Cải thiện chất lượng giải quyết kiến nghị trong đấu thầu: Bắt đầu từ hóa giải xung đột lợi ích

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thời gian qua, nhiều kiến nghị của nhà thầu đã được giải quyết thấu đáo do chủ đầu tư, bên mời thầu, cơ quan nhà nước có thẩm quyền vào cuộc quyết liệt, thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm và sự công tâm.
Phần lớn những thắc mắc, kiến nghị trong quá trình lựa chọn nhà thầu liên quan đến việc thiếu minh bạch trong đấu thầu. Ảnh: Tường Lâm
Phần lớn những thắc mắc, kiến nghị trong quá trình lựa chọn nhà thầu liên quan đến việc thiếu minh bạch trong đấu thầu. Ảnh: Tường Lâm

Tuy nhiên, theo ghi nhận từ phản ánh của các nhà thầu, vẫn còn một số giải quyết kiến nghị không làm thỏa mãn nhu cầu chính đáng của nhà thầu.

Phần lớn những thắc mắc, kiến nghị trong quá trình lựa chọn nhà thầu liên quan đến việc thiếu minh bạch trong đấu thầu. Cụ thể, do vi phạm về công khai thông tin gói thầu; công khai quy định về đấu thầu; quyết định lựa chọn nhà thầu; quy định trong lựa chọn nhà thầu.

Ghi nhận phản ánh của nhà thầu cho thấy, thông thường, kiến nghị trong đấu thầu xảy ra khi các nguyên tắc trong đấu thầu bị vi phạm, nhà thầu bị ảnh hưởng về quyền lợi và nghĩa vụ. Cơ chế giải quyết kiến nghị trong đấu thầu diễn ra ở 2 cấp: cấp 1 là chủ đầu tư, bên mời thầu và cấp 2 là cơ quan có thẩm quyền (Điều 92 Luật Đấu thầu). Còn khi nhà thầu khởi kiện ra tòa án để giải quyết các tranh chấp trong đấu thầu thì vụ việc được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự (Điều 93 Luật Đấu thầu).

Việc nhà thầu kiến nghị đến bên mời thầu, chủ đầu tư, cơ quan có thẩm quyền có thể được giải quyết nhanh chóng, thuận tiện và đây là các chủ thể hiểu rõ vấn đề kiến nghị của nhà thầu. Tuy nhiên, nhược điểm của cấp giải quyết kiến nghị này là không độc lập, không khách quan và có xu hướng “bảo vệ quyền lợi của chính mình” trong quá trình giải quyết kiến nghị.

Trên thực tế, kết quả giải quyết kiến nghị nhiều cuộc thầu không diễn ra theo đúng mong muốn của nhà thầu và họ không được đối xử công bằng. Lý do là nếu cơ quan mua sắm giải quyết theo đúng những gì nhà thầu kiến nghị thì vô hình trung họ đã phản bác lại chính mình. Vì thế, những quyết định về kết quả giải quyết kiến nghị của chủ đầu tư, bên mời thầu, thậm chí là cấp có thẩm quyền thường mang tính chủ quan và bảo vệ quyền lợi cho chủ đầu tư, bên mời thầu. Trong khi đó, cơ chế khởi kiện vụ việc ra tòa án để giải quyết kiến nghị lại vô cùng phức tạp vì phải tuân thủ nguyên tắc tố tụng, không hiệu quả về mặt kinh tế nên các nhà thầu không mong muốn giải quyết vụ việc tại tòa án.

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, một số nhà thầu cho biết, quá trình theo đuổi kiến nghị của nhà thầu gặp rất nhiều khó khăn, trắc trở do chủ đầu tư, bên mời thầu né tránh giải quyết kiến nghị với muôn vàn lý do. Không ít chủ đầu tư, bên mời thầu, cấp có thẩm quyền giải quyết kiến nghị của nhà thầu qua loa, chiếu lệ, không đúng bản chất sự việc mà nhà thầu kiến nghị, hoặc đẩy cho đơn vị tư vấn đấu thầu trả lời kiến nghị của nhà thầu một cách không công bằng. Nhà thầu không thỏa mãn với kết quả giải quyết kiến nghị, nhưng quy trình gửi kiến nghị tới hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị khá rườm rà, tốn công sức và tiền bạc, chưa kể hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị lại là cơ quan cùng cấp hoặc là cấp dưới của chủ đầu tư, cấp có thẩm quyền.

Từ thực tiễn số lượng gói thầu sử dụng vốn ngân sách nhà nước có xu hướng ngày càng lớn, kiến nghị của nhà thầu gia tăng nhưng giải quyết kiến nghị có nhiều mâu thuẫn về lợi ích, các chuyên gia về đấu thầu cho rằng, cần sớm có cơ quan độc lập giải quyết kiến nghị trong đấu thầu. Việc áp dụng cơ chế giải quyết kiến nghị trong đấu thầu linh hoạt, ưu việt như hình thành cơ quan hành chính hay một cơ quan giải quyết kiến nghị khách quan, độc lập với các cơ quan mua sắm (chủ đầu tư, bên mời thầu, cấp có thẩm quyền) sẽ giúp xử lý một cách công bằng, kịp thời, minh bạch và hiệu quả kiến nghị của nhà thầu. Cơ chế này sẽ góp phần đem lại niềm tin, bảo vệ lợi ích chính đáng cho nhà thầu, đồng thời phù hợp với thông lệ quốc tế về giải quyết kiến nghị trong đấu thầu khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Tin cùng chuyên mục