Cần nguồn tiền, doanh nghiệp chấp nhận vay trái phiếu lãi cao

Các số liệu thống kê cho thấy trong quí 1 vừa qua thị trường trái phiếu không những rất sôi độngmà lãi suất phát hành bình quân của một số lĩnh vực đang tăng lên.
Theo phân tích của công ty SSI, các doanh nghiệp đang đối mặt với rủi ro chưa từng có tiền lệ do đại dịch Covid-19 nên nhà đầu tư cũng yêu cầu mức lãi suất cao hơn với các trái phiếu. Ảnh minh họa: TTXVN
Theo phân tích của công ty SSI, các doanh nghiệp đang đối mặt với rủi ro chưa từng có tiền lệ do đại dịch Covid-19 nên nhà đầu tư cũng yêu cầu mức lãi suất cao hơn với các trái phiếu. Ảnh minh họa: TTXVN

Báo cáo của Công ty chứng khoán SSI mới đây cho biết trong quí 1 năm nay các doanh nghiệp đã phát hành 47.500 tỉ đồng trái phiếu doanh nghiệp, tăng đến 39% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó bao gồm 5.000 tỉ đồng trái phiếu của Tập đoàn Masan, và 256 đợt phát hành riêng lẻ của 17 doanh nghiệp niêm yết và 48 doanh nghiệp chưa niêm yết.

Trong số này, nhóm các doanh nghiệp bất động sản dẫn đầu về khối lượng phát hành với tỷ lệ 49%, tương ứng với 23.202 tỉ đồng. Trong khi đó nhóm ngân hàng chỉ phát hành 490 tỉ đồng (chiếm 2,3%).

Tuy nhiên, một điều đáng chú ý là lãi suất phát hành trong quí này lại cao hơn. Cụ thể, trong quí 1, lãi suất phát hành bình quân là 10.4%/năm, cao hơn 108 điểm cơ bản so với mức bình quân trong quí 4-2019 và hơn 157 điểm cơ bản so với mức bình quân cả năm 2019.

“Thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn đang tăng trưởng tốt về khối lượng phát hành trong quí 1, nhưng lãi suất phát hành tăng lên. Các doanh nghiệp đang đối mặt với rủi ro chưa từng có tiền lệ do đại dịch Covid-19 nên nhà đầu tư cũng yêu cầu mức lãi suất cao hơn với các trái phiếu”, SSI lý giải.

Tuy nhiên, SSI cũng có nêu lên một nguyên nhân chủ yếu là do nhóm ngân hàng thương mại. Theo đó, trong năm ngoái, các ngân hàng phát hành lượng lớn trái phiếu nhưng lãi suất thì lại thuộc nhóm thấp nhất, trong khi quí 1 năm nay phát hành ít hơn nhiều nên con số lãi suất bình quân trung bình giảm đi là điều tất yếu. Theo đó, trong quí 1-2020, lãi suất phát hành bình quân cũng tăng mạnh lên 9,26%/năm (tăng đến 221 điểm cơ bản so với năm 2019), do kỳ hạn phát hành bình quân dài hơn (7,73 năm trong quí 1-2020 so với 4,12 năm trong năm 2019).

Nguồn: SSI, HNX.

Riêng nhóm năng lượng có lãi suất bình quân 10,5%/năm, tăng 102 điểm cơ bản so với mức bình quân 2019, cũng do kỳ hạn phát hành dài hơn (tăng thêm 3,31 năm), nhưng tỷ trọng phát hành nhóm này trong cả năm 2019 và quí 1 năm nay đều thấp nên không tác động nhiều đến lãi suất bình quân.

Nếu loại trừ nhóm ngân hàng và nhóm năng lượng (tăng lãi suất do kỳ hạn phát hành dài hơn), lãi suất phát hành bình quân tất cả các doanh nghiệp còn lại trong quí 1 là 10.41%/năm, vẫn cao hơn mức bình quân trong quí 4-2019 là 5 điểm cơ bản, và bình quân cả năm 2019 là 27 điểm cơ bản, dù kỳ hạn phát hành đều ngắn hơn.

Cả lãi suất và kỳ hạn khoản vay trái phiếu bình quân của các doanh nghiệp BĐS đều tăng. Nguồn: SSI, HNX

Xét riêng về nhóm bất động sản, lãi suất phát hành bình quân trong quí 1 là 10,77%/năm, tăng 43 điểm cơ bản so với bình quân năm 2019, dù kỳ hạn bình quân ngắn hơn 1-2 tháng. Trong quí vừa qua, đã có có 33 doanh nghiệp BĐS phát hành tổng cộng 23.200 tỉ đồng, tăng 9,8% so với cùng kỳ và bằng 18,3% tổng lượng phát hành cả năm ngoái.

Nhóm các doanh nghiệp khác có lãi suất phát hành bình quân trong quí 1 là 10%, giảm 32 điểm cơ bản so với cùng kỳ, nhưng nếu loại trừ mức lãi suất 20%/năm bất thường của lô phát hành 1.402 tỉ đồng của Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại Hồng Hoàng vào tháng 10-2019, thì lãi suất bình quân trong nhóm này đã tăng 22 điểm cơ bản.

Theo đánh giá của SSI, trái phiếu trở nên hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư vì lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng đang có xu hướng giảm.  “Mức chênh lệch lãi suất giữa trái phiếu và tiền gửi hiện tại lên tới 4%/năm đã hấp dẫn các nhà đầu tư cá nhân tham gia nhiều hơn vào thị trường”, SSI nhận định.

Tuy nhiên, một rủi ro cũng được cảnh báo là nhà đầu tư trái phiếu cũng phải lưu ý đến khả năng thanh toán, thanh khoản và sức chịu đựng qua các thời kỳ dịch bệnh của doanh nghiệp. “Các cơ chế bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư cá nhân và minh bạch hóa các thông tin thị trường vẫn chưa có nhiều cải thiện trong quý vừa qua”, đại diện SSI cho biết.

Tin cùng chuyên mục