Nền kinh tế Việt Nam đang phụ thuộc quá nhiều vào các tổ chức tín dụng. Ảnh: Lê Tiên |
Trong bối cảnh mất cân đối giữa thị trường tín dụng và thị trường vốn, Nhóm công tác thị trường vốn của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) đã có những khuyến nghị để Việt Nam hoàn thiện thể chế phát triển thị trường tài chính.
Ngân hàng đang phải gồng gánh quá sức
Ông Dominic Scriven - Chủ tịch Tập đoàn Dragon Capital cho rằng, thị trường vốn Việt Nam đã tăng trưởng đáng kể trong mấy năm qua, cả về tổng giá trị vốn hóa của thị trường trái phiếu và thị trường cổ phiếu, từ 70 tỷ USD lên 200 tỷ USD. Tổng giá trị giao dịch hàng ngày của hai thị trường này tính đến cuối năm nay hay đầu năm sau có thể vượt 1 tỷ USD/ngày. Tổng số vốn huy động được cho các đơn vị phát hành, doanh nghiệp (DN) trong nước đạt từ 5 đến 10 tỷ USD/năm. Tính từ đầu năm đến nay, số vốn mới huy động được đạt 4 tỷ USD.
Tuy nhiên, nếu so sánh giữa quy mô tín dụng và quy mô của thị trường vốn sẽ thấy, nền kinh tế Việt Nam đang phụ thuộc quá nhiều vào các tổ chức tín dụng.
Theo dữ liệu của Bộ Tài chính, quy mô tín dụng của Việt Nam vào khoảng 130% GDP, lớn hơn nhiều so với quy mô vốn hóa của thị trường chứng khoán (trung bình khoảng 70% GDP), thị trường trái phiếu DN (1,25% GDP) và thị trường trái phiếu chính phủ (20% GDP).
Trong khi thị trường vốn với chức năng cung cấp nguồn vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế còn chưa đủ lớn, áp lực vốn đang đè nặng lên ngành ngân hàng và có thể gây ra những rủi ro nhất định.
Chia sẻ tại Diễn đàn Chuyên đề vốn - tài chính trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam (Vietnam Economic Forum - ViEF) ngày 21/8/2018, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết: "Về bản chất hoạt động của các tổ chức tín dụng là cung ứng các nguồn vốn ngắn hạn và lưu động. Tuy nhiên trong thời gian qua, hệ thống ngân hàng cũng phải đối mặt với nhu cầu rất lớn về nguồn vốn trung và dài hạn của nền kinh tế. Chính điều này đang tạo ra những áp lực không nhỏ cho hệ thống ngân hàng trong việc cân đối và sử dụng nguồn vốn".
Cũng theo bà Nguyễn Thị Hồng, trong cơ cấu vốn hiện tại của các ngân hàng thì tỷ trọng nguồn vốn ngắn hạn chiếm khoảng 70%. Do đó, áp lực từ các khoản cho vay trung và dài hạn sẽ khiến các tổ chức tín dụng đối mặt với rủi ro về chênh lệch kỳ hạn.
Tỷ lệ tín dụng và vốn hóa thị trường vốn trên GDP của một số nước trong khu vực
Khuyến nghị của VBF
Trong khi thị trường cổ phiếu Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể trong nhiều năm qua với vốn hóa tại thời điểm giữa tháng 6/2018 lên tới 80% GDP, thì thị trường trái phiếu vẫn còn rất nhỏ. Để phát triển thị trường trái phiếu, Nhóm công tác thị trường vốn của VBF cho rằng, Việt Nam cần sớm thành lập tổ chức xếp hạng tín nhiệm nhằm tạo thuận lợi cho việc chào bán ra công chúng cũng như chào bán riêng lẻ khi phát hành trái phiếu.
Liên quan đến thị trường cổ phiếu, còn không ít vấn đề đang kìm hãm sự tăng trưởng. Đó là việc thực hiện cổ phần hóa (CPH) và thoái vốn DN nhà nước (DNNN) cũng như việc thực hiện Luật Chứng khoán sau khi cổ phần hóa.
Thực tế cho thấy, tình hình thực hiện kế hoạch CPH, thoái vốn DNNN đang diễn ra rất “ì ạch”. Cụ thể, theo kế hoạch, trong năm 2018 phải có 85 DNNN hoàn thành CPH, bao gồm 64 DN mới và 21 DN chuyển từ năm 2017 sang. Trong đó, riêng tại TP.HCM là 39 DN, Hà Nội là 11 DN. Tuy nhiên, báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính về tiến trình CPH, thoái vốn DNNN cho biết, trong 9 tháng mới có 10 DN được phê duyệt phương án CPH với giá trị trên 30.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, theo Nhóm công tác thị trường vốn của VBF, NHNN nên xem xét lại quy định đối với các ngân hàng liên quan đến hoạt động giám sát và lưu ký theo hướng linh hoạt hơn, mở rộng đối tượng sản phẩm tài chính để có thể phân phối đến nhiều nhà đầu tư hơn, cho phép ngân hàng thương mại đăng ký thực hiện một số dịch vụ mới như phân phối sản phẩm tài chính cho nhà đầu tư.