Vietcombank, Agribank, VietinBank đều không khả thi trong năm nay, mà phải đẩy sang năm 2019, thì kênh dẫn vốn cho nền kinh tế từ ngân hàng trong những tuần cuối cùng của năm càng eo hẹp.
Khi không thể cấp thêm tín dụng, một số ngân hàng giờ đây chuyển sang bảo lãnh phát hành trái phiếu cho doanh nghiệp và thu phí dịch vụ khá lời. Không ít nhân viên giao dịch tại quầy đã tư vấn cho khách hàng mua trái phiếu doanh nghiệp thay vì gửi tiết kiệm do lãi suất trái phiếu cao hơn hẳn, thường cao hơn 30-40% lãi suất tiết kiệm niêm yết. Thực tế lãi suất niêm yết hiện nay chỉ áp dụng cho những khoản tiền gửi nhỏ, từ vài chục triệu đến 100 triệu đồng. Trên 100 triệu đồng tiền gửi là đã được áp dụng mức lãi suất khác, nhưng lại không được ngân hàng niêm yết. Lãi suất tiết kiệm niêm yết sáu tháng của Ngân hàng Bản Việt và Ngân hàng Quốc dân áp dụng từ đầu tháng 12 này là 7,4%/năm, nhưng khách hàng có thể thương lượng tùy giá trị tiền gửi. Theo khảo sát bỏ túi của chúng tôi, các kỳ hạn tiền gửi 6, 9 và 12 tháng đều được đa số ngân hàng áp dụng lãi suất thực cao hơn 0,8-1,2%/năm so với lãi suất niêm yết tùy món.
Áp lực lạm phát đang có dấu hiệu suy giảm chủ yếu nhờ hiệu ứng sụt giá mạnh của dầu thô quốc tế. Trong vòng hai tháng qua, giá dầu thế giới đã giảm từ mức 76 đô la Mỹ/thùng về sát 50 đô la Mỹ/thùng, tương đương 33%, nhưng giá xăng dầu bán lẻ trong nước, mặc dù giảm ba lần trong tháng 11, cũng chỉ giảm tổng cộng chưa đầy 15%. Triển vọng tiếp tục đứng ở mức thấp của giá dầu quốc tế đang ủng hộ cho chỉ số CPI quí 1 năm sau, nhất là vào dịp Tết Dương lịch và Âm lịch.
Dẫu thế, NHNN vẫn đang chủ động điều hành tiền tệ thận trọng với sự đảm bảo thanh khoản vừa phải trên phạm vi quy mô tín dụng đã thu bớt. Sự thu bớt quy mô tín dụng được cắt gọt từ những lĩnh vực như bất động sản, chứng khoán, nhưng dưới nhiều hình thức khác nhau, tiền vẫn đang chảy vào hai kênh này nhiều hơn là vào năm lĩnh vực ưu tiên.
Trên thị trường chứng khoán, xu hướng dòng tiền rời bỏ những doanh nghiệp có dư nợ vay cao đang ngày càng nới rộng. Điển hình là sự rớt giá của cổ phiếu các doanh nghiệp thép khi hầu hết các công ty như HSG, NKG, POM, DTL... đều có tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu tính bằng lần. Kế đó là các công ty bất động sản. Số doanh nghiệp bất động sản không vay vốn ngân hàng chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay trong khi đây là nhóm cổ phiếu chiếm tỷ trọng cao về cơ cấu ngành nghề ở Hose và Hnx.
Một nhóm cổ phiếu khác có truyền thống vay nợ ngân hàng cao là khai khoáng và một số công ty xây dựng, xây lắp, điện lực. Việc tìm kiếm các công ty có dòng tiền ổn định, vay nợ thấp và trả cổ tức tiền mặt đều đặn trong bối cảnh tiền khủng hoảng có thể xảy ra trên thị trường tài chính thế giới đang được nhà đầu tư cá nhân lựa chọn và họ xoay chuyển danh mục nhanh hơn các tổ chức. VN-Index trong 3-4 tuần gần đây được nước ngoài rót thêm vốn vào một số quỹ ETFs nội địa, nên đã không biến động nhiều nhờ lực mua vào từ các quỹ này đối với các cổ phiếu vốn hóa lớn, đặc biệt VNM, VCB, GAS, SAB. Khi việc giải ngân này kết thúc và việc làm đẹp NAV (Net asset value) của các tổ chức vào cuối năm hoàn tất, VN-Index có khả năng sẽ kiểm tra đáy cũ ở quanh vùng 800-850 điểm.